MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Giai đoạn điều chỉnh của TTCK Việt Nam sẽ sớm kết thúc vào đầu năm 2019'

Năm 2019 sẽ là năm hồi phục của TTCK. Cho dù VN-Index điều chỉnh và tích lũy tại khu vực 880 - 900 điểm thêm thời gian nhưng VN-Index vẫn đang trong xu hướng uptrend lớn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) kết thúc năm 2018 với mức tăng trưởng âm của tất cả các chỉ số chính. Liệu rằng những khó khăn của thị trường có còn tiếp tục tái diễn trong năm 2019, ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) đã có những chia sẻ với NDH về xu hướng thị trường 2019.

Năm 2018 đã diễn ra trái ngược hẳn với kỳ vọng của nhà đầu tư ban đầu, theo ông là vì sao? Việc điều chỉnh này có còn tiếp diễn trong năm 2019?

Bất chấp các tín hiệu tích cực từ triển vọng kinh tế Vĩ mô 2018 thì TTCK đã có 9 tháng điều chỉnh “kỹ thuật” (tháng 4 – Tháng 12/2018) và tất nhiên những lý do thuyết phục nhất giải thích cho giai đoạn điều chỉnh này đến từ diễn biến điều chỉnh lãi suất tăng của FED sau nhiều năm duy trì tỷ lệ lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng kinh tế, chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang đã và đang đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam và dòng tiền đầu tư của nước ngoài giá trị mua bán ròng cũng nhưng địa điểm thu hút đầu tư đã thay đổi về lượng cũng như về chất.

Như vậy, TTCK sau 3 tháng đầu năm uptrend thì 9 tháng sau đó điều chỉnh và sóng điều chỉnh vẫn chưa kết thúc. Nhóm cổ phiếu vốn hóa, các cổ phiếu đầu ngành các lĩnh vực như ngân hàng, xây dựng, công nghệ, thực phẩm, tiêu dùng, bất động sản là những cổ phiếu đóng vai trò dẫn sóng, kéo chỉ số tăng nhanh liên tiếp vượt qua các điểm cao 1000 – 1100 và 1200 điểm nhưng đã tăng giá quá nhanh – Việc định giá lại của thị trường đối với cổ phiếu lớn là điều dễ hiểu – động thái cơ cấu, đảo và chốt danh mục các cổ phiếu sinh lời tốt của các nhà đầu tư và tổ chức đã diễn ra đi cùng với những mối lo về lạm phát, tỷ giá. TTCK có một năm chịu ảnh hưởng nhiều bởi tác động tiêu cực từ diễn biến vĩ mô thế giới, làn sóng điều chỉnh mạnh của các chỉ số chứng khoán lớn thế giới, giá dầu, giá nguyên vật liệu cũng biến động mạnh.

Chu kỳ 3 năm, 5 năm rồi 10 năm của một nền kinh tế hay được nhắc nhiều trong giới chuyên gia nghiên cứu thì TTCK VN đang trong chu kỳ tăng trưởng 5 năm (2016 – 2020) có nghĩa 2 năm tăng, một năm điều chỉnh giảm và 2 năm tăng.

Giai đoạn điều chỉnh của TTCK Việt Nam sẽ sớm kết thúc vào đầu năm 2019 - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Khánh

Từ đầu năm 2016, khi VN-Index tăng từ mốc 515 điểm cho đến đầu tháng 4/2018 khi chạm mốc kỷ lục 1200 điểm thì TTCK có 28 tháng Uptrend liên tiếp. Năm 2016 cũng là năm khẳng định xu thế tăng điểm rõ nét khi vượt qua vùng đỉnh 635 điểm đạt được của năm 2009. Như vậy sau hơn 2 năm tăng điểm mạnh, năm 2018 đánh dấu là một năm điều chỉnh của TTCK khi chốt phiên cuối năm tại mốc 892,54 điểm.

Nếu theo chu kỳ ở trên, sau năm 2018 điều chỉnh giảm thì năm 2019 và 2020 nhiều khả năng là năm tăng điểm của TTCK.

Theo ông những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến thị trường năm 2019?

Nếu phải chỉ ra những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức thì bên cạnh những yếu tố cơ bản, nguyên tắc đầu tư truyền thống đối với những cổ phiếu thường riêng lẻ thì những bất ổn chính trị, xung đột khu vực, can thiệp quân sự, chiến tranh vùng miền là ảnh hưởng lớn nhất sau đó đến những câu chuyện như chiến tranh thương mại Mỹ Trung chẳng hạn, câu chuyện nợ công, rồi biến động về tỷ giá, lạm phát cũng là những yếu tố làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của thị trường, động thái của giới đầu tư.

Kết thúc năm 2018, tăng trưởng GDP chung của cả nước đạt 7,08% tăng cao nhất kể từ năm 2008 đã khẳng định rõ nét kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng và đi vào ổn định bất chấp các biến động từ kinh tế thế giới. Duy trì tăng trưởng, tăng trưởng tín dụng 17% - 18%, hạn chế lạm phát, duy trì lãi suất thấp, các thủ tục đầu tư thông thoáng sẽ vẫn là yếu tố khiến TTCK Việt Nam hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài việc khẳng định môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn hấp dẫn thì các yếu tố có thể tác động xấu đến TTCK có lẽ vẫn là biến động từ cuộc chiến thương Mại Mỹ - Trung có thể gây hệ lụy đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Mức ảnh hưởng đánh giá có thể làm giảm 0,5 – 1,2% tăng trưởng GDP của cả năm. Tỷ giá biết động mạnh và câu chuyện lạm phát tăng mạnh cũng sẽ làm giảm sức hấp dẫn của TTCK. Việc duy trì và điều tiết tỷ giá, lãi suất là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ngoài ra những cải cách thủ tục hành chính, định hướng ưu tiên đầu tư, tập trung khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thoái vốn DNNN cũng là điểm sáng có khả năng tiếp tục hỗ trợ TTCK trong năm 2019. Dòng tiền khối ngoại, dòng tiền đầu tư trực tiếp gián tiếp cũng là yếu tố tác động đến TTCK.

TTCK có tăng tốt không cũng một phần đợi chờ câu chuyện nâng hạng của TTCK VN, dòng tiền vốn chảy từ các quỹ đầu tư (Mutual Funds, Hedge Funds kể cả các quỹ ETFs nội ngoại). Dòng tiền nước ngoài vẫn đang khá quan tâm đến TTCK VN nhất là các dòng vốn chi phí rẻ đến từ các nước như Hàn Quốc, Nhật…

Ông nhận định ra sao về thị trường trong năm 2019? VN-Index có thể đạt bao nhiêu điểm?

Năm 2019 sẽ là năm hồi phục của TTCK – Giai đoạn tích lũy và hồi phục sẽ là xu hướng chủ đạo của VN-Index trong năm 2019. Cho dù VN-Index điều chỉnh và tích lũy tại khu vực 880 - 900 điểm thêm thời gian nhưng VN-Index vẫn đang trong xu hướng uptrend lớn, giai đoạn điều chỉnh sẽ sớm kết thúc vào đầu năm 2019. VN-Index vẫn có thể hướng lên mốc 1.200 điểm và thậm chí vượt qua ở giai đoạn cuối năm 2019.

Theo ông nhóm ngành nào cần được chú ý trong năm 2019?

Những ngành nghề đang có tăng trưởng mạnh như sản xuất công nghiệp, xây dựng hay những ngành nghề có thiên hướng xuất khẩu được hưởng lợi từ câu chuyện tỷ giá cũng là được đánh giá cao như dệt may, thủy sản, dầu khí….ngành dịch vụ tài chính, chứng khoán, bảo hiểm vẫn sẽ hấp dẫn. Các ngành nghề hóa chất, cao su hay lĩnh vực tăng trưởng như dược phẩm, công nghệ thông tin cũng sẽ là ngành hấp dẫn nhà đầu tư trong năm 2019.

Ông có phân tích như thế nào về diễn biến của khối ngoại trong năm 2018 và ông có thể đưa ra những nhận định về đường đi của dòng vốn này trong năm 2019?

Nếu dòng vốn ngoại đầu tư mạnh và chủ yếu lớn tại thời điểm đầu năm và nhất là đến từ các khu vực Hàn Quốc, Nhật….giá trị mua ròng của khối ngoại mạnh nhất vào giai đoạn cuối năm 2017 và đầu năm 2018 nhưng đã có suy giảm kể từ quý II/2018. Giai đoạn 2018 là giai đoạn giao dịch cầm chừng cũng như là chuyển dịch xu hướng đầu tư của khối ngoại. Diễn biến tiêu cực của thị trường cũng khiến khối ngoại khó huy động được vốn hơn. Dòng tiền đầu tư dưới dạng M&A, vào các cổ phiếu IPO của các DN đặc biệt là các DN dầu khí là lớn. Nếu năm 2018 là năm dòng vốn ngoại chững lại thì năm 2019 là năm mà khối ngoại có khả năng giải ngân sôi động trở lại khi mà việc FED sẽ ít có điều chỉnh tỷ giá cũng như giai đoạn mà TTCK VN đang nỗ lực chuẩn bị cho việc nâng hạng của thị trường.

Xin cảm ơn ông.

Theo Bình An

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên