MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Gặp" người vén bức màn số liệu về nền kinh tế Trung Quốc

04-04-2017 - 09:08 AM | Tài chính quốc tế

"Những điều mà ông tìm ra làm thay đổi cơ bản cách chúng ta nghĩ về nền kinh tế Trung Quốc", Tom Orlik - chuyên gia kinh tế châu Á cấp cao tại Bloomberg Intelligence nhận định.

Hai năm một lần, nhà kinh tế học Gan Li và những đồng nghiệp của ông tại trường ĐH Kinh tế và Tài chính Tây Nam Trung Quốc (SWUFE) lại thực hiện khảo sát về hộ gia đình trong nước. Trong những ngày này, họ đang gấp rút thực hiện những giai đoạn cuối cùng để công bố kết quả khảo sát vào đầu tháng 7. Đây là bản báo cáo mà mọi nhà làm chính sách, chuyên gia phân tích kinh tế, chủ đầu tư bất động sản, lãnh đạo ngân hàng ở đều mong ngóng bởi nó sẽ tiết lộ một bí mật ẩn giấu sau khối tài sản của 1,4 tỷ dân Trung Quốc.

Năm 2012, khảo sát của ông Gan cho thấy hệ số Gini đo lường mức độ bất bình đẳng của Trung Quốc đã tăng lên đến 0,61 - quá cao so với điểm bất ổn mà nhiều nhà kinh tế đồng thuận là 0,4. Điều đó có nghĩa là 1% người giàu nhất Trung Quốc nắm hơn 1/4 tài sản quốc gia trong khi 430 triệu người vẫn đang phải vật lộn kiếm ăn qua ngày và Trung Quốc nằm trong số những quốc gia bất bình đẳng nhất trên thế giới.

Chưa đầy 24 tiếng sau khi báo cáo được tung ra, 6 lãnh đạo cấp cao thuộc Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã đột ngột tra hỏi ông Gan và Trung tâm nghiên cứu tài chính hộ gia đình Trung Quốc. Họ yêu cầu được cung cấp số liệu. "Họ không tìm được lỗi sai nào", ông Gan chia sẻ. "Một vài ngày sau, có người nói với tôi rằng chúng tôi sẽ ổn thôi".

Trung tâm nghiên cứu tài chính hộ gia đình Trung Quốc có 65 nhân viên. Khoảng 2.500 sinh viên của trường SWUFE sẽ được đào tạo những kiến thức cơ bản để thực hiện phỏng vấn trong 2 tuần. Sau đó, những sinh viên này sẽ trò chuyện với khoảng 40.000 hộ gia đình ở Trung Quốc về mức thu nhập hàng năm, số lượng gia súc hay trang sức quý báu mà mỗi gia đình sở hữu. "Sau khi hỏi xong 1 nhà, chúng tôi phải băng qua cả 1 cánh đồng mới đến được nhà tiếp theo. Có lần chúng tôi còn bị chó đuổi", Fan Lingyun - một sinh viên chia sẻ về lần thực hiện khảo sát năm 2015.

Thường thì các sinh viên sẽ về chính vùng quê của họ để thực hiện khảo sát. Mỗi người được cấp 1 máy tính bảng để ghi lại kết quả khảo sát được kết nối GPS với ông Gan và nhóm của ông tại trường ĐH và một số thiết bị cần thiết khác như máy tính cầm tay, đen pin. Trước khi đi khảo sát, họ cũng được đào tạo về sơ cứu cơ bản trong trường hợp bị thương hoặc đổ bệnh.

Từ lâu, các chỉ số kinh tế đã đóng một vai trò quan trọng ở Trung Quốc. Trong suốt thời ông Mao Trạch Đông, cục thống kê là cánh tay đắc lực của ủy ban kế hoạch quốc gia. Nhiệm vụ chính của tổ chức này là thống kê số lượng thiết bị được sản xuất ra tại các nhà máy quốc doanh. Phần còn lại của nền kinh tế thì phần lớn bị phớt lờ. "Các số liệu kinh tế không bao giờ được đưa ra để phục vụ cộng đồng", một chuyên gia về số liệu Trung Quốc thuộc trường ĐH KHCN Hong Kong nhận định.

Người vén bức màn số liệu ở Trung Quốc

Nhà kinh tế học Gan Li.

Sinh ra và lớn lên ở Thành Đô, ông Gan được nhận vào học tại khoa kinh tế và quản lý thuộc trường ĐH Thanh Hoa ở Bắc Kinh khi mới chỉ 15 tuổi. Sau này, ông Gan nhận bằng tiến sĩ kinh tế tại ĐH California Berkeley và hiện là giáo sư tại trường SWUFE và ĐH Texas A&M.

Sau khi bất đồng quan điểm với giới chức về báo cáo khảo sát năm 2012, ông Gan chưa từng lần nào công bố về chỉ số Gini, nhưng ông vẫn cho rằng bất bình đẳng thu nhập là chướng ngại lớn nhất của sự phát triển của Trung Quốc. Ngay cả khi quốc gia này đã xây dựng những chương trình mới về phúc lợi xã hội trong đó có trợ cấp hàng tháng cho người nghèo, tiêu dùng hộ gia đình tăng không đáng kể bởi người Trung Quốc thực tế vẫn không có nhiều tiền hơn để tiêu.

Tỷ lệ tiết kiệm cao của Trung Quốc chỉ được tạo ra bởi một số ít những người giàu. Ông Gan mong muốn sự phân bổ thu nhập giữa người giàu và người nghèo phải được đẩy mạnh hơn nữa thông qua thuế bất động sản và thuế thừa kế (cả 2 loại thuế này đều không có ở Trung Quốc).

"Những điều mà ông tìm ra làm thay đổi cơ bản cách chúng ta nghĩ về nền kinh tế Trung Quốc", Tom Orlik - chuyên gia kinh tế châu Á cấp cao tại Bloomberg Intelligence nhận định. "Thách thức của Trung Quốc không phải là phúc lợi xã hội mà là đảm bảo tài sản và thu nhập phải được phân bổ một cách công bằng - điều này khó hơn nhiều".

Ngoài hệ số Gini, kết quả khảo sát của ông Gan còn tiết lộ một thực trạng lớn khác ở Trung Quốc. Ông chỉ ra rằng 70% tổng tài sản hộ gia đình đến từ giá trị căn nhà họ đang sinh sống. Khoảng 50 triệu căn đã bán vẫn để trống - lớn hơn rất nhiều so với số lượng các ngân hàng đầu tư ước tính. Đây là thông tin mà chính phủ đã không công bố. Trung Quốc có tỷ lệ chỗ làm việc còn trống là 18%, trong khi Mỹ là 13%.

Mặc dù số liệu này ban đầu bị các công ty bất động sản phản đối mạnh mẽ, cho hiện nay phần lớn họ đều thừa nhận. Đó là 1 lý do tại sao giới chức Trung Quốc ngày càng giảm thiểu số khảo sát về hộ gia đình. "Trong khi các nhà làm chính sách thường ở Bắc Kinh - thành phố có giá nhà tăng, họ giả định rằng Trung Quốc cần nhiều căn hộ hơn để ở", ông Gan nói. "Và bây giờ thì chính sách đã quay 180 độ".

Anh Sa

Bloomberg

Trở lên trên