MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 87% giao dịch qua ATM là rút tiền mặt

03-04-2017 - 15:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Dù doanh số sử dụng thẻ và việc phát triển mạng lưới ATM, POS được các ngân hàng chú trọng đẩy mạnh song thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn phổ biến.

Tại Hội nghị thường niên Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam năm 2017 vừa được tổ chức ngày 31/3/2017, tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, do Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam (VBCA) - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức đã công bố nhiều số liệu quan trọng trong lĩnh vực thẻ ngân hàng năm 2016.

Theo báo cáo trình bày của ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch VBCA, năm 2016 thị trường thẻ Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng, góp phần thúc đẩy hoạt động của các NHTM phát triển ổn định và bền vững, đồng thời đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ và NHNN.

Năm 2016, số lượng thẻ nội địa tích lũy không ngừng tăng qua các năm, đến năm 2016 đạt 92,08 triệu thẻ, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng các năm gần đây có dấu hiệu chậm lại do thẻ nội địa đã dần bão hòa.

Về tình hình hoạt động thị trường thẻ cũng được chủ tịch VBCA cung cấp thông tin khá chi tiết.

Theo đó, về phát hành thẻ nội địa, doanh số sử dụng thẻ nội địa cũng tăng theo từng năm, chiếm tỷ trọng 89% doanh số sử dụng của tất cả các thẻ, nhưng thẻ nội địa hiện nay chủ yếu dùng để rút tiền mặt, chiếm 86,81% trong tổng doanh số sử dụng thẻ ghi nợ nội địa, mặc dù đã có sự tăng trưởng trong việc sử dụng thẻ để chi tiêu tại đơn vị chấp nhận thẻ. Trong 3 năm gần đây, doanh số sử dụng thẻ nội địa chi tiêu tại POS tăng đều qua các năm nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Doanh số sử dụng thẻ nội địa tại POS năm 2016 đã tăng trưởng 54,19% so với năm 2015, cao hơn mức tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ quốc tế (chỉ đạt 29,3%).

Về phát hành thẻ quốc tế, số lượng thẻ quốc tế phát hành tăng trưởng không ngừng qua các năm, đến năm 2016 số lượng thẻ trên thị trường đạt trên 12 triệu thẻ, tăng 30% so với năm 2015. Cùng với sự tăng trưởng của số lượng thẻ, doanh số sử dụng thẻ quốc tế của người dân tăng nhanh, đạt hơn 224 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2015.

Về phát triển mạng lưới ATM, các giao dịch qua ATM vẫn chủ yếu là giao dịch rút tiền mặt, chiếm 86,81% doanh số sử dụng của thẻ nội địa, doanh số rút tiền mặt/ATM/năm vẫn tăng qua các năm (từ 60 tỷ đồng năm 2012 lên 106 tỷ đồng năm 2016), điều đó cho thấy thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn rất phổ biến.

Về phát triển mạng lưới – POS, thẻ quốc tế vẫn là loại thẻ được sử dụng chủ yếu để thanh toán tại POS. Số lượng máy POS và doanh số thanh toán thẻ tại POS tăng lên liên tục qua các năm nhưng con số này còn ở mức khiêm tốn, hiệu suất giao dịch của 1 POS tuy có tăng nhưng cũng còn thấp. Doanh số giao dịch của 1 POS năm 2016 chỉ tăng 6% so với năm 2015, trong khi doanh số giao dịch của 1 ATM của năm 2016 tăng 20% so với năm 2015.

Về phát triển mạng lưới – ECOM, trong vài năm gần đây, thanh toán thương mại điện tử thực sự bùng nổ với doanh số thanh toán liên tục tăng trưởng từ 2012 đến 2016, cụ thể: Doanh số thanh toán nội địa tăng 597% từ 2012 – 2016, tăng 48% từ 2015 – 2016; doanh số thanh toán quốc tế tăng 319% từ 2012 – 2016, tăng 47% từ 2015 – 2016. Xu hướng thanh toán qua các kênh Digital banking (Ecom, Mobile,…) cùng với sự phát triển của việc áp dụng giải pháp tokenization trong thanh toán thẻ để tăng tiện ích, cải thiện trải nghiệm thanh toán cho khách hàng.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên