MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc cty ở Đà Nẵng kể về thời Vũ "nhôm" còn làm thợ nhôm kính đến khi có quan hệ với các lãnh đạo

03-01-2020 - 18:01 PM | Xã hội

Bị cáo Bằng nói từng báo cáo Chủ tịch TP và được ông Trần Văn Minh gọi lên phòng, nói rằng các lãnh đạo TP đã biết, đề nghị tạo điều kiện việc chuyển nhượng khu đất cho Vũ "nhôm.

Tiếp tục cập nhật...

"Tuyệt đối không nhận vật chất, tiền bạc"

Bị cáo Văn Hữu Chiến

15h30: Bị cáo Văn Hữu Chiến được HĐXX yêu cầu lên bục tiến hành phần xét hỏi.Bị cáo Văn Hữu Chiến là cựu Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng.

Bị cáo Văn Hữu Chiến bị xác định đã giúp Vũ “nhôm” thâu tóm 22 nhà công sản gây thiệt hại hơn 2.422 tỷ đồng và khu đất 29ha tại Khu đô thị Đa Phước, gây thiệt hại hơn 11.325 tỷ đồng. Về việc giao 29ha này, ông Chiến thừa nhận đã ký quyết định thu hồi rồi giao cho Cty xây dựng 79 của Vũ “nhôm”; việc này căn cứ vào thỏa thuận giữa UBND Đà Nẵng và tập đoàn Deawon (chủ đầu tư dự án Đa Phước).

Theo truy tố, năm 2006, Đà Nẵng đã giao khu Đa Phước cho Deawon với thỏa thuận doanh nghiệp Hàn Quốc này phải san lấp mặt bằng, xây đê biển... và giao lại 29ha cho một Cty Việt Nam để liên doanh xây dựng căn hộ.

Năm 2011, các bị cáo đã giao 29ha này cho doanh nghiệp của Vũ “nhôm”. Về dự án công viên An Đồn, bị cáo Chiến khai chỉ ký 1 văn bản về việc đồng ý giảm 10% về tiền sử dụng đất cho công ty xây dựng Bắc Nam 79 và việc này chỉ là giảm chứ không phải giao đất. Đối với việc giảm 10% đối chiếu với quyết định của UBND TP Đà Nẵng.

Trả lời HĐXX, Văn Hữu Chiến khẳng định, không quan hệ với Phan Văn Anh Vũ mà trong các buổi gặp doanh nghiệp chỉ biết đây là doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác trên địa bàn. Về việc chuyển nhượng dự án 16 Bạch Đằng, bị cáo Chiến trả lời, nếu căn cứ theo luật đất đai thì không đúng.

Ngay cả UBND TP đã có quyết định phê duyệt giá khởi điểm đấu giá lúc đó, tuy nhiên, có văn bản của Bộ Công an đề nghị chuyển nhượng cho công ty cổ phần Bắc Nam 79 để phục vụ xây dựng, phát triển tiềm lực của ngành. “Tôi rất quan tâm và chuyển ngay cho anh Tuấn, Phó Chủ tịch xử lý”, ông Chiến nói.

Trả lời về việc văn bản của Bộ Công an có bắt buộc phải chuyển nhượng nhà đất cho công ty Bắc Nam 79 không? Bị cáo Chiến khai, về hình thức chỉ để nghị quan tâm, giải quyết nhưng về hiệu lực thì lãnh đạo UBND, các địa phương nghĩ đây là trách nhiệm cần ủng hộ cho lực lượng công an.

“Bị cáo có đưa ra trong giao ban lãnh đạo TP, xin ý kiến của Bí thư, Chủ tịch HĐND và trên ý kiến của Sở TN-MT đề nghị cho thuê 50 năm. Trên cơ sở đó, Bí thư thống nhất cho thuê. Sau đó, đưa ra giao ban Chủ tịch, Phó Chủ tịch phân tích đủ thứ và quyết định ủng hộ cho công an. Và cứ nghĩ đất cho thuê vẫn còn đó, cần sẽ thu hồi.

Đất của Đà Nẵng qua Bộ Công an cũng không mất đi đâu còn việc quản lý của Bộ Công an với công ty Bắc Nam 79 doanh nghiệp bình phong tôi không biết thế nào. Cho nên có quyết định cho thuê 50 năm”, bị cáo Chiến nói.

Bị cáo này cũng cho rằng, việc ký các quyết định chuyển nhượng đất không chịu sức ép của ai và không được hưởng lợi gì từ việc này. “Tuyệt đối không nhận vật chất, tiền bạc”, bị cáo Chiến khai. Tiếp đó, HĐXX đã yêu cầu bị cáo Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lên bục khai báo.

Chưa biết tại sao Vũ “nhôm” được vào làm tình báo viên

Bị cáo Lê Anh Tuấn

Trước tòa, bị cáo Lê Anh Tuấn, Chủ tịch, kiêm giám đốc Công ty cổ phần cung ứng tàu biển Đà Nẵng khai quen biết Vũ “nhôm” từ khoảng những năm 1996, 1997, thời gian đó Vũ còn là thợ làm nhôm kính. "Vũ còn đến làm nhôm kính cho gia đình tôi", bị cáo Tuấn nói.

Bị cáo Vũ học hết lớp 10 thì thôi học, ban đầu làm thợ phụ nhôm kính cho anh em trong gia đình, sau đó mở cửa hàng kinh doanh nhôm kính ở quận Hải Châu, Đà Nẵng. Phan Văn Anh Vũ có biệt danh Vũ "nhôm" cũng là vì gắn với nghề làm nhôm, kính.

Tại phiên tòa, trong phần kiểm tra căn cước, Phan Văn Anh Vũ đã khai học hết lớp 10/12. Đến nay chưa biết bằng cách nào Vũ “nhôm” được tuyển dụng vào làm tình báo viên (sau này đã bị cho ra khỏi ngành và khai trừ Đảng). Sau khi có tên tuổi và có mối quan hệ với các lãnh đạo, Vũ “nhôm” đã ưu ái được thâu tóm nhiều dự án đất đai ở Đà Nẵng.

Biết được Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển Đà Nẵng được UBND TP. Đà Nẵng đồng ý bán nhà, đất công sản số 20 Bạch Đằng không qua đấu giá, Vũ "nhôm" đã chỉ đạo em vợ là Nguyễn Quang Thành gặp Lê Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty cổ phần cung ứng tàu biển Đà Nẵng để thỏa thuận nội dung: công ty này đứng ra làm thủ tục mua nhà, đất, sau đó chuyển nhượng lại cho Vũ.

Sau khi hoàn tất, bị cáo Vũ sẽ hoàn trả 2 tỷ đồng nộp tiền đặt cọc cho công ty và thanh toán tiền mua nhà theo giá phê duyệt của UBND TP Đà Nẵng. Hành vi của bị cáo Tuấn và Vũ "nhôm" tại dự án số 20 Bạch Đằng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 264 tỷ đồng, Lê Anh Tuấn được xác định có hành vi giúp sức cho Vũ “nhôm”.

Cũng giống như nhiều bị cáo đã khai, tại tòa bị cáo Tuấn nói lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố thời điểm đó chỉ đạo.

Giữ nguyên giá do ... có sự chỉ đạo

Bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn

Bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn (SN 1958) - nguyên Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng biết Phan Văn Anh Vũ, lúc thực thi nhiệm vụ, thời gian 2010 – 2012, qua dư luận và làm việc, bị cáo thấy Vũ được giao một số tài sản, thấy có sự quan tâm. Tại khu đất 3,77ha tại Dự án khu du lịch biển Non Nước, bị cáo Tuấn khai đã ký quyết định giao 2ha cho doanh nghiệp của Vũ “nhôm” theo chỉ đạo của cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh.

“Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh để kiểm tra thực tế một số dự án; đi 6- 7 địa điểm gồm chỗ 3,7 ha. Sau nhiều đơn vị có ý kiến, ông Bí thư có ý kiến giao 2ha. Tôi nhớ trong 3,77ha có đất giao thông, cây xanh, bãi biển... Lúc đó, sử dụng đất hỗn hợp có lẫn lộn công tư trong đó. Với 2ha, ông Bí thư có ý kiến giữ nguyên giá như quyết định của Chủ tịch Văn Hữu Chiến ký trước đó”, bị cáo Tuấn nói.

Giám đốc cty ở Đà Nẵng kể về thời Vũ nhôm còn làm thợ nhôm kính đến khi có quan hệ với các lãnh đạo - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn

Chủ tọa đặt câu hỏi, việc giữ nguyên giá từ đất thuê sang đất giao lâu dài có sai không? Ông Tuấn trả lời: “Có, nhưng có sự chỉ đạo. Khi kết luận về rồi, văn phòng UBND có dự thảo kết luận và trước khi tôi ký, Văn phòng có trình Bí thư Nguyễn Bá Thanh. Bí thư phê thực hiện như kết luận”.

Bị cáo từng báo cáo và được ông Trần Văn Minh gọi lên phòng

Bị cáo Đào Tấn Bằng

Chiều 3/1, phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm" ) cùng hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng 18 đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi.

Khai báo tại tòa, bị cáo Đào Tấn Bằng, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng khẳng định người có thẩm quyền ra quyết định chuyển nhượng các dự án công sản trên địa bàn TP ở thời điểm phạm tội là cựu Chủ tịch Trần Văn Minh.

Bị cáo khai biết Phan Văn Anh Vũ thông qua công việc và thông qua lãnh đạo TP, cụ thể là Trần Văn Minh. Ông Minh từng nói với bị cáo rằng Vũ có công ty bình phong của Bộ Công an.

Tại dự án khu đất 3,264m2 ở đường Ngô Quyền, ông Minh có bút phê và cho bị cáo xem công văn của Bộ Công an với nội dung đề nghị TP cho phép công ty bình phong Bắc Nam 79 được chuyển nhượng khu đất trên.

Theo bị cáo, nếu bình thường thì việc chuyển nhượng này phải thông qua đấu giá theo đúng quy định.

"Vậy tại sao bị cáo vẫn làm tờ trình gửi Trần Văn Minh để chuyển khu đất cho công ty 79?" – chủ tọa hỏi.

Bị cáo nói từng báo cáo Chủ tịch TP và được ông Minh gọi lên phòng, nói rằng các lãnh đạo TP đã biết và đề nghị tạo điều kiện cho Bộ Công an trong việc chuyển nhượng khu đất.

"Theo bị cáo, công văn của Bộ Công an có bắt buộc UBND TP Đà Nẵng phải chuyển nhượng khu đất đó cho Công ty Bắc Nam 79 không qua đấu giá?", chủ tọa truy vấn.

Cựu Phó Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng trả lời được ông Trần Văn Minh nói rằng" hoạt động tình báo của lực lượng công an có các pháp lệnh, nghị định quy định, trong đó phải tạo điều kiện để công ty bình phong hoạt động nhằm bảo vệ Đảng và Bhà nước.

Do vậy, nhận thức của bị cáo lúc đó thấy quyết định của lãnh đạo là đúng, lại thấy văn bản mật do Thứ trưởng Bộ Công an ký nên càng tin tưởng với quyết định của mình"

Bị cáo này cũng thừa nhận có tham gia soạn thảo công văn 8332 để Trần Văn Minh ký chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất trên cho Phan Văn Anh Vũ. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị, liên quan đến văn bản mật của Bộ Công an về bảo vệ đảng, nhà nước chứ bị cáo không hưởng lợi gì.

Đây là chỉ đạo của ông Nguyễn Bá Thanh, phải làm

Bị cáo Nguyễn Văn Cán

Trước đó, khai trước tòa bị cáo Nguyễn Văn Cán nói không có quan hệ gì với Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"). Bị cáo cũng nói biết Phan Văn Anh Vũ có mối quan hệ với các lãnh đạo Đà Nẵng, nhưng mối quan hệ thân thiết hay thế không thì không rõ.

"Trong công tác tôi biết Phan Văn Anh Vũ có mối quan hệ với ông Nguyễn Bá Thanh", bị cáo Cán nói.

Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa hỏi: Trong việc làm của mình bị cáo có chịu sự chỉ đạo của ai không? Bị cáo Cán nói có chịu sự chỉ đạo.

"Chỉ đạo gián tiếp là ông Nguyễn Bá Thanh, còn chỉ đạo trực tiếp là ông Trần Văn Minh (bị cáo Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch Đà Nẵng -PV)", bị cáo Cán cho biết.

Bị cáo Cán nói thêm, có những vấn đề chỉ đạo bằng văn bản, có những vấn đề chỉ đạo qua trao đổi miệng.

Việc chỉ đạo của cấp trên với ông Nguyễn Văn Cán chủ yếu về lĩnh vực đất đai, tài sản, có những việc bị cáo sau khi nhận chỉ đạo đã trực tiếp báo cáo Chủ tịch, hoặc Phó Chủ tịch TP.

"Có việc bị cáo nhận chỉ đạo từ cấp trên nhưng thông qua bị cáo Phan Xuân Ít (lúc đó là Trưởng Phòng Quản lý đô thị thuộc Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng).

Việc chỉ đạo đó chủ yếu liên quan đến những dự án đất đai", bị cáo Cán khai và cho biết, khi trình ra cuộc họp của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông thường ông Đào Tấn Bằng (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng - bị cáo trong vụ án) và Phan Xuân Ít nói, vấn đề này ông Nguyễn Bá Thanh đã có ý kiến chỉ đạo thế này, chỉ đạo thế kia, chuyển nhượng cho ai, chuyển nhượng thế nào…

Khi nghe HĐXX hỏi tại dự án khu dân cư An Cư 2 mở rộng và An Cư 3 (Đà Nẵng) mở rộng, bị cáo nhận sự chỉ đạo của ai?

Bị cáo Nguyễn Văn Cán nói: "Tại cuộc họp giao ban của UBND TP. Đà Nẵng ngày 5/1/ 2009, ông Phan Xuân Ít cầm văn bản trình ra cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và xin dự án được bán trực tiếp cho Công ty TNHH Minh Hưng Phát của Phan Văn Anh Vũ (không quá đấu giá).

Chủ tịch lúc đó là ông Trần Văn Minh đứng lên hỏi: Tại sao bán trực tiếp. Ông Ít nói, đây là theo chỉ đạo của ông Nguyễn Bá Thanh".

Bị cáo Cán cho rằng, đối với dự án khu dân cư An Cư 2 và An Cư 3 mở rộng theo quy định phải qua đấu giá, ông cũng thừa nhận việc chỉ đạo bán trực tiếp là sai.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, vì sao biết sai vẫn làm, bị cáo Cán nói: Vì thông qua ông Phan Xuân Ít và tôi cũng trao đổi trực tiếp với ông Trần Văn Minh (lúc đó là Chủ tịch Đà Nẵng), ông Minh nói việc này ông Nguyễn Bá Thanh đã có chỉ đạo, chúng ta phải chấp hành. Việc chỉ đạo chỉ trao đổi miệng, nay còn ông Trần Văn Minh ngồi đây (cùng ra tòa).

"Lý do vì sao biết sai vẫn làm, vì tôi phải chấp hành ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Cụ thể chỉ đạo của ông Nguyễn Bá Thanh thông qua ông Phan Xuân Ít và thông qua trao đổi của tôi với ông Trần Văn Minh. Tôi thực hiện không vì động cơ mục đích gì, không được hưởng lợi ích vật chất gì, tôi xin khẳng định", cựu Chánh Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng nói.

Theo Hoàng Đan

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên