MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá trúng cao hơn 41% giá khởi điểm, Vinapaco thu về 81 tỷ từ bán Giấy Việt Trì

4 nhà đầu tư đã trúng hơn 2,13 triệu cp, ứng 29% vốn Giấy Việt Trì.

Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) phiên đấu giá cổ phần Công ty cổ phần Giấy Việt Trì (UPCoM: GVT) thuộc sở hữu Tổng công ty Giấy Việt Nam - Công ty TNHH (Vinapaco) đã diễn ra thành công.

Cụ thể, toàn bộ 2,13 triệu cp, tương đương 29% vốn Giấy Việt Trì đưa ra đấu giá đã được 4 nhà đầu tư cá nhân gom hết với mức giá trúng bình quân 38.253 đồng/cp, cao hơn 41% so với giá khởi điểm (27.100 đồng/cp). Giá đặt mua cao nhất đạt 41.000 đồng/cp và giá đặt mua thấp nhất 27.800 đồng/cp.

Như vậy, Vinapaco đã thu về hơn 81,48 tỷ đồng từ phiên bán đấu giá cổ phiếu Giấy Việt Trì. Thời gian nộp tiền mua cổ phần từ ngày 1/12 đến 16h00 ngày 7/12. Thời gian hoàn trả tiền đặt cọc từ ngày 4/12 đến ngày 7/12.

CTCP Giấy Việt Trì hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bột giấy, giấy và bìa; kinh doanh các sản phẩm bột giấy. Công ty duy trì mức vốn góp chủ sở hữu 73,45 tỷ đồng nhiều năm nay nhưng doanh thu đạt khoảng 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng trên chục tỷ đồng mỗi năm. Kết quả kinh doanh công ty khá ổn định trong giai đoạn 2014-2016 và tăng trưởng khoảng 30% trong năm 2017. Nửa đầu năm 2018, công ty tiếp tục có bước tiến đáng kể khi doanh thu thuần đạt 584 tỷ đồng, tăng 11% và lãi ròng 11 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Năm nay, Giấy Việt Trì đề ra mục tiêu doanh thu 1.006 tỷ đồng, giảm 13% và lãi ròng 13,6 tỷ, giảm 16,5%. Như vậy, công ty thực hiện được 58% chỉ tiêu doanh thu và 81% chỉ tiêu lãi ròng.

Tính đến cuối quý II, nợ của công ty gấp 4,3 lần vốn chủ sở hữu, trong đó riêng nợ vay là 211,3 tỷ gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu. Do vậy, chi phí lãi vay vẫn là gánh nặng lớn của Giấy Việt Trì khi ghi nhận trên 25 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 25-30% lợi nhuận gộp.

Ngoài ra, theo bản công bố thông tin, công ty đang vấp phải vấn đề về nguyên vật liệu đầu vào. Chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí công ty (khoảng 80%) là giấy lề phế liệu và bột giấy. Hiện nay, việc Chính phủ Việt Nam đang siết chặt chính sách nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam ảnh hưởng trọng yếu đến kế hoạch sản xuất kinh doanh công ty, giấy phép nhập khẩu giấy của Việt Trì hết hạn từ đầu tháng 7 và chưa được cấp phép mới. Điều này đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải đóng máy vì không có đủ nguyên liệu cho sản xuất trong thời gian tới nếu không được cấp phép lại.

Giấy Việt Trì đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM vào đầu năm 2017 với giá ngày giao dịch đầu tiên 11.000 đồng/cp. Tuy nhiên, cổ phiếu Việt Trì hầu như không có thanh khoản và đi ngang ở mức giá 10.000 đồng/cp. Phiên ngày 29/11 cổ phiếu bất ngờ tăng trần lên 11.500 đồng/cp và lại tiếp tục không có giao dịch các phiên tiếp theo.

Theo Thùy Yên

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên