MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lãi suất cho vay: Vẫn tiếp tục...phấn đấu

03-01-2017 - 08:27 AM | Tài chính - ngân hàng

Năm 2016, mục tiêu giảm lãi suất đã được nhắc đến nhiều lần, và kế hoạch cho năm 2017, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết vẫn tiếp tục... phấn đấu.

Báo cáo tham luận tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương cuối năm 2016, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong điều hành lạm phát, điều hành giá;... đã góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Về điều hành lãi suất, cả mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay được quản lý ổn định,... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức độ hợp lý.

Về thị trường ngoại tệ, trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động, rung lắc mạnh, chúng ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, không làm thị trường biến động mạnh. Đồng Việt Nam mất giá chỉ khoảng 1%, thanh khoản được đảm bảo.

Về tăng trưởng tín dụng, năm 2016 đạt khoảng 18,5% đảm bảo mục tiêu đề ra. Tăng trưởng dàn đều trong các tháng, cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Chất lượng tín dụng được nâng lên. Rủi ro được nhận diện và có biện pháp bảo đảm an toàn...

Tuy nhiên, Thống đốc cũng thừa nhận rằng vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới; chính sách tiền tệ của một số nước lớn... đặt ra nhiều thách thức trong điều hành tiền tệ, tỷ giá trong năm 2017.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến, năm 2017 phải điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát các cân đối vĩ mô, tiền tệ; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung, dài hạn; kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý bảo đảm an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; tập trung tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ...

Như vậy, trong số các mục tiêu chính đề ra, vấn đề giảm lãi suất tiếp tục được NHNN đề cập ở mức độ..."phấn đấu". Việc "phấn đấu giảm lãi suất trung, dài hạn" không phải lần đầu được đưa ra mà đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong năm 2016, đã đi vào quyết nghị của Chính phủ, tuy nhiên ngành ngân hàng vẫn chưa thể thực hiện được đồng bộ. Tại thời điểm cuối năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn với các lĩnh vực ưu tiên vẫn ở mức 9 - 10% và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường là 9,3 - 11%/năm.

Một chuyên gia nhận xét, kế hoạch giảm lãi suất cho vay trong năm 2017 là khó thực hiện do áp lực lạm phát và những tác động kinh tế toàn cầu, đặc biệt từ Mỹ khi nước này có kế hoạch nâng lãi suất đồng USD tới 3 lần. Hơn nữa, lãi suất cho vay sẽ khó thực hiện khi mà các ngân hàng vẫn cứ đẩy lãi suất huy động đầu vào cho các kỳ hạn dài lên cao.

"Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, làm ăn phải có lãi cho nên họ phải tính toán để mức chênh lệch đầu vào và đầu ra đạt ít nhất 2% mới có thể đảm bảo được hoạt động và phòng ngừa rủi ro. Sẽ không có vị giám đốc nào dám quyết cho vay dưới giá vốn, nên việc hạ lãi suất sẽ được cân nhắc rất kỹ lưỡng", vị này nhận xét.

Và ông cho rằng nếu chính sách tiền tệ được chủ động như thời gian qua, NHNN có thể ổn định, không tăng lãi suất đã là thành công rồi chứ đừng nói đến việc hạ lãi suất.

Nhưng vị này cũng để ngỏ khả năng hạ lãi suất sẽ trở thành hiện thực trong phạm vi hẹp của các ngân hàng lớn hoặc khách hàng rất tốt.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên