MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm giấy phép con: Rút can thiệp của các bộ, ngành với nền kinh tế

Việc nghiêm cấm ban hành giấy phép con đang dần lấy lại niềm tin và mang đến các cơ hội, động lực mới để doanh nghiệp mở rộng và phát triển.

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến thời điểm khoảng 3.000 điều kiện đầu tư, kinh doanh được quy định trong các thông tư, quyết định sẽ hết hiệu lực thi hành theo Điều 7 của Luật Đầu tư 2014. Tuy nhiên, ngay cả khi thời điểm này đang cận kề thì vẫn tiếp tục ra đời những “giấy phép con, cháu”. Điều này không chỉ đi ngược chiều cải cách của các bộ, ngành khi kết thúc việc rà soát các giấy phép con trước ngày 30/5, mà còn trở thành gánh nặng rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi là bước cải cách đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, trong đó, hạn chế tối đa giấy phép con là một trong những mục tiêu mà Chính phủ hướng tới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn tồn tại và phát sinh mới giấy phép con. Theo Luật Đầu tư, chỉ có 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện có tới 6.475 điều kiện kinh doanh, trong đó 3.299 điều kiện được quy định tại các văn bản ban hành không đúng thẩm quyền.

Còn theo thống kê mới đây của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), hiện có tới 7.000 giấy phép con đang “hành” doanh nghiệp và một nửa trong số đó không còn căn cứ pháp lý để tồn tại. Đặc biệt, trong những điều kiện kinh doanh này, nhiều quy định dù đã được bãi bỏ, song lại được khôi phục với mức độ phức tạp và khó khăn hơn.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM nêu thực tế: Tâm lý bộ ngành luôn luôn muốn quản lý, quản lý không được lại đẻ ra một số điều kiện kinh doanh để hạn chế. “Vì vậy mà bộ nào cũng có rất nhiều giấy phép con, sau “giấy phép con” tới “giấy phép cháu”, rồi dưới dưới nữa, rất nhiều giấy phép, khiến cho doanh nghiệp đi vào môi trường kinh doanh mới, nhìn luật thì thông thoáng, nhưng càng xuống dưới thì càng rối”, ông Hưng cho biết.

Thực tế này tiếp tục đặt ra yêu cầu, phải nhanh chóng dẹp bỏ cả "rừng" giấy phép con, để tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, lành mạnh và an toàn hơn cho doanh nghiệp. Theo Luật Đầu tư 2014, các quy định về đăng ký kinh doanh do các bộ, UBND các cấp sẽ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Đồng thời, các quy định về đăng ký kinh doanh do các bộ, UBND các cấp ban hành sau ngày 1/7/2015 đương nhiên không có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, việc soạn thảo các văn bản có liên quan về điều kiện kinh doanh thay thế thông tư, quyết định của các bộ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 vẫn triển khai chậm chạp, gây khó khăn cho việc áp dụng luật.

Ông Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty TNHH Luật Hoàng Sa cho rằng, hoạt động của tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cần phải tích cực hơn, theo dõi sát sao công việc áp dụng Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư của các cơ quan cấp dưới, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành liên quan, nếu trong trường hợp phát hiện thấy bất cập gì mà trái với Luật thì cần có kiến nghị Chính phủ cũng như các bộ, ngành đấy để chỉnh sửa, sửa đổi một cách hợp lý, nhanh chóng, kịp thời để đáp ứng kỳ vọng của các doanh nghiệp để các doanh nghiệp được tự tin, an tâm hơn trong kinh doanh.

Để phá bỏ hệ thống “giấy phép con” đã ban hành, ngăn chặn việc ban hành thêm các “giấy phép con, cháu”, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tập hợp, rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc; đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính; loại bỏ giấy phép con không phù hợp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển.

Để dẹp “nạn giấy phép con”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần gắn việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, những quyết tâm ở cấp trung ương phải được lan tỏa tới tất cả các cấp địa phương. Trách nhiệm người đứng đầu được nhấn mạnh là chìa khóa để tháo bỏ những lưỡng lự, băn khoăn, đặc biệt là thói quen trong thực thi công vụ của công chức.

“Cần những biện pháp mạnh hơn, đặt ra chỉ tiêu cụ thể giống như xây dựng Nghị quyết 19 đặt ra chỉ tiêu cải cách, cắt giảm thời gian, cắt giảm chi phí. Cần gắn trách nhiệm với Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm cuối cùng; gắn với các chỉ tiêu cụ thể trong việc cắt giảm chi phí, thời gian cũng như cắt giảm những điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc không hợp lý. Như vậy sẽ cụ thể hơn và khiến các bộ, ngành không thể không thực hiện được”, ông Hiếu cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, giảm bớt giấy phép con đồng nghĩa với việc giảm dần sự can thiệp của các Bộ, ngành đối với nền kinh tế Việt Nam. Với những chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, kiên quyết bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới nào, nhất là giấy phép con, trái quy định pháp luật… đang dần lấy lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, mang đến các cơ hội, lòng tin và động lực mới để doanh nghiệp mở rộng và phát triển kinh doanh, đưa nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững./.

Theo Cẩm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên