MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm sở hữu Nhà nước, niêm yết VCB, BID và CTG ở nước ngoài

14-08-2018 - 16:56 PM | Tài chính - ngân hàng

Đây là định hướng cụ thể của Chính phủ trong chiến lược phát triển ngành ngân hàng giai đoạn tới...

Ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 986 phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam, trong đó nêu cụ thể hướng giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại ba ngân hàng lớn.

Đây là ba ngân hàng thương mại Nhà nước, gồm Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB), Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán BID) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán CTG).

Cụ thể, trong chiến lược trên giai đoạn 2018 - 2020, đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank), Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn thực hiện chuẩn mực Basel 2, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các ngân hàng thương mại Nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Ba ngân hàng trên sẽ lựa chọn cổ đông chiến lược có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị; chuẩn bị các điều kiện tiền đề, tiến tới niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Đến giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ xác định các ngân hàng thương mại Nhà nước nói trên tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đi đầu trong việc triển khai và áp dụng Basel 2 theo phương pháp nâng cao và hội nhập quốc tế.

Đáng chú ý, quyết định trên nêu rõ: đảm bảo tỷ lệ sở hữu Nhà nước ở mức 51% tại nhóm ngân hàng này, tức giảm từ mức đảm bảo tối thiểu 65% sở hữu hiện nay.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đặt lộ trình thực hiện niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng trên (VCB, BID và CTG) trên thị trường chứng khoán nước ngoài; riêng cố phiếu Agribank sau khi cổ phần hóa sẽ thực hiện niêm yết tại thị trường trong nước.

Theo Nhật Nam

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên