MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm thuế, phải giảm cả cơ chế xin cho

Thuế thu nhập DN sẽ còn 15-17%, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng ngoài giảm thuế, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, minh bạch các thủ tục để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho DN làm ăn.

Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) đối với DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp dự kiến sẽ giảm từ 20% xuống mức 15 hoặc 17%, áp dụng từ năm 2016 đến hết năm 2020.

Đây là đề xuất vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện trong dự thảo tờ trình Chính phủ một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ngoài giảm thuế, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, minh bạch các thủ tục để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho DN làm ăn.

Thuế thu nhập DN sẽ còn 15-17%

Cụ thể, Vụ chính sách thuế - Bộ Tài chính đề nghị áp dụng mức thuế 15% hoặc 17%, bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2016 đến hết năm 2020. Với cả hai phương án này, Bộ Tài chính đánh giá sẽ giảm thu ngân sách, nhưng sẽ được bù đắp từ tăng thu các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân bởi số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng vào tiêu dùng và đầu tư...

“Việc giảm mức thuế suất đối với các DN nhỏ và vừa sẽ đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực” - Bộ Tài chính khẳng định.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm thuế thu nhập với DN khởi nghiệp, những DN không thuộc đối tượng được áp dụng chính sách ưu đãi thuế.

Theo đó, có thể áp dụng thuế suất 17% đối với DN khởi nghiệp không đáp ứng điều kiện về ưu đãi thuế hiện hành hoặc áp dụng thuế suất 15% từ năm 2016 đến hết năm 2020.

Cũng theo Bộ Tài chính, Chính phủ đang đẩy mạnh và khuyến khích tổ chức, cá nhân khởi nghiệp nên xu hướng sắp tới sẽ tiếp tục hình thành thêm nhiều DN khởi nghiệp mới. Việc giảm thuế thu nhập đối với các DN này, theo Bộ Tài chính, là rất cần thiết để góp phần hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo và có tiềm năng phát triển.

Trong thực tế, chính sách thuế thu nhập DN cũng đã có nhiều quy định ưu đãi với các mức độ khác nhau dành cho DN khởi nghiệp mới thành lập như thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư mới của DN khởi nghiệp tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, khu kinh tế hoặc thuộc các lĩnh vực khuyến khích đầu tư như nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất sản phẩm phần mềm, sản xuất vật liệu composite...

“Tiêu chí xác định DN khởi nghiệp là DN thành lập mới, hoạt động dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới để tạo ra hàng hóa, dịch vụ có tính sáng tạo và ứng dụng thực tế trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, DN khởi nghiệp đáp ứng tiêu chí về doanh thu không vượt quá 20 tỉ đồng/năm” - Bộ Tài chính cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Hoài Nam, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa, đề nghị Chính phủ chọn phương án giảm thuế xuống còn 15%, bởi nếu giảm xuống 17% cũng chưa hỗ trợ nhiều cho DN.

“Dù có nhiều đóng góp lớn, nhưng nhiều DN nhỏ và vừa hiện đã có dấu hiệu đuối sức. Việc “tiếp sức” của Nhà nước qua thuế là rất quan trọng giúp DN có thể vượt lên” - ông Nam nói.

Phải giảm thủ tục, giấy phép con

Ông Tô Hoài Nam cho rằng không nên nhìn con số 450.000 DN nhỏ và vừa hiện nay, rồi lo giảm thuế sẽ thất thu.

“Cần nhìn rộng hơn. VN đang có khoảng 4 triệu hộ kinh doanh cá thể. Nếu thuế giảm, các điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, sẽ có một bộ phận không nhỏ hộ kinh doanh trong khu vực phi chính thức trên sẽ chuyển sang thành DN và chúng có thể giải quyết thêm 8,2 triệu việc làm” - ông Nam ước tính.

“Hãy coi giảm thuế 5% là chi phí cần thiết để phát triển DN nhỏ và vừa” - ông Nam đề nghị.

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp VN (VCCI), cho rằng việc giảm thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa và DN khởi nghiệp sáng tạo xuống mức 15-17% là cần thiết.

Theo ông Lộc, mức giảm thuế phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách. Trong lúc ngân sách khó khăn, việc giảm thuế đã là nỗ lực lớn của Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng cùng với việc giảm thuế, cần phải cải cách thủ tục hành chính, cải cách chi tiêu... để có thể tiếp tục hỗ trợ DN.

“Ngoài việc giảm thuế để thúc đẩy sự phát triển của DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp sáng tạo, cần nhiều giải pháp khác” - ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, cần tập trung mạnh vào cải cách thủ tục hành chính và đây chính là khâu then chốt, làm sao để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, làm khó kinh doanh thì DN mới dễ có lãi để được hưởng giảm thuế, mới dễ khởi nghiệp.

“Trước mắt, từ ngày 1-7, phải làm sao rà soát, tạo bước chuyển biến mạnh trong các điều kiện kinh doanh, làm sao giảm cơ chế xin cho, giảm giấy phép con, giảm thủ tục” - ông Lộc nói.

Đặc biệt, theo ông Lộc, cần cải cách thể chế để tạo được môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, cơ chế xin cho bị bãi bỏ, người dân được tham gia giám sát và tăng cường chính phủ điện tử... Nếu thực hiện được những yêu cầu này, tham nhũng sẽ giảm.

“Phải giảm bằng cơ chế, không phải bằng hô hào, kêu gọi. Khi nào không còn cơ chế xin cho, cơ quan chức năng không còn khả năng giải thích, hiểu quy định kiểu nào cũng được thì tự nhiên tham nhũng sẽ giảm. Giảm thuế chỉ có thể giúp DN một phần, nếu vẫn không giải quyết được tham nhũng, nhũng nhiễu thì DN vẫn khó phát triển” - ông Lộc khẳng định.

Tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn

Theo ông Tô Hoài Nam, các DN nhỏ và vừa tại VN hiện đang gặp ba khó khăn lớn và dai dẳng, đó là thủ tục hành chính, tiếp cận vốn và mặt bằng để sản xuất.

Do đó, bên cạnh giải pháp giảm thuế, ông Nam cho rằng Chính phủ cần tiếp tục có biện pháp để giúp DN nhỏ và vừa có nhiều kênh và dễ tiếp cận vốn, mặt bằng hơn, đặc biệt là giảm chi phí thời gian, tiền bạc khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo C.V.Kình - L.Thanh

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên