MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fan tố lỗ hổng an ninh để vào sân Mỹ Đình đã có từ hơn 10 năm trước

18-11-2018 - 12:52 PM | Sống

Hành động nhận tiền để "giúp" các CĐV không có vé vào sân Mỹ Đình xem ĐT Việt Nam thi đấu dường như không phải lần đầu diễn ra. Thoạt nhìn thì đơn giản nhưng ẩn sau nó là những hậu quả không ai lường hết, có thể ảnh hưởng đến cả mạng hàng nghìn khán giả.

Trận đấu với Malaysia trên sân Mỹ Đình kết thúc bằng 3 điểm ngọt ngào cho thầy trò Park Hang Seo. Nhưng bên ngoài những khán đài chật ních khán giả hò reo ấy lại là một câu chuyện buồn về cách NHM thể hiện tình yêu cho ĐT – trốn vé vào chui.

Chỉ cần khoảng 300.000 đồng/người, những khán giả tới sân nhưng không có vé dễ dàng được "rước" lên tận khán đài mà không sợ bị an ninh nhòm ngó. Có người đi qua cổng phụ, phía bệnh viện Thể thao – nơi có những tay cò đứng sẵn. Có người đi công khai bằng cách dúi "một vật gì đó giống tiền" vào tay những nhân viên bảo vệ, an ninh. Và thế, họ đã dễ dàng vào sân mà chẳng cần nhọc công mua vé, trong khi rất nhiều người khác đã phải xếp hàng cả đêm hôm trước, hoặc mất cả triệu cho những cò vé chợ đen.

Hành vi sai trái bao lâu nay vẫn được ủng hộ hết mình?

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên vấn đề này xuất hiện. Chia sẻ với Sport5.vn, fan ruột của bóng đá Việt Nam - anh Nguyễn Tiến Cường khẳng định đây là câu chuyện đã có từ lâu và chính anh cũng là người từng được trải nghiệm.

"Tôi biết lối này từ năm 2003-2005, đúng trận khai trương sân. Hôm đó được 1 cán bộ dẫn vào. Giải Asian Cup 2007 rồi những giải sau nữa, không mua vé thì có thể nhờ lực lượng an ninh dẫn vào", anh Cường chia sẻ.

Còn theo anh Đức Cảnh chia sẻ với Sport5, đây là câu chuyện anh đã chứng kiến ở giải U19 Đông Nam Á năm 2014 - giải đấu mà lứa Công Phượng, Xuân Trường... lần đầu thi đấu ở Mỹ Đình.

"Cái này có từ bao nhiêu năm rồi. Hồi mình đi xem U19 cũng có nhân viên an ninh bảo kê dẫn dắt người vào. Sân rất nhốn nháo. Chắc phải đi từ 12h trưa mới có ghế đúng theo vé để ngồi", anh Cảnh cởi mở chia sẻ. 

Câu chuyện anh Cường và anh Cảnh kể đã từ rất lâu, không có bằng chứng gì để trình lên VFF xem xét "phạt nguội". Tuy nhiên, 2 câu truyện trên là bằng chứng sống để VFF xem xét lại quy trình làm việc của lực lượng an ninh sân Mỹ Đình.

Fan tố lỗ hổng an ninh để vào sân Mỹ Đình đã có từ hơn 10 năm trước - Ảnh 1.

Một cổ động viên đang trả tiền cho "tấm vé đích thực".

"Cảm ơn anh bảo vệ vì đã mang lại giá trị thực của tấm vé cho người dân", độc giả N.T bình luận trên một fanpage. Đọc xong dòng comment này, người viết bỗng chột dạ nghĩ về câu chuyện mình nghe được trong lúc làm phóng sự. Có anh thanh niên trước mặt tay cầm vé mà vẫn phải đứng như những người xem chui bởi đơn giản những kẻ "đi cửa sau" đã chiếm hết ghế của anh ấy.

Và người thanh niên này không phải trường hợp duy nhất. Ngay phía dưới bình luận này, N.N chia sẻ về trải nghiệm đáng quên của mình trong lần đi xem ĐT Việt Nam thi đấu, "Có vé vào sân, đứng gần 1 tiếng để xếp hàng còn chả được ngồi đúng chỗ đây. Cổ động viên thì đốt pháo sáng, ý thức chán thật". Anh chàng này tính ra còn may mắn hơn cậu thanh niên đứng trước mặt tôi tối hôm đó, bởi ít nhất anh ấy còn được "ngồi sai chỗ".

Câu chuyện đặt ra là: Từ bao giờ hành động "cướp chỗ ngồi của người này, cho người kia" lại được tôn vinh như một vị anh hùng?

Mà chuyện phe vé, vé lậu là vấn đề của VFF, của các cấp cao hơn. Trách nhiệm của những nhân viên an ninh là đảm bảo an toàn khi trận đấu diễn ra chứ không phải đóng vai "Robinhood" của sân Mỹ Đình. Hành động mà nhiều người cho rằng "anh hùng" ấy hóa ra lại là việc làm ngu ngốc mà các "Robinhood" dù có bao tiền cũng không trả đủ.

Những hậu quả khôn lường

Xem xong phóng sự của Sport5.vn, nhà báo Trương Anh Ngọc có bình luận thế này, "Video của Sport5 cho thấy lỗ hổng an ninh ở Mỹ Đình, do chính bảo vệ tạo ra. Nói gở chứ hôm qua có Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội dự khán, kẻ xấu mang thuốc nổ qua đường này KHỦNG BỐ thì sao? Pháo sáng đã là một điều đáng lên án. Hành vi của người bảo vệ này có đáng lên án không?".

Theo tôi là có – dù trong hàng trăm, hàng ngàn bình luận trên mạng xã hội vẫn ra sức bảo vệ "Robinhood" của họ, tôi vẫn cho là có. Trước trận đấu, ĐT Việt Nam đã được cảnh báo sẽ bị phạt rất nặng hoặc tệ hơn là đá sân trung lập, sân không khán giả nếu còn để tình trạng pháo sáng tiếp diễn. Ấy vậy mà có ít nhất 5 quả pháo sáng đã được nổ trong trận đấu với Malaysia. Chúng ở đâu ra khi tất cả người đến sân phải đi qua cửa quét an ninh nghiêm ngặt có thể phát hiện ra bất kỳ đồ dùng nguy hiểm nào?

Fan tố lỗ hổng an ninh để vào sân Mỹ Đình đã có từ hơn 10 năm trước - Ảnh 2.

Ai đảm bảo trong số những người này đều là dân yêu bóng đá đơn thuần?

Ai đảm bảo trong số những người này đều là dân yêu bóng đá đơn thuần? Người viết cũng không chắc nữa, chỉ biết trong quá trình nhập vai, chúng tôi đã di chuyển trót lọt vào tận khán đài mà chẳng bị bất kỳ nhân viên an ninh nào "hỏi thăm".

Mà đã lẩn được vào trong sân và đám đông hơn 40 nghìn người hôm ấy, một quả pháo sáng có là gì? Mà pháo sáng đã nhẹ nhàng bởi ít nhất thì nó cũng chỉ liên quan đến vấn đề tài chính. Nhưng nếu có kẻ xấu như nhà báo Trương Anh Ngọc nhận định, các "Robinhood" của chúng ta có 10 cái mạng cũng đền không nổi.

Ấy thế mà họ vẫn được tung hô chứ, kể ra dân mình lắm người cũng… buồn cười.

Sức chứa sân Mỹ Đình rơi vào khoảng 40 nghìn người. Nhưng con số thật hôm qua chắc chắn phải lớn hơn thế rất nhiều. Chưa cần tới khủng bố, trong trường hợp sân quá tải, tai nạn "từ trên trời rơi xuống" là không thể tránh khỏi.

Fan tố lỗ hổng an ninh để vào sân Mỹ Đình đã có từ hơn 10 năm trước - Ảnh 3.

Cứ thế này, Mỹ Đình sẽ có ngày thành Hillsborough tiếp theo.

Có lẽ các bạn vẫn chưa quên thảm họa sân Hillsborough xảy ra trong trận đấu ở FA Cup giữa Liverpool với Nottingham Forest diễn ra vào ngày 15/4/1989. Ách tắc giao thông trước giờ bóng lăn khiến rất nhiều CĐV Liverpool đến trễ. Tuy nhiên, lối vào khán đài quá ít và quá bé. Cảnh sát trưởng đã cho phép mở cửa cổng C ở khán đài Leppings Lanes để cho những NHM này vào sân. Cảnh tượng kinh hoàng diễn ra sau đó khi 2 nghìn CĐV liên tục dồn ép vào phía sân bóng khiến khán đài sập. Hàng nghìn người giẫm lên nhau và kết quả là 96 người đã thiệt mạng.

Câu chuyện ở Mỹ Đình hôm ấy, chắc hẳn nghe qua bạn đã thấy nhiều điểm tương đồng. Vậy nếu không phải thảm họa Hillsborough mà là thảm họa Mỹ Đình, người thiệt đầu tiên sẽ là CĐV, nhân viên an ninh hay là những phóng viên như chúng tôi?

Câu trả lời ấy, có lẽ mọi người cũng đã tự có trong lòng.

Phóng sự của Sport5 chỉ là một điều gì đấy rất nhỏ trong số vô vàn những góc khuất khác xung quanh trái bóng tròn. Nhưng quan trọng hơn, cần có những người dám đứng lên và nói ra sự thật. Đó có thể sẽ không phải là nhóm phóng viên Sport5 mà chính là các bạn – những CĐV chân chính của ĐT Việt Nam. Đừng để hình ảnh đẹp của chúng ta bị lu mờ bởi thứ tình yêu bóng đá "vô văn hóa" như thế.

Bởi suy cho cùng, sai cộng sai cũng chẳng thể bằng đúng…

Theo HT

Trí thức trẻ

Trở lên trên