MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xăng tăng mạnh, giá vé xe Tết tăng theo?

22-12-2016 - 14:38 PM | Thị trường

“Giá xăng, dầu tăng chắc chắn tạo áp lực buộc các hãng vận tải tăng giá, đó là quy luật tự nhiên”, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết.

Ngày 20/12 vừa qua, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng với mức tăng cao nhất trong năm, điều này được lý giải do giá xăng, dầu thế giới trong kỳ điều hành cũng đã tăng mạnh.

Theo đó, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá 17.594 đồng/lít đối với RON 92; 17.322 đồng/lít đối với E5; 13.433 đồng/lít đối với dầu diesel; 11.943 đồng/lít đối với dầu hoả và 10.634 đồng/lít đối với mazut.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, giá xăng dầu tăng, chắc chắn tạo áp lực buộc các hãng vận tải tăng giá. “Thực tế, các doanh nghiệp vận tải không hề muốn xăng tăng giá, trường tăng nhỏ giọt, họ cố chịu đựng, tăng nhiều họ phải tự điều chỉnh vé, khiến cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn”, ông Thanh nói.

Vị Chủ tịch Hiệp hội cũng cho biết, đối với vé xe liên tỉnh, chỉ những tuyến đường nào có ít nhà xe, xe ít mà nhu cầu nhiều, giá vé mới tăng. Tuy nhiên, việc tăng giá vé này do nhà xe tự làm, các cơ quan chức năng không cổ xúy. Thông thường cuối năm, có nhiều cuộc rà soát giá vé, thanh tra các hãng xe.

Cũng theo ông Thanh, từ nay đến tết giá vé xe sẽ được điều chỉnh tăng nhưng điều chỉnh mức nào thì không ai biết được bởi nó theo đặc thù mỗi tuyến. “Các hãng vận tải hiện nay đều được quyền tự kê khai giá với Sở Tài chính và thực hiện tăng giá vé. Tuy nhiên, mức tăng trong giới hạn cho phép, nếu vượt quá họ sẽ bị tuýt còi và bị phạt rất nặng. Hơn nữa, tăng giá vé sẽ khiến cuộc cạnh tranh về giá khốc liệt hơn, điều này các doanh nghiệp làm ăn có thương hiệu họ không có chủ trương”, ông Thanh nói.

Về thực trạng vé xe liên tỉnh từ Hà Nội về các tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… có tình trạng giá vé tết tăng mạnh, gấp từ 2-3 lần so với giá vé niêm yết, ông Thanh lý giải rằng, việc tăng vé xảy ra nhiều và các chủ xe cho biết, đây là số tiền phụ thu vì hầu hết các xe cuối năm chỉ chạy một chiều, một chiều xe rỗng.

Bình luận về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho biết, tăng giá xăng có thể gây sốc cho người dân và đây là mức tăng giá đột biến toàn thị trường thời điểm cuối năm. Với giá xăng tăng cao, theo ông Liên thời gian tới giá dịch vụ vận tải taxi sẽ tăng.

Cũng theo ông Liên, theo quy định, sau khi giá xăng tăng 5%, sau 15 ngày doanh nghiệp được kiến nghị điều chỉnh giá. Hiện đại đa số các hãng taxi đã khoán, bán đầu xe cho người lái taxi, chỉ thu tiền hàng tháng, không tăng giá cũng không được mà tăng giá cũng khiến hãng bị ảnh hưởng.

"Đối với taxi, sẽ làm báo cáo giá lên Sở Tài chính, Giao thông và đơn vị chức năng, sau đó mở đồng hồ và điều chỉnh giá. Mỗi lần như vậy, sẽ khá tốn kém, do đó hầu hết các hãng taxi không muốn giá xăng tăng cao, giảm nhanh vì có thể làm xáo trộn kế hoạch dịch vụ của mình", ông Liên cho biết thêm.

Tuy nhiên, có một thực tế thời gian vừa qua, nhiều thời điểm giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm nhưng giá cước taxi và giá cước vận tải "cố thủ" không giảm theo. Trước tình trạng này Bộ Tài chính từng nhiều lần phải thúc giục việc giảm giá cước vận tải.

Theo Nguyễn Thảo

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên