MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FTM - Động lực tăng trưởng mới của từ Nhà máy số 4 và mảng dệt

27-09-2018 - 11:00 AM | Doanh nghiệp

Năm 2019, nhà máy số 4 đi vào hoạt động chính thức sẽ đóng góp thêm khoảng 500 tỷ đồng doanh thu cho FTM. Bên cạnh đó, FTM cũng từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị dệt may thông qua việc xây dựng nhà máy dệt, hứa hẹn sẽ là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Công ty.

Hai quý cuối năm - mùa cao điểm của ngành dệt may

8 tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã đạt 19,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 10,4% của cùng kỳ 2017. Ngành dệt may liên tục bứt phá trong 8 tháng đầu năm, đặc biệt hai quý cuối năm là mùa cao điểm của ngành dệt may.

Đơn hàng ồ ạt được ký kết trong hai quý cuối năm để phục vụ cho mùa đông, các dịp Giáng sinh, lễ Tết đã giúp nhiểu doanh nghiệp dệt may như Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM), Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) báo lãi lớn chỉ sau 8 tháng, thậm chí dự kiến vượt kế hoạch cả năm.

Là doanh nghiệp xuất khẩu sợi có quy mô lớn trong ngành, các nhà máy của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Mã: FTM) đang chạy hết công suất để phục vụ kịp các đơn hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng là một cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam với sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư sản xuất sang Việt Nam cũng như việc tỷ giá tăng là yếu tố tác động tích cực lên ngành dệt may.

Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) nhận định do hàng may mặc Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ chịu với mức thuế bình quân là khoảng 10%, ngành may mặc của Việt Nam có thể hưởng lợi và gia tăng thêm thị phần trên thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất. Hay nói cách khác, ngành may mặc sẽ giành thêm các đơn hàng nước ngoài khi bất lợi về thuế sẽ làm suy giảm tính cạnh tranh của Trung Quốc.

Nhà máy số 4 sẽ chạy chính thức từ 2019, đóng góp thêm 500 tỷ đồng doanh thu/năm

Nắm bắt cơ hội dịch chuyển dòng vốn FDI nhằm tận dụng nhân công giá rẻ, FTM đã liên tục mở rộng đầu tư cũng như hướng đến khép kín chuỗi giá trị dệt may.

Hiện FTM có ba nhà máy tại Thái Bình với tổng 110.000 cọc sợi, công suất tối đa là 17.000 tấn/năm. Để đáp ứng được nhu cầu cũng như sự tăng trưởng của ngành dệt may, FTM đã mở rộng thêm nhà máy số 4 với quy mô 50.000 cọc sợi, công suất 8.700 tấn sợi/năm.

Hệ thống kéo sợi của FTM. (Ảnh: Fortex).

Với công suất 8.700 tấn/năm, dự kiến nhà máy mới góp phần tăng trên 500 tỷ doanh thu/năm. Theo kế hoạch, nhà máy thứ 4 sẽ hoàn thành tiếp nhận lắp đặt thiết bị vào quý III/2018, chạy thử vào quý IV/2018 và chính thức tạo ra dòng tiền từ năm 2019. Sau khi mở rộng, tổng công suất của FTM sẽ nâng lên 25.700 tấn/năm.

Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ nút thắt cổ chai của ngành dệt may là xuất khẩu sợi nhưng lại nhập khẩu vải, FTM định hướng tiến dần đến chuỗi sản xuất khép kín sợi - dệt - nhuộm - may. Công ty đã xúc tiến ký kết hợp đồng mua bán thiết bị nhà máy dệt với Tập đoàn Tong He và nhiều đối tác khác từ châu Âu, Nhật Bản. Hiện tại FTM đang trong quá trình xây dựng phương án, thương thảo với Ngân hàng về các thủ tục cần thiết, dự kiến hoàn tất phương án, trình phê duyệt trong năm 2019. Nhà máy dệt sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào từ các nhà máy sợi.

Việc mở rộng thêm nhà máy số 4 và lấn sang mảng dệt sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của FTM.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên