MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lãi suất cần điều kiện nào?

18-12-2017 - 11:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngoài tác động từ cung - cầu vốn trên thị trường, lãi suất còn chịu tác động của diễn biến kinh tế vĩ mô.

Lãi suất của Việt Nam ở mức trung bình thấp

Cố gắng kiểm soát lãi suất ở mức phù hợp là một trong những nhiệm vụ mà NHNN đã đạt được trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, trong năm 2017, bên cạnh việc NHNN giảm một số lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay, bản thân các NHTM cũng có các chính sách giảm lãi suất riêng.

 Để giảm hơn nữa lãi suất cho vay cần có các giải pháp giảm lãi suất huy động

Để giảm hơn nữa lãi suất cho vay cần có các giải pháp giảm lãi suất huy động

“NHNN đã điều hành chính sách lãi suất theo hướng giảm dần phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ ngoại hối để hỗ trợ cho khách hàng vay vốn. Thực tế thời gian qua hệ thống ngân hàng đã và đang tích cực hỗ trợ giảm chi phí vốn vay cho DN và nền kinh tế thông qua các giải pháp căn bản”, một chuyên gia tài chính - ngân hàng nhìn nhận.

Đơn cử, như trong tháng 7/2017 NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, nhờ đó đã hỗ trợ các TCTD giảm chi phí vốn vay, giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn cho các khách hàng thuộc 5 nhóm đối tượng ưu tiên. Do đó, hiện mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD đang khá hợp lý, phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9-11%/năm. Đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có mức tín nhiệm cao lãi suất cho vay ngắn hạn được các TCTD cho vay chỉ trong khoảng 4-5%/năm.

Nếu so với các nước châu Á khác có trình độ phát triển tương đồng như Mông Cổ, Bangladesh, Indonesia, Myanmar, thì lãi suất Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và website ngân hàng trung ương các nước, lãi suất cho vay của các nước ASEAN-4 như Thái Lan là từ 6,9% đến 7,7%/năm, Singapore 5,3%/năm, Malaysia 4,5%/năm, Philippines 5,6%/năm, Indonesia 12,03%/năm, Bangladesh 12,43%/năm, Mông Cổ 19,3%/năm, Myanmar từ 11,25% đến 12,5%/năm. Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm vẫn ở mức tương đối hợp lý so với nhiều nước trong khu vực; chỉ cao hơn 1%/năm so với các nước phát triển nhất ASEAN.

Lãi suất cho vay phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Việc giảm mặt bằng lãi suất về mức cạnh tranh so với các nước trong khu vực và ngoài khu vực là điều các DN và người vay vốn đều mong đợi. Tuy nhiên, khả năng giảm lãi suất cho vay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lãi suất huy động, nhu cầu tín dụng, khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế và các điều kiện kinh tế vĩ mô khác.

Lãi suất huy động của Việt Nam trong năm 2017 hầu như không giảm, còn nếu tính chung từ năm 2011 đến nay, lãi suất huy động giảm được 7-10%/năm trong khi lãi suất cho vay giảm nhanh và mạnh hơn được 11-14%/năm. Lãi suất cho vay giảm khá nhiều đã làm tỷ lệ thu nhập lãi cận biên NIM của các NHTM giảm xuống mức thấp khoảng 2,69% trong năm 2016, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực như: Thái Lan (3,07%), Indonesia (5,82%), Philippines (3,58%). Theo khuyến cáo của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới thì để hệ thống các TCTD phát triển lành mạnh, hệ số NIM phải đạt ít nhất là 3,5%. Như vậy để giảm hơn nữa lãi suất cho vay cần có các giải pháp giảm lãi suất huy động.

Song, lãi suất huy động phụ thuộc vào cung và cầu vốn của nền kinh tế: nếu cầu vốn cao và khả năng cung ứng vốn có hạn thì lãi suất huy động tăng và ngược lại. Tỷ trọng tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức khá cao, ước khoảng 130% trong năm 2017 và tỷ trọng này sẽ còn tăng trong những năm tới vì nhu cầu vốn tín dụng tăng cao một phần để bù đắp các nhu cầu vốn mà thị trường vốn chưa đáp ứng được.

Khả năng huy động vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh còn phụ thuộc vào mức độ tiết kiệm của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo số liệu của WB, tỷ lệ tiết kiệm trên GDP của các nước ASEAN-4 ở mức cao hơn hẳn Việt Nam (bình quân giai đoạn 2013-2016): Singapore tỷ lệ tiết kiệm khoảng 46,3% GDP, đầu tư khoảng 27,7% GDP; con số này ở Philippines là 44,5% GDP và 21,3% GDP; Malaysia tỷ lệ tiết kiệm khoảng 28,7% GDP, đầu tư khoảng 25,5% GDP; trong khi của Việt Nam tỷ lệ tiết kiệm khoảng 26,7% GDP, đầu tư khoảng 26,9% GDP. Chính vì tỷ lệ tiết kiệm thấp làm ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của nền kinh tế trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế đang ở mức cao và liên tục gia tăng. Điều này làm cho lãi suất huy động khó giảm.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất ngoài việc chịu tác động trực tiếp của quan hệ cung, cầu vốn trên thị trường tiền tệ, còn chịu tác động của diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát. Một số nước trong khu vực có mặt bằng lãi suất nói chung, trong đó có lãi suất cho vay thấp vì: Lạm phát được duy trì ở mức thấp hơn 4%; bội chi NSNN thấp 5%; Thị trường vốn phát triển, DN ít phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Trong khi, tại Việt Nam, những điều kiện trên đều bất lợi hơn so với các nước như: lạm phát còn cao, thị trường vốn kém phát triển, bội chi NSNN cao hơn. Việc bù đắp bội chi NSNN thông qua phát hành TPCP trong nước cũng hạn chế khả năng giảm lãi suất đầu vào.

“Việc đặt vấn đề giảm mặt bằng lãi suất về tương đương các nước ASEAN-4 là đúng hướng nhưng cần có thời gian để “xoá nhòa” dần những khác biệt giữa Việt Nam với các nước này. Hiện tại, lãi suất cho vay của Việt Nam dù cao hơn các nước ASEAN-4 nhưng phù hợp với điều kiện hiện tại của nền kinh tế Việt Nam”, một chuyên gia phân tích.

Về phía mình NHNN cho biết, trong thời gian tới, trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ ngoại hối, tiếp tục kiên trì triển khai các giải pháp cơ bản nêu trên theo hướng tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện vĩ mô, tiền tệ, góp phần hỗ trợ DN, đồng thời sẵn sàng cung ứng vốn cho các TCTD thông qua các công cụ chính sách tiền tệ.

NHNN kiến nghị Bộ Tài chính có các giải pháp đa dạng hóa các nhà đầu tư nắm giữ TPCP, không chỉ dựa vào TCTD như hiện nay. Chỉ đạo TCTD chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản và sử dụng vốn có hiệu quả; thực hiện quản trị hoạt động kinh doanh chặt chẽ, đồng thời quyết liệt thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội để triển khai công tác thu hồi nợ xấu qua đó nâng cao được năng lực tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh từ đó có cơ sở vững chắc giảm lãi suất cho vay.

Theo Đức Nghiêm

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên