MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc VTV24: "Tôi vào Facebook rất nhiều nhưng không phải để chơi"

20-06-2016 - 00:00 AM | Sống

Nhà báo Lê Bình, Giám đốc Trung tâm VTV24, Đài truyền hình Việt Nam dùng facebook như thế nào cho công việc? Facebook tác động ra sao tới việc đưa tin của các chương trình truyền hình do chị phụ trách?

- Khi bắt đầu chương trình Chuyển động 24, chị từng nói là “không cạnh tranh với facebook hay youtube mà sẽ là chính họ”. Sau hơn 2 năm hoạt động với Chuyển động 24, việc “là chính họ” giờ ra sao?

- Xu hướng đó đúng và giờ chúng tôi vẫn tiếp tục. Xin nói thêm là không chỉ có truyền hình mà các phương tiện thông tin đại chúng khác nếu không dựa vào công cụ mạng xã hội (đang phát triển rất mạnh) là một kênh phân phối thông tin thì mức độ ảnh hưởng sẽ giảm rất sâu. Tôi nghĩ xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai.

- Mạng xã hội mà đặc biệt là Facebook có tác động đến nội dung thông tin của Chuyển động 24, các bản tin tài chính kinh doanh mà chị đang phụ trách hay không?

- Mạng xã hội là nơi chúng tôi tham khảo nguồn thông tin, lắng nghe ý kiến của dư luận và tìm kiếm sự ủng hộ của bạn đọc, công chúng. Tuy nhiên, những thông tin trên mạng xã hội dù rất nhanh, cần được kiểm chứng nếu không thì hậu quả sẽ khôn lường.

Có thông tin được đưa lên mạng xã hội bởi những người tốt, có uy tín nhưng do sơ suất cũng có thể gây ra ảnh hưởng xấu hơn nếu mình tiếp tục đưa theo. Đây là chưa kể đến những thông tin không chuẩn xác nhưng được nguỵ trang khéo léo thì rất khó phát hiện.

Do vậy, dù mạng xã hội có thông tin hấp dẫn, chúng tôi rất quan tâm nhưng chỉ khi thẩm định lại nguồn tin là chính xác thì mới chúng tôi mới đưa lên.

Facebook là trang của cá nhân nhưng đưa lên trang cá nhân giờ chẳng cá nhân một chút nào, đặc biệt là với người có ảnh hưởng đến cộng đồng mạng. Chị nghĩ gì về điều này?

Bất cứ ở lĩnh vực nào cũng vậy, những người có tầm ảnh hưởng lớn khi phát ngôn ra điều gì đều tác động không nhỏ đến cộng đồng, xã hội. Đó là điều có từ xưa rồi chứ không phải đến khi xuất hiện facebook. Điểm khác là khi có mạng xã hội thì mức độ ảnh hưởng tăng lên gấp nhiều lần.

Giờ đây, chỉ một sơ suất nhỏ trong phát ngôn hay hành động không chuẩn chỉ của người nổi tiếng sẽ được lan truyền cực nhanh trên facebook nên họ phải kiểm soát chặt chẽ hơn hành động, lời nói của mình.

Càng nhiều người biết, càng lan truyền nhanh, càng lan truyền nhanh càng ảnh hưởng lớn mà càng ảnh hưởng lớn thì có cả 2 thái cực tốt và xấu. Chính vì vậy, ở thời đại của facebook, người ta cần đến sự trung thực, tin cậy và chuẩn chỉ.

Facebook là con dao 2 lưỡi!

Facebook có rất nhiều quy định để hạn chế những thông tin không lành mạnh tác động đến công chúng, nhưng thực tế những thông tin tốt hay xấu đều lan truyền cực nhanh ở môi trường này. Thậm chí, có những thông tin xấu có thể lan truyền nhanh hơn cả thông tin tốt. Là một nhà báo chị ứng xử như thế nào khi đọc được một thông tin mà mình thấy là không tốt đang lan truyền mạnh trên facebook?

Nếu tôi không có đủ thông tin, không kiểm chứng được thì dù có cảm giác là không tốt, tôi cũng im lặng. Còn nếu như đã thẩm định được và biết chính xác, tôi sẽ lên tiếng trên trang cá nhân của mình. Với những thông tin phù hợp với lĩnh vực mình phụ trách, tôi sẽ đưa thông tin lên truyền hình, giúp công chúng hiểu đúng bản chất vấn đề.

Giờ đây, tôi thấy việc thuyết phục các bạn đọc trên trang facebook cá nhân của mình cũng không khác gì phải thuyết phục khán giả xem truyền hình. Bạn đưa thông tin trên facebook nhưng phải có bằng cứ xác thực chứ không phải nói theo cảm tính.

Hằng ngày, chị online facebook thường xuyên. Điều này có thể hiểu là cuộc sống ảo đang chiếm thời gian không nhỏ trong cuộc sống thật của chị hay không?

Tôi vào facebook rất nhiều, nhưng không phải để chơi. Phần lớn thời gian đó là cho công việc chứ không phải để tán chuyện hay giải trí.

- Từ quan điểm cá nhân, chị thấy nhà báo dùng facebook nhiều có hại hay có lợi?

- Facebook là con dao cực sắc nhưng có 2 lưỡi. Ở đây, có thể thấy rất rõ là nếu không có lợi thì không có chuyện hàng tỷ người trên thế giới đang dùng công cụ đó. Thế nhưng, nếu sử dụng sai mục đích và bị nó cuốn đi thì sẽ trở thành thứ có hại mà lại là thứ có hại rất lớn.

Trước đây, phải là một nhà báo mới có cơ hội để đưa thông tin đến công chúng nhưng với facebook thì giờ ai cũng có thể là một nhà báo công dân. Thậm chí, nhiều nhà báo công dân có ảnh hưởng cực lớn trên mạng xã hội với lượng fan theo dõi lên tới hàng triệu người. Chị nghĩ gì về xu thế này?

Điều này đã xuất hiện từ vài năm trước nhưng giờ phát triển mạnh hơn rất nhiều bởi xu hướng người dùng tiếp nhận thông tin và tương tác qua facebook tăng đột biến.

Tôi thấy cư dân mạng rất tinh tường. Nếu một người tạo ra sự tin cậy, đưa thông tin hay, đúng, họ sẽ nhận được sự tin cậy và có thêm người theo dõi, hâm mộ. Thế nhưng, nếu họ đưa tin sai thì cư dân mạng cũng sẽ kiểm chứng được điều đó rất nhanh. Và chỉ cần một vài lần như vậy, ảnh hưởng cũng như sự tin cậy của họ sẽ dần mất đi.

- Sự phát triển mạnh mẽ của facebook tại Việt Nam có tác động lớn đến việc kinh doanh quảng cáo trên truyền hình hay không khi live video đã được phổ cập cho mọi người dùng?

- Từ vài năm trước, tất cả các phương tiện truyền thông đều đã bị ảnh hưởng chứ không riêng truyền hình. Tuy nhiên, truyền hình sẽ chịu tác động cuối cùng vì có thế mạnh là hình ảnh.

Cách đây hơn 2 năm, tôi đã dự báo là tivi truyền thống một màn hình sẽ chết nếu như chỉ truyền tải thông tin một chiều, áp đặt lên người xem, coi họ là người nhận thông tin thụ động, không quan tâm đến khán giả thích gì, nghĩ gì.

Bây giờ là thời đại tương tác, ai cũng có quyền cất lên tiếng nói của mình. Khán giả có thể lên tiếng thích chương trình truyền hình này, không thích chương trình truyền hình kia, thích người này, thích người kia… trên trang facebook cá nhân của họ, và thể hiện quyền lực đó bằng like, comment và share.

Cái gốc của hoạt động kinh doanh quảng cáo trên truyền hình cũng là sự quan tâm của khán giả; và nội dung, cũng như cách làm phù hợp với thời đại của facebook là yếu tố cốt lõi. Ở đây, cách làm, cách tiếp cận vấn đề, cách truyền tải thông tin và tương tác với khán giả của truyền hình sẽ cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa.

Nhà sản xuất nội dung vẫn nắm quyền chi phối nhưng họ sẽ thất bại nếu không biết dựa vào mạng xã hội để đưa những chương trình mình tạo ra tới một lượng công chúng rộng rãi hơn. Chương trình có bảo hay mấy mà ít người biết, ít người xem thì cũng không thể kinh doanh tốt được.

Hoàng Ly - 7pm - Sondt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên