MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại Bộ Quốc phòng

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo quý III năm 2018 của Bộ Quốc phòng sáng 9/10.

Tại cuộc họp báo quý III/2018 của Bộ Quốc phòng sáng 9/10, liên quan đến việc thực hiện sắp xếp bộ máy tinh giản biên chế trong lực lượng quân đội, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết, hiện trong lực lượng quân đội có một số đơn vị mới được thành lập như Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng. Dù số đơn vị được thành lập mới tăng thêm nhưng tổng quân số lại không tăng thêm.

Giảm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại Bộ Quốc phòng - Ảnh 1.

Lãnh đạo Tổng Công ty Đông Bắc và chỉ huy đơn vị kiểm tra thiết bị máy móc chuẩn bị tham gia thi công dự án (Ảnh: nangluong.vn)

"Việc sắp xếp cơ cấu lại các doanh nghiệp trong quân đội cũng phải đảm bảo theo hướng gắn với xây dựng quân đội tinh gọn hiệu quả, với bước đi và lộ trình phù hợp” - Thiếu tướng Đức cho hay.Bên cạnh đó, lực lượng quân đội cũng đang cơ cấu, sắp xếp lại hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong quân đội, từ 88 doanh nghiệp chỉ giữ lại 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng, số còn lại thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa sắp xếp sáp nhập.

Theo Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 đã được phê duyệt, Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước với 17 doanh nghiệp, trong đó giữ nguyên 12 đơn vị đang làm các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đề án hình thành 5 tổng công ty có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đặc chủng, trên cơ sở cơ cấu lại các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng.

Trả lời báo chí về việc 30% tiền chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn của cán bộ, chiến sĩ ở 2 Đồn Biên phòng Thuận 613 và Sen Bụt 609 tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị giữ lại trong nhiều tháng mà báo chí phản ánh, Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ đội Biên phòng cho biết, vụ việc xảy ra từ năm 2017.

Theo quy định, các nơi được hưởng chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ Nội vụ đưa vào danh sách. Khi xây dựng chương trình nông thôn mới, những xã nào thuộc địa bàn khó khăn thì được đưa vào, còn không khó khăn thì bị đưa ra. Tại 2 xã này, Bộ Nội vụ không gửi danh sách xuống cho nên khi tiền chuyển về thì địa phương lúng túng trong quá trình thực hiện.

“Hiện Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng đang giao cho 2 đồn biên phòng kiểm điểm cảnh cáo những cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm. Các đơn vị cũng đang thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, kiểm điểm nghiêm túc tổ chức, cá nhân có liên quan. Sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó” - Đại tá Quế thông tin./.


Thanh Hà

VOV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên