MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vốn tiền đồng tăng giúp "kìm chân" tỷ giá

20-08-2018 - 08:44 AM | Tài chính - ngân hàng

Mặt bằng tỷ giá bán tại các ngân hàng được giữ không vượt mức 23.350 đồng suốt tuần qua bất chấp sự lên giá của đồng USD. Đi cùng với sự ổn định của tỷ giá, mặt bằng giá vốn tiền đồng trên thị trường tiền tệ tăng đáng kể tuần qua.

Tỷ giá ngân hàng ổn định dù USD tự do lên giá

Chiều 17/8, các ngân hàng thương mại đồng loạt hạ 15-20 đồng đưa tỷ giá về phổ biến ở mức 23.250 đồng chiều mua vào và 23.330 đồng chiều bán ra. Vietcombank hiện là nơi niêm yết cao nhất hệ thống (23.255 - 23.335 đồng/USD). Mặt bằng tỷ giá mới (23.270 - 23.350 đồng) cũng được duy trì trong nhiều ngày trước đó.

Giá vốn tiền đồng tăng giúp kìm chân tỷ giá - Ảnh 1.

Tỷ giá tại các ngân hàng giữ vững mốc 23.350 đồng bất chấp áp lực từ USD lên giá

Tỷ giá tại các ngân hàng trong nước ổn định trong bối cảnh thị trường ngoại hối quốc tế đã biến động bất thường hơn một tuần sau sự leo thang của chiến tranh thương mại, mà cụ thể là sự xấu đi trong mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tác động tiêu cực từ bên ngoài cùng loạt vấn đề nội tại của nền kinh tế từ lạm phát, khủng hoảng nợ..., đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chuỗi ngày mất giá mạnh từ 8/8. Tỷ giá USD/TRY tăng 35,6% chỉ trong 4 ngày. Theo sau đó, đồng EUR cũng nhanh chóng lập đáy mới của năm, có thời điểm 1 EUR chỉ còn đổi được 1,1301 USD. Đồng tiền chung của Eurozone mất giá nhanh cũng là nguyên nhân chính đẩy chỉ số DXY đo sức mạnh USD với rổ 6 tiền tệ gồm EUR đã vọt lên chạm mốc 97 điểm.

Thị trường ngoại hối chỉ đảo chiều từ 14-15/8 khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng, từ kêu gọi người dân tẩy chay sử dụng hàng Mỹ, bán USD lấy Lira hay khẳng định áp thuế đáp trả bằng sắc lệnh công bố ngày 15/8. Dù đã hạ nhiệt, đồng lira vẫn mất giá 15% sau "con sóng" tuần vừa rồi và tới 87% từ đầu năm.

Giá vốn tiền đồng tăng giúp kìm chân tỷ giá - Ảnh 2.

Diễn biến tỷ giá USD/TRY từ đầu năm đến nay

Phản ứng với diễn biến chung của thị trường ngoại hối, giá USD trên thị trường tự do lập đỉnh mới 22.700 đồng trong tuần vừa rồi. Tỷ giá trung tâm đã có thời điểm thiết lập kỷ lục (22.691 đồng/USD), qua đó nới mức trần lên 23.367 đồng.

Tiền đồng hấp dẫn nhờ lãi suất liên ngân hàng tăng

Bất chấp việc USD lên giá, sự ổn định của tỷ giá của các ngân hàng có được một phần nhờ sự điều tiết trên thị trường tiền tệ trong nước. Mặt bằng giá vốn tiền đồng (VND) trên thị trường tiền tệ tăng đáng kể tuần qua.

Cụ thể, lãi suất qua đêm liên ngân hàng bằng VND đã tăng vọt 0,65 điểm phần trăm ngày 8/8 và tiếp tục tăng 0,71 điểm hôm sau. Từ 7/8, lãi suất qua đêm đã tăng từ 3,37% lên 4,62%. Một số kỳ hạn ngắn khác cũng tăng gần 1 điểm phần trăm sau 10 ngày.

Giá vốn tiền đồng tăng giúp kìm chân tỷ giá - Ảnh 3.

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong trung tuần tháng 8 - Nguồn: SBV Đvị %

Trước đó, hồi cuối tháng 7, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã có khoảng thời gian tăng nóng sau khi lãi suất đồng USD tăng. Lãi suất qua đêm đỉnh điểm tăng lên 4,73% vào ngày 25/7. Ở giai đoạn này, NHNN đã bán USD mua lại VND với giá trị ước tính khoảng 2 tỷ USD. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng nhanh, qua đó giúp hạ chênh lệch lãi suất VND-USD. Khi đồng nội tệ "hấp dẫn" hơn, nhu cầu găm giữ ngoại tệ giảm qua đó nhanh chóng hạ nhiệt tỷ giá.

Giá vốn tiền đồng tăng giúp kìm chân tỷ giá - Ảnh 4.

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh giúp giảm nhu cầu nắm giữ ngoại tệ - Nguồn: SBV

Chưa rõ lượng bơm hút cụ thể trên thị trường mở hay lượng ngoại tệ bán ra trong tuần vừa qua. Tuy nhiên, chia sẻ với VnEconomy mới đây, một lãnh đạo phụ trách của Ngân hàng Nhà nước vẫn cho biết chưa phải bán đôla ra thị trường, đồng thời vẫn khẳng định sẵn sàng bán hỗ trợ và thị trường không thiếu cung.

Còn từ phía cầu, ngoài việc sức hút tiền đồng tăng lên, một đơn vị nhập khẩu lớn của Việt Nam là Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) cũng giảm cầu USD. Trong một báo cáo gần đây, SSI Retail Research cho biết khả năng Petrolimex sẽ ngừng nhập khẩu xăng dầu từ tháng 8 và thay vào đó mua sản phẩm từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Theo SSI Retail Research, kiểm soát cung cầu VND thông qua thị trường mở và điều chỉnh lãi suất VND là hai trong bốn công cụ chính mà NHNN có để thực hiện chính sách điều hành tỷ giá. Các công cụ điều hành này đã được sử dụng linh hoạt để giữ tỷ giá USD ổn định trong"con sóng" chung của thị trường ngoại hối.

Tuy nhiên, biến động bất thường từ các yếu tố bên ngoài như quy mô chiến tranh thương mại đang ngày càng lan rộng hay xu hướng tăng lãi suất của Fed sẽ vẫn là bài toán thách thức của NHNN trong điều hành tỷ giá. Giới chuyên môn hiện dự đoán khả năng Fed quyết định nâng lãi suất trong kỳ họp 26/9 tới khoảng 93,6%.



Theo Ngọc Linh

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên