MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giả mạo quyết định Thủ tướng chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

04-08-2017 - 17:26 PM | Xã hội

Không chức tước và thậm chí là không nghề nghiệp nhưng Quyết vẫn vào vai cán bộ cao cấp như thật để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Trong các ngày 1 và 2-8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Trần Ngọc Quyết (SN 1953, trú phường Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Phan Ngọc Thực (SN 1971, ở thị trấn Tam Sơn, Quản Bạ, Hà Giang) về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Theo đó, tháng 6-2012, Công ty CP Bệnh viện Đa khoa tư nhân Năm Anh (gọi tắt là Công ty Năm Anh) do ông Trần Văn Hưởng làm giám đốc được UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Nam Anh (gọi tắt là Bệnh viện Nam Anh) tại địa phương.

Khoảng 2 tháng sau, thông qua mối quan hệ xã hội, ông Hưởng quen biết Trần Ngọc Quyết và Phan Ngọc Thực. Biết công ty ông Hưởng đang triển khai dự án bệnh viện, Quyết liền “chém gió” rằng đối tượng là cán bộ thuộc Ban QLDA Chính phủ, còn Thực là thư ký của hắn ta.

“Nổ” vị thế của bản thân, Quyết úp mở với ông Hường là có thể giúp Công ty Năm Anh vay được nguồn vốn ưu đãi Chính phủ với lãi suất chỉ 0,03%/năm. Đổi lại, công ty ông Hưởng phải “cắt” lại 0,01% tổng nguồn vốn vay được. Tưởng thật, ông Hưởng đưa bộ hồ sơ doanh nghiệp và dự án nhờ Quyết giải quyết khó khăn về tài chính.

Cuối tháng 8-2012, Quyết bảo ông Hưởng ra Hà Nội và đưa cho ông này danh sách các dự án được Chính phủ phê duyệt nguồn vốn ưu đãi, trong đó có dự án Bệnh viện Nam Anh được vay 15.000 tỷ đồng trong thời hạn 30 năm.

Nhận bản danh sách nêu trên (bản photocopy), ông Hưởng được Quyết hướng dẫn mở tài khoản ở một ngân hàng để sẵn sàng tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi. Kế đến, Quyết và Thực còn vào tận Bình Dương thẩm định dự án của công ty ông Hưởng.

Ngày 20-11-213, theo yêu cầu của Quyết, ông Hưởng đã chuyển cho đối tượng này 1,5 tỷ đồng tiền chi phí qua một tài khoản ngân hàng. Sau đó, kéo dài đến 3-6-2014, thi thoảng Quyết và Thực lại yêu cầu ông Hưởng chuyển tiền cho bọn chúng với tổng số lên đến hơn 4 tỷ đồng.

Chưa dừng lại, tháng 7-2014, Quyết gọi điện thông báo cho giám đốc doanh nghiệp ở miền Đông rằng nếu muốn được giải ngân 15.000 tỷ đồng vào tháng 8 thì phải chuyển thêm cho đối tượng 2,7 tỷ đồng. Đang lúc “khát” vốn nên ông Hưởng tiếp tục đi vay lãi ngày để chuyển cho kẻ bịp bợm.

Cuối tháng 10-2014, bộ đôi lừa đảo còn tìm đến tận nhà ông Hưởng với tờ quyết định cho vốn giả của Thủ tướng Chính phủ trong tay, đồng thời ra giá chi thêm 5 tỷ đồng thì sẽ được nhận ngay. Tuy nhiên, do đã phát hiện ra mánh khóe của các đối tượng nên ông Hưởng không còn mắc bẫy, đồng thời tố cáo ra cơ quan công an.

Tương tự, năm 2011, Công ty TNHH Châu Thiện Mỹ (Công ty Châu Thiện Mỹ) do ông Đoàn Xuân Tiếp làm giám đốc được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp phép xây dựng Trường Đại học Kinh Bắc với tổng kinh phí hơn 1.460 tỷ đồng.

“Đánh hơi” thấy vợ chồng anh Tiếp là chủ đầu tư dự án này, Thực liền nhờ người kết nối làm quen. Gặp vợ anh Tiếp, Thực xuất trình giấy tờ thể hiện đối tượng là cán bộ thuộc Ban QLDA Chính phủ, đồng thời cho xem bản danh sách các dự án được vay vốn ưu đãi, trong đó có Trường Đại học Kinh Bắc.

Tiếp đến, Thực bảo vợ anh Tiếp muốn được nhanh chóng giải ngân thì đưa cho hắn 4 tỷ đồng. Tin tưởng kẻ bịp bợm, vợ chồng anh Tiếp sau đó giao đủ số tiền trên qua tài khoản của người dẫn mối cho Thực. Một thời gian sau, Thực tiếp tục kiếm lý do và vợ chồng anh Tiếp một lần nữa giao thêm 4 tỷ đồng để sớm nhận được nguồn vốn ưu đãi Chính phủ.

Quá thời điểm giao hẹn, tháng 5-2014, vợ chồng anh Tiếp yêu cầu Thực cho gặp cấp trên để hỏi cho ra nhẽ thì đối tượng sắp xếp cho gặp Quyết trong vai Trưởng Ban QLDA của Chính phủ với đầy đủ giấy tờ như thật. Và rồi khi vợ chồng anh Tiếp đang “dài cổ” trông ngóng nguồn vốn ưu đãi thì Thực, Quyết bị bắt giữ do lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cũng với thủ đoạn như trên, tính đến năm 2014, Quyết và Thực còn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 doanh nghiệp khác với tổng tiền lên đến 25,7 tỷ đồng. Tài liệu truy tố xác định, để các bị hại tin tưởng, bộ đôi lừa đảo đã dùng nhiều giấy tờ, chữ ký và con dấu giả của Thủ tướng Chính, Văn phòng Chính phủ.

Sau 2 ngày xét xử, Tòa án Hà Nội khẳng định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo không chỉ xâm phạm đến chế độ sở hữu tài sản, làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức mà còn làm ảnh hưởng xấu tới cơ quan Nhà nước, do đó cần phải áp dụng những hình phạt đích đáng.

Từ những nhận định đưa ra, TAND TP Hà Nội đã lần lượt quyết định tuyên phạt Trần Ngọc Quyết, Phan Ngọc Thực cùng mức án 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và cùng án 4 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Tổng hợp cả 2 tội danh, cả 2 bị cáo cùng phải chấp hành chung mức án 24 năm tù.

Theo Nguyên Khoa

TAND TP. Hà Nội

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên