MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá lúa gạo thế giới sẽ còn tiếp tục biến động mạnh

21-05-2017 - 10:28 AM | Thị trường

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng 10% lên mức cao nhất 9 tháng, trong khi gạo của Việt Nam tăng 5% lên mức cao nhất 11 tháng. Những khách hàng lớn đồng loạt quay trở lại nhập khẩu đã khiến thị trường gạo thế giới sôi động trở lại sau mấy tháng trầm lắng.

Loại 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan từ mức giá 360-375 USD/tấn trung tuần tháng 4 lên mức 385 – 411 USD/tấn (FOB Bangkok) hiện nay, trong khi gạo cùng loại của Việt Nam từ mức 350 – 355 USD/tấn lên 365 – 370 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn).

Những khách hàng lớn đồng loạt quay trở lại nhập khẩu đã khiến thị trường gạo thế giới sôi động trở lại sau mấy tháng trầm lắng.

Khách hàng châu Phi đang chuyển hướng từ gạo Ấn Độ sang gạo Việt Nam và Thái Lan sau khi giá gạo Ấn Độ liên tiếp tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Mới đây cơ quan thu mua ngũ cốc quốc gia Bangladesh đã mở 2 phiên đấu thầu để mua tổng cộng 100.000 tấn và thông báo sẽ nhập khẩu 600.000 tấn gạo. Khách hàng Trung Quốc sau thời gian vắng bóng cũng đang quay lại tích cực mua các loại gạo thơm và gạo trắng 5% tấm và 15% tấm của Việt Nam. Ước tính trong tháng 4 Trung Quốc đã nhập khẩu 288.000 tấn gạo Việt Nam, cao hơn mức trung bình hàng tháng chỉ khoảng 176.000 tấn của quý 1/2017, đưa tổng khối lượng nhập trong 4 tháng đầu năm nay lên 815.000 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Gạo Quốc tế (IRRI) nhận định nhiều nước nhập khẩu gạo lớn thực hiện chính sách kiềm chế nhập khẩu để bảo hộ ngành trồng lúa trong nước giữa lúc dự trữ ở các nước xuất khẩu giảm và nhu cầu tăng có thể đẩy giá gạo thế giới tăng mạnh. Chuyên gia cao cấp của IRRI, ông Samerandu Mohanty, cho biết việc những nước nhập khẩu như Philippines cố gắng không nhập khẩu gạo từ nước ngoài đang làm méo mó thị trường gạo thế giới. “Xu hướng tăng khối lượng thương mại gạo thế giới nhìn chung đã bắt đầu từ đầu những năm 1990 và vẫn tiếp diễn mặc dù các nước nhập khẩu đã có những thay đổi lớn về chính sách kể từ sau cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, theo đó họ nỗ lực tự cung tự cấp lương thực và giảm sự phụ thuộc vào gạo nước ngoài”, ông Mohanty cho biết.

Ông cho biết khối lượng gạo thương mại hiện chiếm gần 9% tổng sản lượng gạo toàn cầu, so với mức dưới 7% trong giai đoạn khủng hoảng gạo năm 2008 và 3,5% của năm 1990, và ông nhận định rằng các nước nhập khẩu lớn ở châu Á như Indonesia, Philippines và Malaysia sẽ tiếp tục nhập khẩu tổng cộng khoảng 3 đến 5 triệu tấn gạo mỗi năm, tuỳ thuộc vào biến động sản lượng trong nước của họ.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), sau 2 năm giảm liên tiếp, thương mại gạo thế giới dự báo sẽ hồi phục trong năm 2017 lên 43,3 triệu tấn (quy xay), tăng 4% so với năm trước do một số khách hàng chủ chốt ở châu Á và châu Phi, như Madagascar, Nigeria, philippines và Sri Lanka sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu và lượng dự trữ giảm sút.

Chuyên gia Mohanty phân tích rằng sản lượng gạo toàn cầu mấy năm qua cao kỷ lục đã giữ cho giá ổn đinh, nhưng đồng thời, dự trữ của 5 nước xuất khẩu chủ chốt- Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ – đều lên tục sụt giảm. Nhu cầu mạnh đã làm giảm lượng dự trữ của nhóm 5 nước này từ 41 triệu tấn niên vụ 2012-13 xuống 28 triệu tấn niên vụ 2016-17. Trong khi đó, tiêu thụ gạo tăng gần 14% từ mức 418,5 triệu tấn năm 2006-07 lên 475,5 triệu tấn năm 2016-17.

Theo ông Mohanty, do nhu cầu gạo dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới, sự tham gia tích cực của Ấn Độ và Trung Quốc – nước xuất khẩu hàng đầu và nước nhập khẩu lớn - vào thương mại gạo toàn cầu “có thể làm gia tăng mức độ không chắc chắn trên thị trường gạo bởi quy sản lượng và nhu cầu khổng lồ cũng như chính sách trọng tâm cho an ninh lương thực trong nước của họ”.

Ông Mohanty nhận định các nhà hoạch định chính sách quốc gia ở nhiều nước sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân của mình và bình ổn giá trong nước và chính những yếu tố này sẽ khiến thị trường quốc tế biến động mạnh hơn.

Philippines đã phát tín hiệu có thể sẽ tích cực nhập khẩu gạo trong thời gian tới để tăng lượng dự trữ dự phòng. Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã xin Hội đồng NFA cho phép nhập khẩu 250.000 tấn gạo của Việt Nam và Thái Lan. Dự trữ thóc gạo trong kho của Chính phủ Philippines đang ở mức thấp nhất hơn 3 năm tính tới tháng 4/2017 và chỉ đủ dùng trong 10 ngày.

Trong báo cáo mới nhất công bố trung tuần tháng 5, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo thế giới năm 2017-18 sẽ thấp hơn năm trước, ở mức 481,3 triệu tấn, do giảm mạnh (giảm 10%) ở Mỹ, trong khi đó tiêu thụ sẽ tăng nhẹ. Mặc dù sản lương vẫn cao hơn tiêu thụ nhưng khoảng chênh lệch đang thu hẹp dần lại.

Theo USDA, tiêu thụ gạo tại châu Phi cận Sahara (SSA) tăng nhanh do dân số tăng và người dân chuyển dần từ sử dụng các loại củ truyền thống sang dùng gạo. Hiện gạo đã trở thành lương thực chính của nhiều quốc gia châu Phi, trong khi tiêu thụ tăng nhanh hơn nhiều so với sản lượng khiến nhập khẩu tăng theo. Nhập khẩu gạo của SSA đã tăng gấp đôi kể từ 2001, và dự báo sẽ đạt 12,9 triệu tấn trong năm 2018. Đặc biệt, Bờ Biển Ngà sẽ trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới trong năm 2018 với 1,5 triệu tấn. Mặc dù sản lượng tăng nhanh ở nước này trong những năm gần đây, song tiêu thụ vẫn vượt xa cung, và thị trường này phải phụ thuộc vào nhập khẩu gạo tấm và gạo xay của Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ mới đáp ứng đủ nhu cầu.

Thương mại gạo sẽ tiếp tục tăng, với nhập khẩu cao hơn năm trước ở châu Phi cận Sahara và Đông Nam Á. Thương mại gạo thế giới năm 2018 dự báo sẽ tăng lên 42,2 triệu tấn, nhiều hơn 2% so với năm 2017 và là mức cao kỷ lục thứ 3 trong lịch sử. Nhu cầu của Trung Quốc, EU, châu Phi và Philippines sẽ vẫn mạnh. USDA dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu 5 triệu tấn gạo trong năm 2017, tăng 8,7% so với năm 2016.

USDA dự báo Việt Nam sẽ xuất khẩu 5,6 triệu tấn gạo trong năm 2017, tăng 10% so với năm ngoái. Xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan năm nay cũng được dự báo sẽ tăng lên.

Vân Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên