MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gây quỹ hơn 50 tỷ đồng, xây gần 800 nhà chống lũ và bắt đầu những dự án xanh, Jang Kều chia sẻ: "Tiền chưa bao giờ là điều khó khăn nhất"

13-06-2020 - 08:56 AM | Sống

"Có 2 thứ quan trọng nhất trong cuộc đời là ước mơ và lòng dũng cảm. Có ý tưởng, có mơ ước để bắt đầu và phải dũng cảm để biến ước mơ ấy thành hiện thực" - top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019 chia sẻ.

Phạm Thị Hương Giang, còn được biết tới với cái tên Jang Kều, là nhà sáng lập dự án Nhà Chống Lũ. Ra đời năm 2013, dự án này đã huy động được hơn 50 tỷ đồng, xây dựng thành công gần 800 căn nhà với 11 mô hình nhà an toàn được triển khai tại nhiều tỉnh thành chịu ảnh hưởng của bão lũ. Nhờ đó, hàng nghìn người dân được bảo vệ trước thiên tai.  

Sau thành công đó, Jang Kều toàn tâm thành lập Quỹ Sống với mong muốn tạo ra các mô hình phát triển bền vững dựa vào cộng đồng, trong đó con người sống hài hoà với thiên nhiên và gìn giữ những giá trị văn hoá bản địa. Năm 2019, Phạm Thị Hương Giang lọt top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. Hiện, chị đang cùng các cộng sự thực hiện nhiều dự án ý nghĩa.

Gây quỹ hơn 50 tỷ đồng, xây gần 800 nhà chống lũ và bắt đầu những dự án xanh, Jang Kều chia sẻ: Tiền chưa bao giờ là điều khó khăn nhất - Ảnh 1.

- 7 năm trước, ý tưởng nào đã giúp chị cho ra đời dự án Nhà Chống Lũ?

- Cũng có khá nhiều lý do. Đầu tiên phải kể tới chuyến đi thiện nguyện năm 2009. Khi ấy, tôi đến huyện Đại Lộc và chứng kiến những hình ảnh tang thương khiến bản thân không thể nào quên. Tôi quyết định phải tìm ra mô hình nhà an toàn cho bà con vùng lũ.

Đi làm thiện nguyện đã nhiều năm nay nhưng tôi vẫn chưa tìm được phương pháp hợp lý, cho tới khi nảy ra ý tưởng "chung tay". Tức là người nhận sẽ đóng góp 50% để xây nhà chống lũ. Đích đến cuối cùng là thay đổi suy nghĩ của cả người cho và người nhận. Người giúp nếu chỉ nghĩ mình cho người ta là hay, là tốt rồi, chỉ "do for done" (làm cho xong – PV). Còn người nhận thì cho rằng mình yếu thế nên được nhận trợ giúp, cứ nhận thôi và không phải thay đổi điều gì, không phải nỗ lực hay học hỏi điều gì thì không giải quyết được vấn đề.

Thời điểm Nhà Chống Lũ ra đời là lúc nước sôi lửa bỏng năm 2013. Tôi đã quan sát, nghiên cứu suốt 4 năm và quyết định thực hiện ngay. Nếu bây giờ không làm thì biết bao giờ làm đây, trong khi năm nào cũng là năm lũ lịch sử.

Đó cũng là thời điểm, tôi bắt đầu nhận thấy công việc làm truyền thông, sản xuất truyền hình, event trở nên vô nghĩa khi có quá nhiều thứ chiêu trò. Tôi chưa bao giờ có nhiều tiền nhưng cũng không phải là người cần nhiều tiền. Vậy mà bản thân cứ đi làm công việc không thật sự say mê. Cuối cùng tôi quyết định dừng lại, để dành thời gian cho việc ý nghĩa hơn.

Điều cuối cũng, là một yếu tố rất quan trọng, mà tôi vẫn hay gọi là "giọt nước tràn ly", đó chính là con trai tôi, bé Taka.

- Cậu bé đã tác động như thế nào tới quyết định khi ấy của chị?

- Tôi biết con trai mình bị tự kỷ khi bé 2 tuổi. Năm 2013, lúc con 5 tuổi là thời điểm rất căng thẳng. Con bắt đầu cào cấu mẹ rồi tự làm đau bản thân, không biết đi vệ sinh và làm những hành động lặp đi lặp lại. Công việc đã bộn bề, về nhà tiếp tục giải quyết những vấn đề rắc rối của con. Lúc nào tôi cũng stress.

Cho tới một ngày, tôi lần đầu tiên nhận thấy con vô cùng hạnh phúc với một hành động mà người mẹ như tôi vẫn luôn phán xét: Nhặt nắng. Bình thường khi con quay bút, mở cửa đi mở cửa lại hay nhìn lên quạt trần một lúc lâu… tôi sẽ thấy rất khó chịu. Tôi thường nhắc nhở hay đánh nhẹ vào tay con, đôi khi là đưa con đi chỗ khác. Nhưng rồi nhìn nụ cười trong veo của con khi nhặt nắng, tôi chợt nhận ra, con đang rất hạnh phúc. Hoá ra bấy lâu nay tôi đã rất sai khi ngăn cản con làm điều con yêu thích, vì tôi cho rằng các hành động này làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa trẻ.

Thực sự là không ai cảm nhận hạnh phúc của bản thân thay mình được. Nghiệm ra điều đó, tôi quyết định sẽ làm công việc thích nhất, vui nhất, hạnh phúc nhất là cống hiến cho cộng đồng. Khi mình hạnh phúc thì con cũng sẽ hạnh phúc và mình mới có thể giúp đỡ những người xung quanh.

- Con chị bây giờ đã tốt hơn chưa?

- Bạn ấy bây giờ tốt hơn rất nhiều rồi. Taka đã có thể chăm sóc bản thân, trông nhà, chơi nhạc, vẽ, chơi thể thao, làm vườn và rất vui, hạnh phúc với cuộc sống xunh quanh.

Gây quỹ hơn 50 tỷ đồng, xây gần 800 nhà chống lũ và bắt đầu những dự án xanh, Jang Kều chia sẻ: Tiền chưa bao giờ là điều khó khăn nhất - Ảnh 2.

- Nhờ đó mà chị có thể quyết định dành 80-90% thời gian của bản thân để điều hành Quỹ Sống và những dự án liên quan phải không?

- Lý do đơn giản vì tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm điều đó. Nếu chỉ ngồi nói chuyện về ý tưởng trồng cây, xây nhà chống lũ hoặc làm việc cho cộng đồng hay đi những chuyến thực địa, tôi sẽ vô cùng phấn chấn, hạnh phúc và tràn đầy năng lực. Không giống như lúc đối mặt với những báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh... Tôi có thể thành công hơn nếu tập trung kinh doanh nhưng lại không cảm thấy hạnh phúc.

Nhu cầu của tôi và con cũng không nhiều. Ước mơ của tôi là được sống với con trong một ngôi nhà bình yên. Tự trồng cây, nuôi gia cầm, cung cấp lương thực thực phẩm cho mình, không cần nhiều tiền mà cần tự tay lao động. Còn lại, tôi có thể dành toàn bộ thời gian cho Quỹ Sống.

Gây quỹ hơn 50 tỷ đồng, xây gần 800 nhà chống lũ và bắt đầu những dự án xanh, Jang Kều chia sẻ: Tiền chưa bao giờ là điều khó khăn nhất - Ảnh 3.

- Quỹ Sống hiện hoạt động như thế nào?

- Chúng tôi giờ là một tập thể gồm khoảng hơn 20 người làm cả full-time, part-time và tình nguyện viên. Quỹ có Hội đồng Điều hành, Ban Kiểm Soát, các nhóm thực hiện dự án. Và quan trọng là Quỹ có Hội đồng Tư vấn bao gồm gần 30 các chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam, những người đã và đang nhiệt tình giúp đỡ Quỹ.

Về mặt thực hiện, Quỹ Sống có 3 chương trình hành động. Cụ thể là chương trình hướng về cộng đồng bền vững mang tên "Nhà Chống Lũ" (bao gồm 2 dự án Nhà An Toàn và Làng Hạnh Phúc) và chương trình "Hạnh Phúc Xanh" hướng về môi trường bền vững bao gồm các dự án "Trồng Một Cây", "Công viên Hạnh Phúc Xanh" và "Forest Symphony". Trong đó, Forest Symphony - Giao hưởng Rừng xanh - là một dự án đặc biệt đặc biệt quan trọng mà chúng tôi vừa mới triển khai chính thức. Đó là mong ước, là khát vọng tôi muốn được làm.

Tại Việt Nam, vấn đề cốt lõi nhất của các thảm họa về bão lũ, hạn hán, sạt lở, nhiễm mặn… hay những vấn đề môi trường, dịch bệnh nằm ở việc chúng ta mất rừng, mất cây. Vì vậy, trồng cây, hồi phục mảng xanh là điều chúng ta cần hành động, hành động ngay lập tức! Tôi mong muốn tất cả người Việt Nam cùng kết nối và trân quý Mẹ Thiên Nhiên, tạo ra những năng lượng an lành, tích cực. Tôi tin những người yêu thiên nhiên, yêu cây rừng sẽ có trái tim nhân hậu, không thể nào độc ác hay hung dữ được.

Tuy nhiên, cần thời gian để mọi người quen dần với các hoạt động trồng cây ở ngay trong nhà của mình, nơi mình làm việc, ở khu dân cư của mình, trong công viên, ven đường… Vì thế, chúng tôi có những dự án "khởi động" về trồng cây, tăng cường mảng xanh ở các đô thị. Rồi sau đó mới cùng nhau trồng mới và hồi phục rừng.

Cuối cùng là chương trình Con người Bền vững với các hoạt động toạ đàm, talkshow, workshop, training, tập huấn, chia sẻ kiến thức trong cộng đồng.

Gây quỹ hơn 50 tỷ đồng, xây gần 800 nhà chống lũ và bắt đầu những dự án xanh, Jang Kều chia sẻ: Tiền chưa bao giờ là điều khó khăn nhất - Ảnh 4.

- Việc thuyết phục mọi người góp tiền trồng cây có phải là khó khăn lớn nhất của chị và các thành viên trong quỹ không?

- Thật ra mọi người luôn nghĩ gây quỹ cho hoạt động hay trồng cây là khó khăn lớn nhất. Nhưng tôi cho rằng có 2 thứ quan trọng nhất trong cuộc đời là ước mơ và lòng dũng cảm. Có ý tưởng, có mơ ước để bắt đầu, và phải dũng cảm để biến ước mơ ấy thành hiện thực. Còn tiền thì chưa bao giờ là điều khó khăn nhất.

- Nguồn thu chính nào đang giúp Quỹ Sống duy trì các hoạt động?

- Thời gian đầu, chúng tôi dùng quan hệ cá nhân. Chủ yếu là đem những đồ dùng quý và các tác phẩm nghệ thuật của mình và bạn bè ra đấu giá. Lúc ấy mới là sự kiện của nhóm người có điều kiện, muốn làm những việc cho cộng đồng. Còn hoạt động gây quỹ cộng đồng dưới hình thức crowd-funding chưa có nhiều hiệu quả.

Tới cuối 2016 khi xảy ra lũ rất lớn ở Quảng Bình và Hà Tĩnh, mọi người thấy những ngôi nhà chống lũ được chúng tôi xây từ năm 2013 vẫn rất an toàn thì bắt đầu góp quỹ online rất nhiệt tình. Sau chiến dịch đó, chúng tôi thu được 3 tỷ đồng và có được niềm tin nhất định của cộng đồng.

Bây giờ Quỹ có 4 nguồn chính. Thứ nhất là crowd-funding trên mạng. Đây là nguồn tập trung và quan trọng nhất, được gây dựng niềm tin từ những chương trình cụ thể. Sống không bao giờ gây quỹ khi chưa có nghiên cứu và kế hoạch rõ ràng. Crowd-funding không chỉ là tiền mà còn là niềm tin, là sự chia sẻ, lan toả những quan điểm, nhận thức về sự chung tay.

Thứ hai, chúng tôi bắt đầu tiếp cận tới các doanh nghiệp muốn làm các chương trình trách nhiệm xã hội, gọi là corporate social responsibility (CSR). Họ khác với các doanh nghiệp chỉ muốn làm từ thiện, tặng những khoản tiền và không quan tâm đến kết quả và sự đổi thay sau đó. Quan trọng là sự đổi thay đó phải gắn bó cơ hữu với việc phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Những công ty, tổ chức cam kết đồng hành lâu dài vì mục tiêu bền vững, đóng góp vào sự đổi thay của cộng đồng, chúng tôi sẽ làm việc cùng với họ.

Thứ ba, mỗi năm một lần, chúng tôi tổ chức một chương trình chia sẻ kết quả, kế hoạch hành động mới và tri ân những mạnh thường quân, những người quan tâm, đóng góp tới quỹ. Trong các chương trình đó, chúng tôi tổ chức đấu giá các tác phẩm nghệ thuật để gây quỹ. Song song với đó là những sự kiện để cộng đồng có thể đóng góp và thông điệp lan tỏa tốt hơn.

Ngoài ra, sau khi Sống đã có những niềm tin và thành công nhất định, chúng tôi đã có thể nộp hồ sơ những dự án phát triển tới các quỹ và tổ chức phát triển quốc tế để tìm kiếm các nguồn tài trợ. Nguồn số 4 này tính đến nay chưa nhiều nhưng có ý nghĩa lớn vì đó còn là sự công nhận về hướng phát triển và sự chuyên nghiệp của Quỹ Sống trong cộng đồng quốc tế.

Gây quỹ hơn 50 tỷ đồng, xây gần 800 nhà chống lũ và bắt đầu những dự án xanh, Jang Kều chia sẻ: Tiền chưa bao giờ là điều khó khăn nhất - Ảnh 5.

- Yếu tố nào đã giúp Sống có được niềm tin và ủng hộ từ cộng đồng?

-  Phương pháp tiếp cận của "Sống" rất khác. "Người cho" theo cách của "Sống" hiểu rằng họ cho theo cách có trách nhiệm, chân thành. Các hình thức đóng góp của "sự cho" không chỉ thuần tuý là vật chất, tài chính mà còn cho cả tri thức và kinh nghiệm. Hiện tại, Quỹ Sống đang có được sự chung tay của rất nhiều các chuyên gia, nghệ sĩ, những nhà báo, những "người-cho" ở các mức độ khác nhau.

Cái khác biệt thứ hai là Quỹ Sống không dành nhiều thời gian cho lý thuyết và việc truyền thông, quảng bá. Chúng tôi không viết lách những ước mơ bay bổng. Tôi nói ngay từ những ngày đầu rằng Nhà Chống Lũ hay Hạnh Phúc Xanh là hành động. Quỹ Sống là quỹ của hành động. Một tuần sau khi viết lên dự án Nhà Chống Lũ, tôi đã gây quỹ. Gây quỹ xong thì ngay tối hôm đó tôi đã cùng cả nhóm kéo nhau đi tàu vào Hà Tĩnh và xây 5 cái nhà. Và chỉ trong 35 ngày trước Tết đã xây xong. Luôn luôn phải hành động và không mất thời gian để nói nhiều.

Điểm thứ ba là những việc Quỹ làm phải đo lường được. Những ngôi nhà chống lũ mình xây qua năm tháng thế nào, người dân ở đó thay đổi và có cuộc sống tốt hơn ra sao. Hay như việc trồng cây, không phải trồng xong để đấy, mà còn phải đo lường xem trồng được bao nhiêu, cây sống thế nào, việc bảo vệ ra sao. Có lẽ, đó là yếu tố quan trọng nhất khiến mọi người ủng hộ cho Quỹ Sống. Tất nhiên, hành trình vẫn còn rất nhiều khó khăn, chúng tôi còn phải học hỏi rất nhiều từ những thất bại. Chúng tôi cũng gặp những tình huống dở khóc dở cười nhưng tôi và các thành viên khác của Sống luôn kiên định với mục tiêu, kiên nhẫn thực hiện và hi vọng.

Gây quỹ hơn 50 tỷ đồng, xây gần 800 nhà chống lũ và bắt đầu những dự án xanh, Jang Kều chia sẻ: Tiền chưa bao giờ là điều khó khăn nhất - Ảnh 6.

- Kiên nhẫn và kiên định, đó có phải là những tính cách vốn có của chị không?

- Tôi là một người rất kiên định và trung thực, nhưng không phải người kiên nhẫn. Cho đến khi con trai Taka của tôi bắt đầu gặp vấn đề. Tôi phải kiên nhẫn với những thứ mình không bao giờ tưởng tượng ra. Suốt 2 năm liền, không dưới 7 lần 1 ngày ngồi trong nhà vệ sinh cầm tay, nhìn vào mắt con để con bình tĩnh, để con cảm thấy vững tâm, để con có thể đi vệ sinh. Sau một thời gian rất dài mới kéo ghế ngồi ngoài nhà vệ sinh, nhưng để con nhìn thấy, và trò chuyện với con, rồi sau đó làm việc khác nhưng thỉnh thoảng vẫn phải nói vọng vào "Mẹ vẫn đang ở đây" để Taka yên tâm.

Nuôi dạy một đứa trẻ đặc biệt như thế cần rất nhiều sự kiên nhẫn và thời gian. Những việc nhỏ hàng ngày ấy khiến cho tôi có thể kiên nhẫn với tất cả. Có nhiều người hỏi những câu thật sự vớ vẩn về thiện nguyện, về các hoạt động của Quỹ, mà trước đây có thể sẽ khiến tôi phát điên lên vì tôi luôn làm sếp và rất bận. Nhưng giờ thì tôi luôn kiên nhẫn và nghĩ rằng, biết đâu họ sẽ dạy cho mình một điều gì đó.

Tôi vẫn luôn giữ cho mình những năng lượng tích cực, làm những việc truyền cảm hứng và luôn tin vào trực quan của mình. Đôi khi tôi chủ quan, chỉ tin vào bản thân và rất ít nghe lời khuyên bảo của mọi người xung quanh. Cũng phải trả giá bằng những lúc tự rơi vào hố sâu của cuộc đời, gặp khó khăn, thất bại. Nhưng rồi mọi chuyện đều có cách giải quyết của nó.

Gây quỹ hơn 50 tỷ đồng, xây gần 800 nhà chống lũ và bắt đầu những dự án xanh, Jang Kều chia sẻ: Tiền chưa bao giờ là điều khó khăn nhất - Ảnh 7.

- Người lạc quan, yêu đời như chị mà cũng rơi vào hố sâu của cuộc đời sao?

- Có chứ. Tôi từng phá sản vài lần. Lần bi đát nhất là sau khi học thạc sĩ về nước mở ngay công ty và phá sản. Sau đó vừa mở công ty mới thì bị tai nạn. Rồi công ty be bét vừa mới phục hồi thì tôi bị gãy chân và phải nằm bó bột toàn thân 5 tháng. Thời điểm ấy, bác sĩ bảo tôi có thể phải di chuyển bằng xe lăn cả đời. Đó như là một điểm đáy mà mình không biết bản thân có vượt qua được hay không.

Hồi đó tôi là Chủ tịch Hội vespa cổ của Hà Nội, thường xuyên đi phượt, đi xuyên Việt, lang thang khắp nơi. Có rất nhiều bạn bè. Làm kinh doanh cũng rất có duyên với nhân viên. Khi phá sản thì mọi người vẫn yêu quý và theo mình. Mình không bỏ họ vì họ yêu quý mình nên càng gánh nặng hơn khi phá sản. Nhưng mà tôi vẫn lạc quan, vẫn đi chơi, vẫn tổ chức lễ hội vespa cổ. Khi đó tôi đang say sưa với các cảm hứng và nghĩ rằng mình sẽ giải quyết được mọi khó khăn thì tại nạn xảy ra. Cảm giác như mình bị "cắt chân" nằm im một chỗ, không thể tưởng tượng được.

Rồi hội vespa cổ Hà Nội, cứ mỗi ngày có 1, 2 bạn đến đánh đàn, đọc sách cho tôi nghe. Thỉnh thoảng họ chiều mình bằng cách mang xe vespa cổ nổ máy trước cửa phòng và ngửi mùi khói để đỡ nhớ tiếng xe máy. Rồi các bạn ấy đến thi nhau kí lên toàn bộ phần bó bột của tôi. Sau này, nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

Từ sự buồn tẻ, hoang mang, chán nản, tôi dần coi đó như thời điểm để mình sống chậm lại, tĩnh lặng để suy nghĩ. Tôi bắt đầu ghi lại tất cả những điều bản thân thành công và thất bại trong kinh doanh. Và tôi viết một cuốn sách rồi thành lập công ty tư vấn thương hiệu sau thời gian nghiền ngẫm, tích luỹ kiến thức đó.

- Nhận mình may mắn và thành công khi kinh doanh nhưng vẫn nhiều lần phá sản. Chị có tìm được nguyên nhân cho những thất bại đó không?

- Tôi là người rất là chủ quan và quá tin tưởng vào người khác. Ví dụ đã phá sản 1 lần thì lần sau sẽ cẩn thẩn hơn nhưng tôi thì không. Tôi luôn nghĩ, bản thân sẽ không nhận được sự chân thành từ mọi người nếu không hết lòng với họ. Tôi cũng không thể nói dối và rất sợ cảm giác phải thoả hiệp với sự dối trá của người khác, dù điều đó có lợi cho mình. Vậy nên, nếu gặp chuyện lọc lừa dối gian, tôi sẽ coi đó là thử thách hay suy nghĩ xem tại sao họ lại làm như thế, tìm kiếm lý do để bào chữa cho việc đó.

Nhiều người bảo tôi hiền quá. Nhưng tôi không muốn khắc phục điều đó. Vì nghĩ rằng nếu phải nhìn cuộc đời bằng sự nghi ngờ, ta sẽ mất đi cái vui, ý nghĩ của cuộc sống. Đôi khi, những điều mình gặp phải là bài học mà Thượng Đế nghĩ rằng mình thiếu cái đó nên dạy mình. Cho nên những việc vấp ngã hay thất bại là điều nên có, hay tôi nghĩ rằng đó là Thượng Đế đã cố tình thử thách mình.

Gây quỹ hơn 50 tỷ đồng, xây gần 800 nhà chống lũ và bắt đầu những dự án xanh, Jang Kều chia sẻ: Tiền chưa bao giờ là điều khó khăn nhất - Ảnh 8.

- Sau những lần "thất bại" đó, chị rút ra được bài học gì cho bản thân?

- Quan điểm sống của tôi rất đơn gỉản, trước nay đều không thay đổi. Đó luôn luôn là câu nói: "Đặt tấm chân tình trong những cái bắt tay", tức là luôn hết mình với bất cứ điều gì mình làm. Hãy xem mình có thể mang lại điều gì cho ai đó trước và nỗ lực hết sức, không cần toan tính.  Làm như vậy, bản thân mình sẽ thấy thoải mái và an yên trước đã, còn được cho mình hay không đó là… số.

Cảm ơn những chia sẻ của chị.

Hồng Đăng/ Thiết kế: Hương Xuân

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên