MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc môi giới CTCK KIS: “Trong năm nay, VN-Index sẽ chỉ xoay quanh 780 – 800 điểm”

Mặc dù vậy, sẽ có nhiều sản phẩm cũng như các thông tin vĩ mô, các chính sách tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy thị trường tăng trưởng trong giai đoạn phát triển mới.

Thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu năm đã có những tăng trưởng vượt bậc. Để có cái nhìn tổng quan hơn cũng như những nhân tố tiếp tục thúc đẩy thị trường trong giai đoạn cuối năm, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Phạm Tuyến, Giám đốc Môi giới, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam.

Theo ông, đâu sẽ là động lực tăng trưởng cho TTCK trong những tháng cuối năm?

Đông lực cho sự tăng trưởng của thị trường trong giai đoạn 6 tháng cuối năm có thể là dòng vốn của khối ngoại sẽ tiếp tục bơm mạnh vào thị trường với kỳ vọng về sự tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, khi mà Chính phủ bằng nhiều biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đạt được mức 6,7% như đề ra trước đó. Ngoài ra, việc Chính phủ đồng ý tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng từ 18% lên trên 20% trong năm nay cũng cho một lượng vốn lớn được bơm vào nền kinh tế dự kiến với gần 700 nghìn tỷ đồng.

Các chính sách như quá trình thoái vốn nhà nước cũng như việc cổ phần hóa các doanh nghiệp sẽ là những nhân tố tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Đặc biệt, sự minh bạch hóa các doanh nghiệp trên sàn niêm yết cũng như siết chặt việc thao túng giá nhằm lành mạnh nền tài chính cũng là các tác nhân quan trọng cho quá trình hội nhập.

Cùng với quá trình minh bạch các doanh nghiệp niêm yết, thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động sau 17 năm cũng chính là bước ngoặt của TTCK Việt Nam trong giai đoạn mới. Từ đó, có thể trong một vài năm tới thị trường sẽ sớm được nâng hạng nhằm thu hút dòng vốn ngoại hơn nữa.

Ông dự báo thế nào về diễn biến của VN Index và HNX-Index?

Từ đầu năm đến nay thị trường tăng trưởng khá mạnh, chỉ số Vn-index tính đến thời điểm hiện tại đang ở giai đoạn cao nhất trong 9 năm qua. Trong 6 tháng đầu năm thị trường đã có những chuyển biến tích cực và sự tăng trưởng ấy thể hiện rõ rệt qua các dòng, các nhóm cổ phiếu, nhiều cổ phiếu tăng trưởng gấp nhiều lần trong đó những nhóm cổ phiếu cơ bản như dược, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản tăng khá mạnh.

Tôi cho rằng thị trường trong giai đoạn ngắn hạn gặp không ít khó khăn và phải cần khoảng thời gian nhất định để những chính sách vĩ mô tư tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng GDP và và các kết quả hoạt động kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp niêm yết sẽ là những nhân tố chính giúp cho thị trường tăng trưởng hay không.

Theo qua điểm cá nhân tôi, thị trường trong dài hạn sẽ tiếp tục có tăng trưởng nhưng không có sự đột biến nào. Nhiều khả năng năm nay Vn-index chỉ xoay quanh mốc 780-800 điểm. Mặc dù vậy, sẽ có nhiều sản phẩm cũng như các thông tin vĩ mô, các chính sách tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy thị trường tăng trưởng trong giai đoạn phát triển mới.

Ông có cho rằng thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đi vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm?

Thị trường chứng khoán phái sinh vừa đi vào hoạt động ngày 10/8/2017 đánh dấu sự ra đời của thị trường hiện đại sau 17 năm hình thành và phát triển TTCK cơ sở. Ở giai đoạn đầu, thị trường phái sinh cần có nhiều thời gian hơn nữa để các nhà đầu tư tiếp cận một cách chuyên nghiệp và hiểu về thị trường này một cách khoa học hơn.

Do vậy, thị trường phái sinh nó là điểm nhấn của toàn thị trường chứng khoán chứ chưa hẳn nó sẽ mang lại sự tăng trưởng mà nó chính là công cụ để nhà đầu tư có thể tránh được những rủi ro nhất định.

TTCK Việt Nam nửa cuối năm 2016 diễn ra với nhiều "cú sốc" như Brexit ngày 24/6, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 9/11, hoặc các tin đồn trên thị trường có tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Việt Nam, dẫn đến hoạt động bán tháo. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về các “cú sốc” trên TTCK?

Những cú sốc bất ngờ về các yếu tố chính trị cũng như kinh tế trên thế giới có tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư không chỉ ở Việt Nam mà còn ảnh hưởng toàn cầu. Thị trường tài chính có quan hệ mật thiệt và biện chứng ở các nước phát triển và Việt Nam cũng không tránh khỏi được những tác động đó.

Do vậy, những sự kiện như Brexit hay kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đánh dấu sự kỳ vọng hay thất vọng của giới đầu tư tài chính, thể hiện rõ rệt nhất lên tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Những tác động này chỉ mang tính chất nhất thời, tức là ở thời điểm nhất định đó nó là các tác động tiêu cực mà thị trường tài chính toán cầu phải đón nhận nó. Những sự kiện và những tin đồn trên thị trường tài chính là điều tất yếu mà nhà đầu tư luôn phải đối diện với nó, dù không muốn nhưng đó là một phần không thể thiếu của thị trường tài chính.

Hiện tượng bán tháo cổ phiếu của trên TTCK Việt Nam không còn lạ đối với nhà đầu tư bởi không chỉ sự kiện chính trị mà những sự kiện khác liên quan đến việc bắt các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngân hàng cũng có tác động tiêu cực đến thị trường dẫn đến các hoạt động bán tháo cổ phiếu. Và ngay cả những tin đồn thất thiệt cũng có thể gây ra những phản ứng bất lợi đến thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Hải Thanh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên