MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lương hưu của lao động nữ: Hồi hộp đợi chờ!

06-11-2017 - 14:59 PM | Xã hội

Nếu Quốc hội ban hành Nghị quyết tạm dừng thực hiện khoản 2, điều 56 và khoản 2, điều 74 Luật BHXH ngay trong kỳ họp này thì niềm tin của người lao động sẽ trở lại.

Thông tin dồn dập trên báo chí vừa qua về những bất hợp lý trong quy định giảm lương hưu của lao động nữ từ 1-1-2018 khiến không khí trong công ty tôi sôi nổi hơn bao giờ hết. Mọi người bàn tán và nghe ngóng. Cho đến khi lần lượt thấy Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội lên tiếng thừa nhận "giảm lương hưu từ 1-1-2018 là không công bằng với lao động nữ", Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói "Bộ LĐ-TB-XH chịu trách nhiệm tham mưu, đề xuất các phương án sửa đổi những bất hợp lý này; trong đó có phương án tạm dừng thực hiện khoản 2, điều 56 Luật BHXH đến năm 2022" thì nỗi lo lắng như được đặt sang một bên.

Cuối cùng, ngày 3-11, khi Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam có văn bản chính thức gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề nghị ngay trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV có Nghị quyết tạm dừng thực hiện khoản 2, điều 56 và khoản 2, điều 74 Luật BHXH thì niềm tin của người lao động (NLĐ) đã trở lại. Tuy vậy tất cả đều đang trong tâm trạng hồi hộp đợi chờ.

"Nếu điều đó xảy ra thì sẽ là tin vui nhất cho NLĐ nói chung và lao động nữ nói riêng trong năm 2017. Mong rằng một nghị quyết như thế sẽ sớm được ban hành". Giám đốc công ty của tôi, cũng là một phụ nữ, đã phấn chấn nói như vậy. Tuy nhiên bà cũng nói thêm là cách làm này "chưa hay lắm bởi nó cho thấy sự bị động của tất cả chúng ta, từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội cho đến từng NLĐ".

Nói bị động là bởi khi thông qua điều luật này, các đại biểu Quốc hội đã không có đầy đủ thông tin về tình hình đóng BHXH và hưởng lương hưu của NLĐ, đặc biệt là lao động nữ và lao động khu vực ngoài nhà nước. Còn NLĐ thì chỉ được biết tới chính sách khi sự thiệt thòi đã ở ở ngay trước mắt mình.

Trước 1-1-1995, khu vực ngoài nhà nước, việc thực hiện BHXH bắt buộc chỉ dừng lại ở mức thí điểm nên số NLĐ tham gia không nhiều. Một số người có tham gia với mức đóng cao là do từ doanh nghiệp nhà nước chuyển sang liên doanh với nước ngoài và tiếp tục tham gia BHXH.

Sau 1995, khi Bộ Luật Lao động (BLLĐ) có hiệu lực thì chính sách BHXH mới áp dụng đại trà cho DN khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên những NLĐ trong các doanh nghiệp dưới 10 lao động cũng bị rơi khỏi chính sách, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Phải đến năm 2002, khi sửa đổi BLLĐ thì mới có quy định tất cả NLĐ làm việc với hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Như vậy, đối với nhiều NLĐ ở khu vực ngoài nhà nước, thời gian tham gia vào chính sách BHXH bị kéo lùi đến sau năm 2002. Và như vậy, đến nay số NLĐ ở khu vực này tham gia BHXH dao động trong thời gian 15 đến dưới 20 năm sẽ chiếm đa số. Đây là nguồn mà BHXH cần "nuôi dưỡng" để họ thấy chính sách BHXH là ưu việt và tiếp tục tham gia BHXH. Nếu không, cả NLĐ và doanh nghiệp có có cách để vô hiệu hóa chính sách.

Đây là điều mà khi ban hành một chính sách mới, thay đổi cái cũ đã ổn định thì các nhà làm chính sách cần lưu tâm để không xảy ra tình trạng chính sách ban hành vì lợi ích của cơ quan thực hiện chính sách ấy chứ không phải vì lợi ích của xã hội, công đồng.

Theo Đỗ Ngọc

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên