MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá mủ cao su đạt gần 50 triệu đồng/tấn, hết cảnh công nhân 'bỏ chạy ồ ạt'

30-03-2017 - 10:02 AM | Thị trường

Tháng 3, giá bán mủ cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đạt xấp xỉ 50 triệu đồng/tấn, cao hơn 20 triệu đồng so cùng kỳ năm 2016. Điều này đã kéo chân công nhân ở lại, không còn tình trạng ồ ạt “bỏ chạy” như 2 năm trước. Từ cán bộ quản lý đến công nhân lao động ai cũng vui mừng...

Giảm bớt áp lực

Tại Cty CP Cao su Hòa Bình, một đơn vị có tổng diện tích cao su bé nhất Tập đoàn với 5.100ha, nhưng trong 2 năm 2015, 2016, do giá mủ xuống thấp có thời điểm chỉ còn 26 - 27 triệu đồng/tấn, nên Cty đành phải chấp nhận cho hơn 300 công nhân cao su (cả chăm sóc và khai thác) xin thôi việc, từ đây buộc doanh nghiệp phải chi trả hàng tỷ đồng để giải quyết chính sách thôi việc (riêng BHXH thì bên ngành bảo hiểm trả).


Giá mủ tăng, công nhân khai thác mủ cao su phấn khởi gắn bó với ngành hơn

Giá mủ tăng, công nhân khai thác mủ cao su phấn khởi gắn bó với ngành hơn

Đối với các đơn vị có diện tích cao su khai thác lớn từ 5.000ha trở lên thì ít gánh nặng chi phí hơn, còn đối với Cty này gánh nặng khá lớn do vườn cây kiến thiết cơ bản phải đầu tư chăm sóc quá lớn chiếm đến 70% tổng diện tích, trong khi vườn cây khai thác chỉ có 1.500ha.

Ông Bành Mạnh Đức, Trưởng phòng tổ chức hành chính cho biết, năm 2015 đơn vị phải giải quyết cho 202 công nhân xin nghỉ việc, chi trợ cấp số tiền 4,5 tỷ đồng; năm 2016 là 3,3 tỷ đồng do công nhân thôi việc, giảm còn 120 lao động.

“Từ quí 4/2016 đến nay, giá cao su tăng dần nên tiền lương anh em công nhân cũng tăng theo, tâm lý họ bắt đầu ổn định và gắn bó với ngành hơn, tình trạng xin thôi việc từ đó cũng giảm hẳn. Cụ thể, vào tháng 3 này, khi toàn ngành ngưng cạo mủ do vườn cây rụng lá sinh lý, như mọi năm là đã có hàng trăm công nhân cao su khai thác đồng loạt viết đơn xin thôi việc, nhưng năm nay hiện tượng này xảy ra rất ít, chỉ có lèo tèo mấy người không đáng kể. Từ đó, Cty cũng giảm bớt áp lực chi phí phải trả tiền trợ cấp thôi việc”, ông Đức chia sẻ.

Còn theo ông Lê Văn Đán, Đội trưởng Đội 1, bình quân 1 công nhân khai thác chịu trách nhiệm khoảng 4ha, trong khi đối với vườn cây chăm sóc do hầu hết là cơ giới hóa nên 1 công nhân chăm sóc có thể đảm đương đến vài chục ha. “Năm nay do diện tích vườn cây chăm sóc nhiều, nên có nghịch lý là Đội 1 chúng tôi hiện vẫn còn thừa lao động. Vì thế, Cty đang tạm hoãn hợp đồng một số lao động mà chờ đến năm 2017 khi mở thêm diện tích khai thác sẽ hợp đồng trở lại”, ông Đán nói.

Hy vọng tràn trề

Tại Cty CP Cao su Phước Hòa, chị Trần Thị Tý, công nhân khai thác ở Nông trường Hội Nghĩa, phấn khởi cho biết, mức thu nhập của chị vào khoảng 9 - 10 triệu đồng/tháng, còn anh em ở vườn cao su chăm sóc có mức thấp hơn, khoảng 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu so với thời gian cách đây một năm, thu nhập của công nhân khai thác và chăm sóc đều tăng từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện Cty đang vào thời điểm nghỉ cạo, chị Tý còn tận dụng thời gian rảnh để đi cạo mủ thuê cho các nhà vườn cao su tiểu điền chung quanh. Nhờ vậy, cũng kiếm thêm được từ 100 - 150 ngàn đồng/ngày.


Công nhân cao su tràn trề hy vọng giá mủ sẽ ổn định trong năm 2017

Công nhân cao su tràn trề hy vọng giá mủ sẽ ổn định trong năm 2017

“Trước đây khó khăn là vậy nhưng tụi này nhất quyết không bỏ việc, bám nông trường, công ty. Nay tiền lương có khá hơn tuy không bằng những năm 2010 - 2012, nhưng cố gắng tiết kiệm chi tiêu vẫn đảm bảo cuộc sống gia đình. Cả ba thế hệ gia đình tui gắn bó với cây cao su thì làm sao mà nói bỏ được”, chị Tý nói.

Chúng tôi đến Cty CP Cao su Đồng Phú vào những ngày cuối tháng 3 và tiếp tục ghi nhận không khí lạc quan, hồ hởi tại đây. Trò chuyện với anh Nguyễn Văn Lịch, công nhân khai thác Nông trường Tân Hưng, anh nói: “Năm 2016, giá mủ cao su xuống thấp nhưng thu nhập công nhân cũng đạt bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng. 3 tháng đầu năm nay, giá mủ sáng sủa hẳn lên, chắc chắn thu nhập năm 2017 của người lao động sẽ vượt hơn 7 triệu đồng/người. Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi, cố gắng hoàn thành tốt công việc và tin tưởng vào lãnh đạo đơn vị giao phó”.

Một đại diện Cty này cho hay, năm 2016, giá thành bình quân 1 tấn mủ của đơn vị là 29 triệu đồng, trong khi giá bán ra 32,4 triệu đồng, vẫn còn lãi 3 triệu đồng/tấn. Tại thời điểm này, giá mủ cán mức gần 50 triệu nên đơn vị không chỉ phấn khởi mà người lao động cũng hết ý tưởng bỏ việc. Theo vị này, năm 2016 Cty phải giải quyết chế độ thôi việc cho 442 công nhân cao su với số tiền trợ cấp gần 2 tỷ đồng, còn quí 1 năm nay, số công nhân viết đơn xin thôi việc rất ít, trái lại dự báo số công nhân sẽ tăng trở lại vào cuối năm nay khi giá mủ ổn định.

Tại Nông trường Bến Củi, trực thuộc Cty CP Cao su Tây Ninh, đây là một trong những Nông trường đã và đang chịu sự cạnh tranh lao động gay gắt nhất do trên địa bàn xuất hiện nhiều khu công nghiệp. Năm 2016, nông trường phải chuyển một số diện tích sang cạo chế độ D5 do không có lao động vì công nhân khai thác ùn ùn thôi việc bởi ảnh hưởng từ tiền lương thấp. Tuy nhiên, hiện nay theo ghi nhận chúng tôi, công nhân trở lại làm việc bình thường, nông trường đã không còn hiện tượng công nhân xin nghỉ việc.

“Chúng tôi từ cán bộ quản lý đến công nhân lao động ai cũng vui mừng hết. 3 năm trước, giá mủ xuống thấp có lúc gần chạm đáy, đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tinh thần làm việc của người công nhân, buộc họ phải thôi việc. Thế nên, có thể tin rằng năm 2017, giá mủ sẽ ổn định và thu nhập người lao động sẽ được cải thiện hơn”, ông Lê Phi Hùng - TGĐ Cty CP Cao su Phước Hòa.

Theo Đỗ Quyên

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên