MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Facebook, Google đè quảng cáo truyền thống: Nộp thuế nhỏ giọt, xử lý thế nào?

Ngành quảng cáo truyền thống tại Việt Nam đang có xu hướng “teo tóp” trước sự lấn sân của Facebook và Google, trong khi việc thu thuế của cả hai tập đoàn này vẫn còn là câu hỏi khó của cơ quan chức năng.

Mới trong giai đoạn khởi động

Hiện nay, không khó nhận ra mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn của Facebook, Google tới thị trường quảng cáo và kinh doanh qua mạng. Trong khi đó, việc thu thuế kinh doanh qua mạng hay thu thuế hoạt động truyền thông của các tập đoàn này mới ở giai đoạn khởi động bởi theo quy định, do Google và Facebook là tổ chức nước ngoài có nguồn thu nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam nên tổ chức chi trả có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế nhà thầu cho các đối tượng này.

Tuy nhiên, Google, Facebook quy định các khoản thu là sau thuế nên đã đẩy trách nhiệm nộp thuế sang các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam và khi thanh toán thông qua các đại lý, nếu muốn lấy chứng từ để đưa vào chi phí, các DN phải trả thêm một khoản thuế nhà thầu (gồm thuế thu nhập DN và thuế GTGT) khoảng 10% cho việc kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Google, Facebook tại VN. Do đó, không phải tất cả tổ chức đều nộp khoản thuế này, thay vào đó là hợp thức bằng chi phí khác.

Để ứng phó, trong lĩnh vực bán hàng online, vài tháng trước, ngành thuế đã vào cuộc để hướng dẫn hàng chục nghìn chủ tài khoản bán hàng trên Facebook đăng kí và kê khai thuế. Tuy nhiên, biện pháp này có vẻ chưa hiệu quả, bởi ngay sau khi nhận được yêu cầu từ cơ quan thuế, nhiều chủ shop online trên Facebook ngay lập tức chuyển hình thức kinh doanh sang Instagram, shoppee, zalo, youtube… và nhiều ứng dụng khác.

Ngay cả các trang hiện đang kinh doanh trên Facebook không niêm yết giá sản phẩm công khai mà chỉ cài chế độ trả lời “private” hoặc inbox riêng khi có khách hỏi. Thậm chí, một số shop từ chối không cho khách đến xem hàng tại nhà nữa mà khách nào ưng mua thì thuê shipper giao hàng cho khách chứ chủ shop cũng không lộ diện. Chính vì thế, cán bộ thuế cũng khó lòng kiểm tra được doanh thu để tính thuế.

Trong lĩnh vực quảng cáo truyền thông, việc quản lý thuế còn mông lung hơn.

Cần chế tài, tăng kiểm soát

Để thay đổi tình hình, tháng 11 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó có nêu nội dung đề nghị nhà cung cấp nước ngoài (như Google, Facebook,…) khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, Google và Facebook đang cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua 2 phương thức: Qua các đại lý tại Việt Nam và mua bán trực tuyến, thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Nếu thông qua đại lý, các DN trên phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu, nhưng ở phương thức mua bán và thanh toán trực tuyến lại chưa được quy định rõ nên có thể bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn của một dịch vụ khác. Khi thanh - kiểm tra thuế, cơ quan chức năng khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.

Bộ Tài chính thừa nhận, xác định doanh thu khi mà việc thanh toán dựa vào số lần nhấp chuột trả tiền không dễ dàng vì phải đối chiếu thông tin giữa 2 ngân hàng (của người mua/người bán) tham gia thanh toán trong điều kiện họ không phải là đối tượng nộp thuế trực tiếp và ngân hàng của công ty mạng cũng ở nước ngoài. Người mua dịch vụ của các tổ chức nước ngoài là cá nhân nên khó có cơ sở đề nghị khấu trừ thuế nhà thầu của tổ chức nước ngoài khi mua dịch vụ. Do đó, để quản lý thuế cần sửa đổi Luật Quản lý thuế để các bộ, ngành có cơ sở cùng vào cuộc.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa để cơ quan thuế có cơ sở kiểm soát doanh thu của các dịch vụ này, từ đó đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế đồng thời, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính đề nghị nhà cung cấp nước ngoài khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Một số chuyên gia cho rằng, động thái của Bộ Tài chính là cần thiết và thậm chí cần làm sớm hơn. Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn nhận định, muốn quản lý thuế các tập đoàn trên, trước hết phải sửa luật. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, việc thuyết phục các tổ chức này thanh toán qua cổng thanh toán nội địa sẽ không dễ dàng khi mà Facebook và Google chưa thành lập pháp nhân tại Việt Nam.

Còn TS, Luật sư Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân Bizlight - cho rằng, ngoài việc điều chỉnh quy định hiện hành, Việt Nam còn cần đẩy nhanh quá trình thực hiện đề án “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020” đã được Chính phủ phê duyệt, vì chỉ có thanh toán qua tài khoản ngân hàng thì các giao dịch mới có thể kiểm soát, từ đó chi cục thuế mới có cơ sở để kiểm tra.

Theo một số thống kê, doanh thu của Facebook tại thị trường Việt Nam hiện có thể lên đến 150 triệu USD/năm, tương đương hơn 3.000 tỉ đồng. Google đứng thứ 2 với 2.200 tỉ đồng (khoảng 100 triệu USD). Hai đơn vị này được nhận định đã chiếm khoảng 73% thị phần quảng cáo trực tuyến tại VN.

Theo Lan Hương - Lâm Anh

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên