MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gập ghềnh đường về mệnh giá của 2 cổ phiếu Ngân hàng

18-07-2017 - 17:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong số 34 ngân hàng thương mại Việt Nam chỉ có 11 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Và trong số này, chỉ có 2 ngân hàng có giá cổ phiếu vẫn còn nằm sâu dưới mệnh giá.

Từ đầu năm 2017, nhóm cổ phiếu ngân hàng được xem là động lực dẫn dắt giúp thị trường chung trở lại vùng giá cao nhất trong vòng 10 năm qua.

So với đầu năm, một số cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh như SHB tăng 65%, MBB tăng 56%, NVB tăng 52%, STB tăng 33%, ACB tăng 31%, EIB tăng 26%,…Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, đà tăng chậm hơn một chút khi BID tăng 24%, CTG tăng 16% và cổ phiếu VCB tăng không đáng kể.

Hiện trong số 34 ngân hàng thương mại tại Việt Nam chỉ có 11 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Trong đó có 6 ngân hàng niêm yết trên HOSE, 3 trên HNX và 2 trên UPCoM.

Dẫu dẫn đầu trong nhóm tăng giá mạnh và khiến nhà đầu tư bất ngờ song hai cổ phiếu là SHB và NVB lại nằm sâu dưới vùng mệnh giá 10.000 đồng.

Cổ phiếu NVB

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - mã: NVB) tiền thân là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank). Năm 2010, 100 triệu cp Navibank chính thức niêm yết trên HNX với giá 11.900 đồng/cp.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu liên tục xuống thấp. Sau quá trình vật lộn tái cơ cấu, cổ phiếu NVB vẫn không thoát khỏi cảnh giá rẻ và mỗi năm thiết lập một đáy mới....

Năm 2016, mức giá 5.200 đồng/CP được coi là thấp nhất kể từ khi Navibank niêm yết. 5 tháng đầu năm 2017, thị giá cổ phiếu NVB chạm đáy về mức chỉ hơn 4.000 đồng/cp, sau đó có giai đoạn nhích nhẹ nhưng vẫn lình xình dưới mốc 5.000 đồng/cp.

Cho đến đầu tháng 6/2017, sóng bất ngờ đến với NVB. Giá tăng dần lên mốc 7.000 rồi vượt mốc 10.000 đồng/cp vào phiên giao dịch 19/6. Khối lượng giao dịch cũng đột biến. Liên tục tăng mạnh trong 5 phiên, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau đó cp NVB nhanh chóng đảo chiều đi xuống mất gần 30%, chỉ còn 7.300 đồng/cp tính theo chốt phiên ngày 17/7.

Được biết, trong những năm qua, ngân hàng NCB vẫn đang nỗ lực tự tái cơ cấu, song kết quả vẫn còn ở mức khiêm tốn. Năm 2016, NCB đạt 13 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 10,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2017, NCB đặt kế hoạch đạt 42 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Quý I/2017, ngân hàng đạt 11,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 9,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tại ĐHCĐ năm 2017 mới đây, một cổ đông của ngân hàng này chất vấn: Bao giờ cổ phiếu NCB có giá trên 10.000 đồng? Đồng thời hỏi về chiến lược NCB có ý định tìm đối tác nước ngoài hay không?

Lãnh đạo ngân hàng NCB đã trả lời rằng, trong thời gian quan, ngân hàng đã làm việc với nhiều đối tác, trong đó có đối tác từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Ban lãnh đạo ngân hàng hy vọng sau khi có sự tham gia của đối tác nước ngoài, thị giá cổ phiếu sẽ dần trở về giá trị thực.

Cổ phiếu SHB

Cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội đã giao dịch dưới mệnh giá từ năm 2010 đến nay. Chạm đáy năm 2012 khi ngân hàng sáp nhập ngân hàng yếu kém Habubank, giá cổ phiếu SHB khi ấy chỉ còn 4.540 đồng.

Mặc dù hoạt động của SHB đã khởi sắc tuy nhiên trong 3 năm qua, giá cp ngân hàng vẫn ở dưới mức 5.000 đồng/cp. Phải bắt đầu từ tháng 3/2017, giá trị cp SHB mới có sự tăng trưởng dần đều cùng với đó khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh.

Có thời điểm giữa tháng 4, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh liên tục giữ ở mức cao, tổng số lượng cổ phiếu thực hiện khớp lệnh lên đến hơn 110 triệu đơn vị, số lượng cổ phiếu giao dịch thỏa thuận không đáng kể. Mức khối lượng này chiếm xấp xỉ 10% số cổ phiếu đang lưu hành trên sàn.

Trong phiên giao dịch 7/6, giá cp SHB tăng lên 7.400 đồng/cp và dẫn đầu khối lượng khớp lệnh trên thị trường, đạt hơn 27,4 triệu cổ phiếu. Đến ngày 6/7, SHB đã có bước nhảy vọt kỳ diệu, chạm ngưỡng 8.500 đồng/cp, gần gấp đôi giá trị so với thời điểm đầu năm.

Tuy nhiên đến nay, đà tăng của cp SHB đã bị gián đoạn. Chốt phiên ngày hôm qua 17/7, cp SHB lùi về 7.800 đồng/cp.

Từng nhớ, tại ĐHCĐ năm ngoái, một cổ đông của SHB đã chất vấn Chủ tịch ngân hàng Đỗ Quang Hiển về lộ trình để đưa giá cổ phiếu SHB lên mức giá phổ thông 10.000 đồng. Ông Hiển khi đó đã hứa với cổ đông sẽ làm tất cả sức mình để ngân hàng hoạt động tốt, hiệu quả, nhưng không thể đưa ra lộ trình tăng giá cho cổ phiếu. Theo lý giải của ông, cổ phiếu xuống do nhiều yếu tố thị trường chứng khoán thế giới, trong nước.

“Nếu nói có thể đưa giá cổ phiếu SHB lên 10.000 đồng/cp thì tôi là vua chứng khoán rồi, khó quá khác nào đánh đố", ông Hiển nói.

Còn theo giới phân tích, vừa qua có các đợt tăng giá mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng là đến từ những chuyển biến tích cực trong tiến trình xử lý nợ xấu đã góp phần gia tăng kỳ vọng cho nhóm này. Ngoài ra, những đồn đoán về M&A ngân hàng trên thị trường cũng là một trong những lý do khiến cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh.

Dù vậy, bất cứ quá trình tăng giá của cổ phiếu nào, ngoài câu chuyện về M&A, kỳ vọng về tương lai khi cơ chế xử lý nợ xấu đi vào thực tiễn thì thực trạng của doanh nghiệp cũng là vấn đề đáng xem xét để đầu tư. Theo đó, sự cải thiện hay suy giảm kết quả kinh doanh đóng một phần quan trọng trong các quyết định đầu tư.

Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, cổ phiếu ngành ngân hàng là cổ phiếu chịu nhiều ảnh hưởng từ thông tin thị trường. Với đặc thù của ngành, những tác động từ cổ đông, lãi suất, chi phí trích lập dự phòng, và đặc biệt là nợ xấu ảnh hưởng trực tiếp tới thị giá cổ phiếu ngành này.

Kim Tiền

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên