MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Eximbank và những dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng?

27-03-2018 - 14:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Sự việc ở Eximbank sẽ không trở nên nghiêm trọng cho đến khi số tiền bốc hơi quá lớn và cuộc tranh luận dai dẳng giữa người gửi tiền với nhà băng này.

TS. Châu Đình Linh
TS. Châu Đình Linh
Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TPHCM
51 bài viết
  • Đối với đầu tư chứng khoán nói chung và để có hiệu quả, các nhà đầu tư phải phân tích rất khoa học về môi trường đầu tư, rủi ro có thể xảy ra trong thời gian đầu tư. Tóm lại, đầu tư chứng khoán là hành vi có cân nhắc cao và sự am hiểu.
  • Hiện đang có những điểm sáng có thể giúp tăng trưởng tín dụng, khi khả năng hấp thụ vốn sẽ dần tốt hơn từ nay tới cuối năm

Các phương tiện truyền thông đều dày đặc những hình ảnh ngân hàng Eximbank và câu chuyện tiền gửi tiết kiệm không cánh mà bay. Sự việc sẽ không trở nên nghiêm trọng cho đến khi số tiền bốc hơi quá lớn và cuộc tranh luận dai dẳng giữa người gửi tiền với nhà băng này. Ngoài ra, sự cộng hưởng đến từ các hình ảnh bắt bớ, những giọt nước mắt của người cùng ngân hàng, và nỗi niềm gửi gắm của các nhân viên ngân hàng khác…Tất cả đều là ngọn lửa để dẫn đến câu chuyện mang tên khủng hoảng.

Vậy khủng hoảng là gì? Eximbank đã đối diện với khủng hoảng chưa?

Khủng hoảng là một sự thay đổi đột ngột hoặc là nguyên nhân của một quá trình, dẫn đến một vấn đề cấp bách cần phải giải quyết ngay lập tức. Đối với một công ty/ngân hàng, khủng hoảng có thể gây ra thiệt hại đột ngột và nghiêm trọng cho danh tiếng, doanh thu, tài sản, nhân viên…

Một cuộc khủng hoảng lớn sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngân hàng, nên các nhà quản lý phải hành động nhanh chóng để tổ chức lại nguồn lực, kiềm chế khủng hoảng và cuối cùng giải quyết khủng hoảng với ít thiệt hại nhất.

Với những sự kiện diễn ra, có thể khẳng định Eximbank cần phải nhanh chóng tiến hành giải quyết khủng hoảng, bởi những dấu hiệu của khủng hoảng đều hiện diện ở Eximbank, cụ thể:

Thứ nhất là sự phàn nàn dai dẳng từ khách hàng. Cuộc chiến tiền gửi tiết kiệm bốc hơi với số tiền lớn, nhỏ tại Eximbank là dấu hiệu rõ ràng cho khủng hoảng sắp xảy ra. Nên nhớ, chỉ cần khách hàng của bạn phàn nàn về các tình trạng nguy hiểm liên quan đến sản phẩm/dịch vụ của bạn hoặc liên quan đến một phương thức bán hàng nào đó của các đại diện công ty thì đó là cảnh báo rõ ràng nhất cho khủng hoảng.

Thứ hai, các tiêu chuẩn quản lý lỏng lẻo. Eximbank đã thiết lập những quy trình nghiệp vụ khá nhiều khe hở đã dẫn đến sự bòn rút tiền của vị phó giám đốc, trưởng phòng, nhân viên…Hơn ai hết, những người thực hiện quy trình là người nắm rõ về những tiêu chuẩn lỏng lẻo để theo thời gian sẽ dẫn đến gian dối gây thiệt hại cho ngân hàng.

Thứ ba, vi phạm trách nhiệm ủy thác. Bốn đặc điểm chi phối hoạt động kinh doanh ngân hàng gồm: tính vô hình, thiếu tiêu chuẩn, không tách rời giữa cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ, và trách nhiệm ủy thác. Theo đó, Eximbank có vẻ thiếu tiêu chuẩn cho đặc điểm không tách rời giữa cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ, lẫn trách nhiệm ủy thác. Có lẽ, trách nhiệm ủy thác sẽ là dấu hiệu lớn nhất cho cuộc khủng hoảng niềm tin ở Eximbank, vì trách nhiệm ủy thác là trách nhiệm bảo vệ an toàn nguồn vốn cho ngân hàng và đưa ra những lời khuyên tài chính có trách nhiệm. Khi Eximbank không làm được trách nhiệm ủy thác tốt sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường.

Thứ tư, tin đồn và sự nghi ngờ dai dẳng. Câu chuyện không dừng lại ở vấn đề tiền gửi tiết kiệm bốc hơi, mà có vô số người xây dựng những câu chuyện ly kỳ liên quan đến vụ việc, có thể đúng, có thể sai, và không ai biết được ngoài người trong cuộc. Một số tin đồn lại rất dai dẳng và vượt tầm kiểm soát vấn đề của Eximbank cho đến khi ngân hàng bắt tay hành động giải quyết khủng hoảng.

Và thứ năm, sự sụt giảm trong vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Cố phiếu Eximbank giảm giá trong nhiều phiên đã thổi bay vốn hóa hàng nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là liên quan đến vụ việc tiền gửi tiết kiệm và những thông tin không tốt ngập tràn ở các phương tiện truyền thông.

Tất cả dấu hiệu trên là để Eximbank nhanh chóng giải quyết bài toán khủng hoảng của chính mình. Eximbank cần nhận thức về hệ lụy của khủng hoảng và bắt tay vào quản lý khủng hoảng.

Những nguyên tắc cần làm ngay để chặn khủng hoảng

Tác giả cho rằng, để quản lý được khủng hoảng thì Eximbank cần nằm lòng bốn nguyên tắc sau:

Một là, hành động nhanh chóng và quyết đoán. Nguyên tắc đầu tiên trong việc ngăn chặn khủng hoảng, đó là hành động nhanh chóng và quyết đoán. Điều Eximbank cần làm là công bố tra soát lại toàn bộ quy trình nghiệp vụ vốn, nhấn mạnh đến quy trình tiền gửi. Sau đó, cung cấp đầy đủ các biện pháp giúp người gửi tiền có thể kiểm tra được số dư tiền gửi tức thời và đảm bảo tính an toàn của khoản tiền gửi. Bên cạnh đó, hành động nhanh chóng và quyết đoán còn nằm ở vụ tiền gửi bốc hơi, phó giám đốc bỏ trốn nhân viên bị khởi tố…Vì vậy, Eximbank cần thành lập nhóm chuyên trách xử lý sự cố bất ngờ và khoanh vùng ở các dấu hiệu khủng hoảng.

Hai là, con người là trên hết. Eximbank hãy đặt khách hàng lên trên hết, cụ thể gồm: (i) các khách hàng gửi tiền hiện tại, nhằm tránh sự tổn thất về sụt giảm tiền gửi nhanh chóng; (ii) khách hàng đã bị mất tiền – đây là nguồn gốc của khủng hoảng ở Eximbank; (iii) nhân viên nhân hàng, theo đó, Eximbank cần có động thái trấn an và bảo vệ cho những tác nghiệp đúng đúng của nhân viên.

Ba là, có mặt tại hiện trường. Nguyên tắc thứ 3 trong việc ngăn chặn khủng hoảng là những người đứng đầu cần có mặt tại hiện trường càng nhanh càng tốt. Sự có mặt này là thông điệp rõ ràng rằng những người này đã xem trường hợp đó rất quan trọng. Sự vắng mặt của họ sẽ chứa đựng thông điệp ngược lại, rằng họ đang có những mối quan tâm khác.

Bốn là, giao tiếp chính thức với các phương tiện truyền thông và tiếp nhận thông tin. Nguyên tắc này nhấn mạnh đến trả lời những câu hỏi cho truyền thông theo các mức độ khác nhau và thiết lập cơ chế tiếp nhận thông tin, chẳng hạn có người phát ngôn chính, có đường dây nóng, có kế hoạch chi tiết để thu thập dữ kiện có sẵn…

Với bốn nguyên tắc như trên, tác giả cho rằng nếu thực hiện đồng bộ sẽ giúp Eximbank lập được kế hoạch giải quyết sự cố bất ngờ về vụ tiền gửi bốc hơi nhằm tránh một cuộc khủng hoảng diễn ra. Mọi thứ vẫn chưa quá muộn cho những hành động nhanh chóng và kịp thời với sự nhận thức đầy đủ của hệ lụy một cuộc khủng hoảng.

NCS. Châu Đình Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên