MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lãi vay, giữ huy động: Nỗ lực lớn của ngân hàng

21-07-2017 - 10:47 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đã được các NHTM áp dụng ngay từ 10/7 nhưng không điều chỉnh LSHĐ. Theo đánh giá của đa số các chuyên gia trong bối cảnh hiện nay quyết sách này hợp lý.

Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên và giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành bắt đầu từ ngày 10/7. Các chuyên gia đều cho rằng việc giảm lãi suất cho vay là nỗ lực rất lớn của ngân hàng. Việc NHNN giảm lãi suất điều hành giúp các NHTM có thể tiếp cận được nguồn vốn với chi phí rẻ hơn, tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất cho vay trên thị trường, hỗ trợ thêm cho DN dù còn khiêm tốn.


Nếu đẩy lãi suất xuống quá sâu sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát

Nếu đẩy lãi suất xuống quá sâu sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát

Ngay sau thông điệp của NHNN, hàng loạt các NHTM đã thông báo giảm lãi suất cho vay. VPBank là một trong những NH đầu tiên công bố giảm 1%/năm lãi vay đối với DNNVV. Lãi suất cho vay ngắn hạn với các DNNVV điều chỉnh giảm từ 0,5-1%/năm tuỳ lĩnh vực ngành nghề thời gian quan hệ tín dụng, chất lượng thanh toán nợ... Eximbank giảm xuống tối đa còn 6,5%/năm. Đây cũng là mức được SHB áp dụng với các khoản vay ngắn hạn VND cho khách hàng thuộc nhóm đối tượng ưu tiên trong Thông tư 39 của NHNN.

Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho rằng, trên thực tế hiện nhiều DN, đặc biệt là nhóm DNNVV vẫn phải cân nhắc rất nhiều khi muốn vay vốn mở rộng đầu tư, kinh doanh. “Bởi vậy, quyết định giảm lãi suất của NH sẽ giúp cho các khách hàng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, biến những dự án còn trên giấy thành cơ hội tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai”. Các ông lớn như BIDV, VietinBank, Vietcombank cũng đã có những thông báo giảm lãi suất ngay sau chỉ đạo của NHNN.

Việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đã được các NHTM áp dụng ngay từ 10/7 nhưng không điều chỉnh LSHĐ. Theo đánh giá của đa số các chuyên gia trong bối cảnh hiện nay quyết sách này hợp lý. Bởi nếu điều kiện thị trường tài chính hiện tại không thuận lợi cho việc giảm LSHĐ. Ngoại trừ những NH lớn, có mạng lưới rộng khắp, thương hiệu lớn thì ngay cả khi LSHĐ có giảm đôi chút họ vẫn hút được khách hàng. Nhưng với những NHTMCP nhỏ việc giảm LSHĐ sẽ lập tức khiến huy động vốn khó khăn hơn.

Cảnh giác với thanh khoản

Thực tế, NH nào cũng muốn có lời để có tiền trả cổ tức cho cổ đông, tạo ra hình ảnh đẹp trên các báo cáo tài chính, nên cố gắng đẩy tín dụng ra. Ngay từ đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với huy động. Nhưng LSHĐ không tăng trưởng nhanh bằng tín dụng chắc chắn sẽ tạo ra vấn đề thanh khoản. Theo số liệu NHNN đưa ra, đến hết tháng 6/2017, tín dụng với nền kinh tế tăng 9,06% trong khi tăng trưởng huy động khoảng 5,89% so với cuối năm 2016. “Từ nay tới cuối năm nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì các nhà băng hạng trung và nhỏ sẽ gặp khó khăn với thanh khoản”- một chuyên gia cảnh báo.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng đang trong xu hướng tăng, bất động sản vẫn “sốt” ở một vài phân khúc... “Nếu giảm LSHĐ ở thời điểm này là không khả thi, vì rất dễ khiến cho dòng tiền chảy sang các lĩnh vực đầu tư khác thay vì gửi tiết kiệm. Và như thế thì việc giảm lãi vay hoặc duy trì lãi suất ở mức thấp không làm được”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Chung quan điểm nhưng có nhìn nhận lạc quan hơn, theo chia sẻ của TS. LS Bùi Quang Tín, nếu như lạm phát và tỷ giá tiếp tục ổn định, nằm trong tầm kiểm soát của nhà điều hành thì các NH càng có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng nguồn tiền gửi VND. Theo quan sát của chuyên gia này, lãi suất huy động trên thị trường 1 của 4 NHTMNN vẫn duy trì ổn định ở mức thấp kể từ tháng 9 đến nay, dù vậy huy động vốn vẫn có sự tăng trưởng. Trong báo cáo tài chính quý I/2017 được công bố, tiền gửi khách hàng của BIDV tăng 5%, VietinBank tăng 1,8%, Vietcombank tăng 3,2%.

“Việc ba NH này duy trì lãi suất ổn định ở mức thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường là rất quan trọng. Vì nguồn tiền gửi từ khách hàng ở những NH này khi đó có thể chảy sang những NH nhỏ với lãi suất cao hơn một chút. Do đó giúp các NH nhỏ đảm bảo được thanh khoản mà không cần tăng lãi suất lên cao hơn nữa. Thực tế thời gian qua cho thấy lãi suất của các NHTMNN gần như là chỉ số tham chiếu được sử dụng để định hướng lãi suất thị trường”, TS. Tín bàn luận.

Một chuyên gia kinh tế cũng nhận thấy ngay cả vàng và USD hiện tại khá ổn định, nhưng về tương lai thì rất khó nói trước. Với những chuyển biến khó lường trên thế giới từ nay tới cuối năm, việc Fed tăng lãi suất, cộng với vấn đề nhập siêu của Việt Nam... sẽ gây áp lực cho tỷ giá. Hiện tại tỷ giá đang tương đối ổn định, nhưng sự ổn định này cũng khiến cho các nhà đầu cơ duy trì suy nghĩ là điều này có thể chỉ diễn ra tạm thời. Để NH cạnh tranh về vốn với các lĩnh vực đầu tư khác thì câu chuyện giảm LSHĐ là rất khó.

Tuy nhiên hiện có một yếu tố hỗ trợ cho lãi suất ổn định là lượng trái phiếu Chính phủ phát hành trong những tháng cuối năm cũng chỉ còn hơn 30% kế hoạch. Bên cạnh đó Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Từ nay tới cuối năm, việc xử lý nợ xấu sẽ có tiến triển tốt hơn, tăng thêm nguồn lực cho các NHTM. Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc một NHTMCP cũng chia sẻ, hầu hết các NH đều rất cố gắng để giảm chi phí chỗ này chỗ khác, như chi phí hoạt động, chi phí dự phòng... nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế là điều kiện vô cùng khó khăn.

Với NHNN, một trong những tiêu chí quan trọng luôn phải kiên trì theo đuổi là giữ ổn định tiền đồng. Nếu tìm cách đẩy lãi suất xuống quá sâu, đồng nghĩa với việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ gây bất lợi cho việc ổn định tiền đồng và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Chủ trương giảm lãi suất cho vay giúp hỗ trợ cho các DN, đặc biệt là DN hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên là điều đúng đắn. Nhưng giảm thêm nữa thì không nên. Và “nếu không giảm được thêm đầu vào, thì chớ thắt đầu ra” – một chuyên gia nêu ý kiến.

Theo Khuê Nguyễn

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên