MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EY Việt Nam: Các quốc gia đang sử dụng thuế quan như vũ khí để tái lập cân bằng thương mại, tạo áp lực sắp xếp lại chuỗi giá trị toàn cầu

Theo các chuyên gia của EY Việt Nam, doanh nghiệp đang kinh doanh trong một môi trường chịu ảnh hưởng lớn bởi tác động từ chiến tranh thương mại, bất ổn chính trị, biến động của nền kinh tế thế giới đến những phát triển chóng mặt về công nghệ.

Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện từ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra thách thức mới cho các nước trong việc thu thuế nền kinh tế số. Gần đây nhất, ngày 9/6/2019, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tìm ra một hệ thống toàn cầu nhằm đánh thuế các hãng Internet khổng lồ.

Trong bối cảnh gia tăng các xung đột thương mại trên thế giới, các quốc gia đang sử dụng thuế quan như một thứ vũ khí để tái lập cân bằng thương mại, tạo áp lực khiến doanh nghiệp phải sắp xếp lại chuỗi giá trị, chuỗi cung toàn cầu.

Các tác động của môi trường kinh doanh toàn cầu, cùng nhiều quy định, hướng dẫn mới liên quan tới nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp được ban hành thời gian qua đã và đang có tác động lớn đến nhiều mặt hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam. Để đáp ứng và tuân thủ những quy định mới này, EY khuyến cáo, doanh nghiệp nên đầu tư các nguồn lực một cách thích đáng để tránh các rủi ro về thuế.

Trên cơ sở đó, chính sách thuế của Việt Nam cũng có một số điểm nổi bật, đặc biệt liên quan tới việc cải cách chính sách thuế và cải cách quản lý thu thuế. Việc sửa đổi chính sách thuế thời gian gần đây nhằm mục đích hướng tới việc giảm chi phí tuân thủ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ dooanh nghiệp tuân thủ quy định về thuế.

Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc EY Consulting Việt Nam phát biểu tại hội thảo "Thích ứng tốt hơn với hệ thống quản lý thuế nghiêm ngặt được thúc đẩy bởi số hóa" tổ chức EY và CLB CFO Việt Nam: "Công tác thanh tra chắc chắn sẽ hiệu quả hơn dưới sự hỗ trợ của phương thức điện tử. Với việc công tác quản lý thuế của cơ quan thuế ngày càng hiệu quả, yêu cầu tuân thủ đối với các doanh nghiệp cũng ngày càng trở nên thiết yếu để tránh hậu quả phạt thuế, truy thu thuế".

EY Việt Nam: Các quốc gia đang sử dụng thuế quan như vũ khí để tái lập cân bằng thương mại, tạo áp lực sắp xếp lại chuỗi giá trị toàn cầu - Ảnh 1.

Kể từ năm 2015, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra các khuyến nghị chính sách tại Chương trình hành động Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) gồm 15 hành động, thu hút sự tham gia của trên 100 quốc gia trong đó có Việt Nam. Các thành viên phải nội luật hoá quy định pháp luật của mình, phù hợp với mục tiêu của chương trình.

Luật Quản lý thuế sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, đưa ra nhiều quy định mới liên quan tới việc thực hiện và quản lý thuế trên nền tảng Internet (e-tax).

Theo đó, Luật thuế đưa ra quy định đầu tiên về hóa đơn điện tử, có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, yêu cầu người bán hàng, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua. Trong trường hợp sử dụng máy tính tiền, người bán đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Luật thuế cũng lần đầu đưa ra các quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Các nhà cung cấp ở nước ngoài, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam phải có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

Ngoài ra, ngân hàng thương mại có trách nhiệm trong việc khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật.

Bên cạnh xu hướng sửa đổi chính sách thuế và cải cách quản lý thuế, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong ngành này sẽ ngày một hiệu quả hơn. Nhiệm vụ trọng tâm mà Thanh tra ngành thuế sẽ thực hiện trong thời gian tới là thanh tra các doanh nghiệp có khả năng có số thu điều tiết ngân sách Trung ương lớn, tăng cường thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, chú trọng thanh tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá.

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên