MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cao, xoài Việt lạc quan trên đất Mỹ

06-03-2019 - 11:40 AM | Thị trường

Thương vụ Việt Nam tại Francisco nhận định, xoài Việt Nam tuy giá thành xuất khẩu khá cao nhưng nói chung sẽ có khả năng cạnh tranh rất tốt so với xoài các nước do có chất lượng ngon, tỷ lệ ngọt cao

Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, Mỹ vừa công bố thông tin tổng quan về thị trường xoài Mỹ tới các nhà xuất khẩu của Việt Nam, ngay sau khi trái xoài nước ta được cấp phép nhập khẩu vào thị trường này.

Thương vụ cho biết, tiêu thụ xoài theo đầu người tại Mỹ đã tăng dần theo thời gian. Theo số liệu năm 2005, Mỹ tiêu thụ ít hơn nửa kg xoài mỗi người/năm, nhưng đến năm 2016, con số này đã tăng lên gần 1,3 kg/người/năm.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Mỹ là nước nhập khẩu xoài lớn nhất thế giới. Tổng lượng nhập khẩu xoài của Mỹ (theo Aphis, Bộ Nông nghiệp Mỹ) vào khoảng hơn 400 nghìn tấn/năm. Phần lớn xoài được bán tại Mỹ được nhập khẩu từ 6 nước Mexico, Peru, Guatemala, Brazil, Haiti, Ecuado. Sáu nước này chiếm khoảng 99% tổng lượng nhập khẩu xoài vào Mỹ.

Tổng nhập khẩu trung bình trong 4 năm (2014-2017) của 6 nước trên là 391.366 tấn xoài tươi. Trong đó, trung bình nhập khẩu từ Mexico chiếm tỷ trọng 65,79%; Peru chiếm 10,43%; Ecuado chiếm 9,72%; Brazil chiếm 6,07%; Guatemala chiếm 4,00%; Haiti chiếm 2,25%.

Giá nhập khẩu xoài tại Mỹ cũng tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2018, giá nhập khẩu xoài trung bình là từ 6.26-6.38 USD/1 thùng (giá FOB). Năm 2019 giá trung bình 7,10-7,50 USD/1 thùng (giá FOB).

Theo Aphis (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và số liệu của Hội đồng xoài quốc gia Mỹ, từ năm 1997 nhập khẩu xoài tươi tăng từ 187 nghìn tấn đến năm 2015, tăng lên trên 391 nghìn tấn. Năm 2016, Mỹ nhập khẩu khoảng 437 nghìn tấn xoài tăng 11% so với năm 2015. Năm 2017, Mỹ nhập khẩu khoảng 474 nghìn tấn xoài tăng 8% so với năm 2016. Dự kiến thời gian tới, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu xoài bình quân (AAGR) khoảng 5,3%- 8%/năm.

Về quả xoài Việt Nam hiện nay, Thương vụ Việt Nam tại San Francisco cho hay, những năm qua, thị trường xuất khẩu xoài chính của Việt Nam chủ yếu vẫn là Hàn Quốc (43% tổng xuất khẩu xoài của Việt Nam), Nhật Bản (934 tấn, chiếm 34%) và Singapore (186 tấn, chiếm 7%). Việt Nam đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới nhưng số lượng xuất khẩu thì còn khiêm tốn và nằm ngoài tốp 10 nước xuất khẩu xoài.

"Xoài Việt Nam tuy giá thành xuất khẩu khá cao nhưng nói chung sẽ có khả năng cạnh tranh rất tốt so với xoài các nước do có chất lượng ngon, tỷ lệ ngọt cao", Thương vụ Việt Nam tại San Francisco nhận định.

Bên cạnh đó, thị trường Mỹ lại rất đặc biệt, bởi đây là thị trường có ảnh hưởng rất lớn từ nguồn trái cây tại Mexico, đất nước có sản lượng xoài lớn nhất khu vực châu Mỹ, với tiêu chuẩn chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để xuất khẩu thành công vào thị trường Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại San Francisco khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm thì cần chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường này, đặc biệt là tại các khu vực có cộng đồng người Á Châu và Mỹ La tinh.

Ngoài ra, Thương vụ cho biết, việc Việt Nam đạt được bước thỏa thuận mở cửa thị trường xoài Mỹ vào cuối năm 2018 đã là một thành công. Tuy nhiên, để thực sự xâm nhập được vào thị trường khó tính hàng đầu thế giới này, Việt Nam cần tiến hành hàng loạt các yêu cầu, tiêu chuẩn bắt buộc như quy hoạch vùng trồng, các nhà máy đóng gói và xử lý chiếu xạ, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đó, sản phẩm xoài Việt sẽ phải đáp ứng đầy đủ hàng rào kỹ thuật này. Hơn nữa, chi phí để thực hiện các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm xuất khẩu (GAP, GlOBAL GAP...) sẽ là khó khăn rất lớn với doanh nghiệp và sản phẩm xoài Việt.

Hơn nữa, xoài phải được chiếu xạ tại các cơ sở của Mỹ công nhận, liên quan đến việc đặt và vận chuyển hàng hóa đến một cơ sở cụ thể; hoàn thành quá trình chiếu xạ và đưa nó xuất khẩu. Một thực tế là một số cơ sở chiếu xạ của Việt Nam được phía Mỹ công nhận đều đặt tại miền Nam, việc này sẽ gây thêm chi phí cho các nhà xuất khẩu của các vùng xoài khác tại Việt Nam. Do đó, mỗi bước vận chuyển và xuất khẩu xoài tiêu tốn một khoản tiền lớn và sự chậm trễ ở bất kỳ giai đoạn nào đều đe dọa đến toàn bộ triển vọng bán hàng và chất lượng của lô hàng đó.

Một khó khăn nữa là cần có chiến lược phát triển vùng trồng, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại như một số nước để đưa trái xoài ra thế giới. Một một số nước trong khu vực như Philippines, Ấn Độ, Paskistan đã có những chiến lược phát triển xuất khẩu xoài ra thị trường thế giới, đặc biệt là sang thị trường Mỹ.


Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên