MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá muối tăng, giới đầu cơ hưởng lợi

12-10-2017 - 14:12 PM | Thị trường

Sau thời gian ở mức thấp, giá muối đang tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thế nhưng, dù giá muối cao nhưng đời sống diêm dân vẫn hết sức khó khăn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, chưa năm nào giá muối tại đây ở mức cao và ổn định trong thời gian dài như năm nay. Hiện giá muối thương phẩm tại Bạc Liêu dao động 500-1.300 đồng/kg, tăng gấp đôi so với đầu năm.

Phụ thuộc thương lái

Bất chấp việc giá muối tăng cao, hàng ngàn hộ diêm dân đã không còn muối bán. Con số 43.000 tấn muối còn tồn đọng trong dân theo tính toán của các ngành chức năng thực tế chỉ tập trung trong kho của những đầu nậu chuyên mua trữ muối kiếm lời.

Ông Nguyễn Văn Khởi - diêm dân ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu - chỉ tay về những cánh đồng muối đã thu hoạch xong, bộc bạch: "Khi bắt đầu thu hoạch, toàn bộ muối ở đây đã được tư thương thu gom hết rồi. Biết bán giá thấp hơn giá thị trường nhưng chúng tôi vẫn phải bán vì cần tiền xoay xở và không có khả năng dự trữ".

Theo ông Khởi, giá muối mà thương lái vào tận ruộng của diêm dân mua chỉ khoảng 400 đồng/kg đối với muối đen và 800 đồng/kg muối trắng. Trong khi đó, giá muối hiện được các doanh nghiệp thu mua tại nhà máy từ 500 đồng/kg đối với muối đen và cao nhất 1.300 đồng/kg đối với muối trắng. Chênh lệch khá lớn nhưng diêm dân không biết làm gì hơn là chấp nhận.

Vụ muối vừa qua, ông Hứa Văn Niên, diêm dân ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu bán hơn 100 tấn muối cho thương lái với giá thấp hơn giá thị trường 200 đồng/kg. Tính ra, ông Niên thiệt khoảng 20 triệu đồng, đồng nghĩa số chênh lệnh này về tay thương lái. "Đã bao đời nay, diêm dân không chỉ khổ với thời tiết mưa nắng thất thường mà còn phải giải quyết khó khăn đầu ra cho hạt muối. Ngoài "ông trời", diêm dân còn phụ thuộc vào thương lái.

Vất vả hàng tháng trời làm ra hạt muối, bà con chỉ mong bán được giá, vậy mà năm nào cũng bị thương lái ép giá, ngay cả khi giá muối tăng cao. Chỉ những diêm dân có diện tích làm muối lớn, vốn nhiều mới có điều kiện trữ muối lại để chờ giá cao bán. Còn những người sản xuất nhỏ, phải vay mượn tiền đầu tư thì dù giá muối thấp cũng phải bán để trang trải chi phí. Dựa vào khó khăn này mà các thương lái thay nhau chèn ép giá" - ông Niên than thở.

Người sản xuất thiệt hàng chục tỉ đồng

Thông thường, muối thu mua tại ruộng bao giờ cũng rẻ hơn từ 200-300 đồng/kg so với bán trực tiếp cho các công ty do không có điều kiện vận chuyển. Biết bị ép giá nhưng diêm dân vẫn phải bán. Từ nguyên nhân này mà nhiều hộ phải bỏ nghề vì sống không nổi. Những hộ có tiền thì chuyển sang nuôi tôm, cá kèo hay artemia. Còn những hộ nghèo có vài ba công muối thì bán đất đi nơi khác mưu sinh.

Một thương lái tên Hoàng chuyên thu mua muối từ các chủ vựa bán lại cho nhà máy cho biết giá muối tuy tăng mạnh so với đầu vụ nhưng khó thu mua bởi phần lớn các chủ vựa dự trữ muối chưa muốn bán vì dự đoán từ đây đến cuối năm giá còn tăng thêm. "Hiện giá muối mua tận vựa từ 500-950 đồng/kg đối với muối đen và từ 800-1.300 đồng/kg muối trắng. Hầu hết phải mua từ các chủ vựa vì trong dân đã bị thu gom hết. Thường khi diêm dân chuẩn bị thu hoạch, giới đầu cơ đã bao tiêu trước với giá thấp hơn giá thị trường từ 200-300 đồng/kg. Với 43.000 tấn muối đang "găm" hàng, giới đầu cơ có thể hưởng lợi từ diêm dân lên đến hàng chục tỉ đồng" - thương lái Hoàng phân tích.

Ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải - địa phương có diện tích sản xuất muối lớn nhất tỉnh Bạc Liêu, giải thích nguyên nhân giá muối tăng là do tỉnh quy hoạch lại diện tích sản xuất muối theo hướng giảm dần, ưu tiên nâng chất lượng, sản lượng, giá thành, giảm dần diện tích sản xuất ở những nơi không đủ điều kiện, sản xuất theo kiểu truyền thống… "Hiện giá muối tăng cao nhưng sản lượng muối còn trữ ở địa phương đã nằm ở kho của các chủ vựa, doanh nghiệp. Bởi phần lớn người sản xuất muối đều khó khăn, thiếu kho bãi và vốn dự trữ. Vì vậy, sau thu hoạch, hộ sản xuất thường bán luôn để lấy tiền xoay xở cuộc sống. Gần đây, giá muối tăng chỉ chủ vựa, doanh nghiệp hưởng lợi" - ông Hận nói.

Ninh Thuận: Diêm dân không có muối để bán

Tại Ninh Thuận - địa phương có diện tích đồng muối lớn của miền Trung, với gần 3.600 ha - giá muối đang tăng nhưng bà con diêm dân không có để bán.

Giá muối sản xuất trên nền bạt hiện ở mức 1.400 đồng/kg, muối trên nền đất 1.100 đồng/kg, tăng hơn 500 đồng/kg so với giá đầu vụ 2017.

Theo diêm dân, vài tháng qua, Ninh Thuận thường xuất hiện những cơn mưa trái mùa nên sản lượng muối đạt thấp, nguồn cung giảm đã đẩy giá muối tăng mạnh. Trong khi đó, giới tư thương nắm bắt tình hình, nhanh tay thu gom muối để tích trữ, kiếm lời đậm so với những tháng đầu năm 2017.

Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Thuận, nếu thời tiết thuận lợi, năng suất muối có thể đạt đến 50 tấn/ha/tháng.

Trong đó, ở TP HCM, ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong vụ muối năm 2017, tại huyện Cần Giờ thường xuất hiện nhiều cơn mưa trái vụ làm giảm sản lượng thu hoạch nên không phải "giải cứu" như 2 năm trước. Cụ thể, sản lượng muối năm 2017 chỉ 61.117 tấn, giảm mạnh so với năm 2016 (140.475 tấn) và năm 2015 (134.190 tấn). Giá muối thu mua tại ruộng vào đầu tháng 10-2017 là 1.350 đồng/kg muối trải bạt, tăng 850 đồng/kg; 1.200 đồng/kg muối đất tăng 750 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2016. Hiện muối còn trong dân khoảng hơn 28.000 tấn, chủ yếu do người dân chủ động giữ lại do giá đang ở mức cao.

L.Trường - Ng.Ánh

Theo Duy Nhân

Người lao động

Trở lên trên