MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc ngân hàng: Nghề của quyền lực và cơ hội?

26-01-2017 - 08:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Điều đáng buồn là mấy năm gần đây, vài Giám đốc tại những ngân hàng khác nhau do thiếu tuân thủ và chưa xem trọng đạo đức nghề nghiệp nên có nhiều việc làm xấu ảnh hưởng lớn đến uy tín đồng nghiệp, giảm niềm tin của khách hàng và ít nhiều bớt thiện cảm của dư luận... Thường xuyên nhất là thông đồng làm trái quy định, tham gia các hoạt động đảo nợ, lạm dụng uy tín và cố ý sai phạm trong nghiệp vụ tín dụng.

Nói đến Giám đốc ngân hàng, người ta thường nghĩ ngay đến tiền bạc, quyền lực và vị trí xã hội – nhưng có thể chưa hình dung hết đầy đủ áp lực và thách thức của công việc này.

Hiện nay, ở các ngân hàng trong nước do quy mô và tổ chức hệ thống khác nhau – nên mặc dù phạm vi công việc của Giám đốc chi nhánh tương tự nhau nhưng thẩm quyền thì chẳng giống nhau. Chung quy thì ngoài chế độ tài xế riêng và xe đưa đón, Giám đốc chi nhánh thường được phân giao một số quyền hạn, bao gồm quyền phê duyệt tín dụng, phê duyệt chi phíphê duyệt nhân sự... Uy tín và quyền lực thực sự của Giám đốc chi nhánh trong ngân hàng thường tuỳ vào hạn mức tín dụng phán quyết, các loại chi phí được duyệt và ‘tiếng nói’ trong khâu tuyển dụng, bổ nhiệm và điều chuyển nhân sự.

Chính quyền hạn đó làm cho chức danh Giám đốc chi nhánh trở nên rất hấp dẫn tại bất cứ ngân hàng nào, đây là vị trí ‘trong mơ’ của hầu như tất cả nhân viên và thường phải mất 8-10 năm miệt mài phấn đấu.

Ở góc độ chuyên môn – Giám đốc chi nhánh chịu rất nhiều áp lực mà không phải ai cũng vượt qua được. Đó là lý do mà thành công thường đạt được cũng ở nhiều mức độ khác nhau.

Áp lực kinh doanh: chi nhánh được giao chỉ tiêu và được đo lường mỗi tháng, xếp loại từng quý và đánh giá hàng năm. Vì vậy mà hơn bất cứ vị trí nào, áp lực của Giám đốc là rất lớn. Thông thường mỗi đơn vị được giao khoảng 20 chỉ tiêu vừa định lượng vừa định tính, lại chịu sự điều hành của các Khối khác nhau (Bán lẻ, Doanh nghiệp, Nguồn vốn... ) nên đương nhiên là cực kỳ áp lực trong công tác triển khai thực hiện. Ngoài ra, một trong những nỗi lo thường trực của Giám đốc chi nhánh là chất lượng nợ. Chỉ cần vài khách hàng lớn ‘hắt hơi, sổ mũi’ là Giám đốc chi nhánh đã muốn ‘đổ bệnh’ trước rồi.

Tiếp khách thường xuyên: từ đối tác đến cơ quan quản lý, từ nội bộ cho đến bên ngoài... thường ít cũng phải vài lần mỗi tuần - mà đã tiếp khách thì sao thiếu rượu, bia! Với bất cứ buổi tiếp nào thì Giám đốc chi nhánh luôn là người phải thể hiện sự tham gia nhiệt tình nhất. Việc ăn uống thất thường, bia rượu nhiều nếu không kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ là điều hiển nhiên. Những thời điểm như dịp cuối năm chẳng hạn, Giám đốc nào có tửu lượng tốt lắm và thật giỏi giao tiếp mới giữ được tỉnh táo vì thông thường lịch tổng kết kín mít trong suốt mấy tuần liền.

Ít thời gian cho gia đình: phải tập trung giải quyết công việc nội bộ, tham gia nhiều cuộc họp kế hoạch căng thẳng hay công tác xa nhà vv... là những lý do thường xuyên khiến cho Giám đốc chi nhánh ít có thời gian trọn vẹn với gia đình. Tại nhiều đơn vị, do khối lượng công việc phát sinh rất nhiều trong ngày, tờ trình nghiệp vụ tới tấp – cả tuần may lắm có vài buổi kịp ăn cơm nhà. Còn việc đón vợ hay chở con là điều không thể sắp xếp. Chưa kể, nếu không tách bạch giữa công việc và gia đình thì những lo toan, căng thẳng hàng ngày ở cơ quan sẽ ảnh hưởng đáng kể đến không khí sinh hoạt gia đình là điều khó tránh khỏi.

Tạo động lực làm việc cho nhân viên: duy trì thường xuyên một tinh thần làm việc hào hứng, xây dựng tập thể gắn bó, luôn tạo cảm hứng giúp nhân viên các vị trí nỗ lực thực hiện tốt chỉ tiêu... là những nhiệm vụ không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Muốn làm tốt việc này – đầu tiên, Giám đốc chi nhánh phải giỏi với việc tự tạo động lực, kiên định với mục tiêu và kiểm soát tốt cảm xúc cá nhân. Đây là yếu tố khiến cho nhiều cán bộ vốn giỏi chuyên môn nhưng lại có thể không thành công với vai trò quản lý.

Những áp lực nêu trên vốn là đặc thù của công việc, điều đáng quan tâm là hiện có một tỉ lệ khá nhiều Giám đốc chi nhánh tại các ngân hàng hiện nay là nữ giới, và thông thường để thành công một nữ Giám đốc chi nhánh phải cố gắng và nỗ lực gấp đôi so với các đồng nghiệp nam – đó là điều rất đáng được trân trọng!

Đúng là một thời, Giám đốc chi nhánh ngân hàng đồng nghĩa với quyền lực và cơ hội – nhưng với môi trường làm việc ngày càng chuyên nghiệp, đòi hỏi khắt khe từ thực tế kinh doanh và đặc tính cạnh tranh cao của ngành ngân hàng – hơn bao giờ hết, vị trí này trở nên rất thách thức, nó chỉ dành cho người thực sự tâm quyết, có năng lực chuyên môn và một đạo đức nghề nghiệp trong sáng.

CTV. Nguyễn Thu Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên