MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Giằng co" thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công

Dù Chính phủ đã có văn bản trình bày, song 204/423 đại biểu không tán thành phương án để Chính phủ quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương...

Trong phiên họp sáng 3/6, Quốc hội đã thể hiện chính kiến bằng hệ thống điện tử về ba nội dung còn ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Nội dung 1 về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia.

Phương án 1: Giữ như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia (10.000 tỷ đồng) và tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C.

Phương án 2: Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng và điều chỉnh mức vốn phân loại dự án nhóm A, B, C lên tương ứng gấp 2 lần mức quy định hiện hành.

Kết quả phương án 1 được 367/429 đại biểu đồng ý, 57 vị không đồng ý, 5 vị không tham gia biểu quyết. Vì thế phương án hai đương nhiên bị loại.

Đáng chú ý, nội dung về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (điều 59) không phương án nào được trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Phương án 1: Quốc hội quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Kết quả 234/424 bằng 48,35% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. 174 vị không đồng ý và 16 vị không tham gia biểu quyết.

Phương án 2: Quốc hội chỉ quyết định danh mục các dự án quan trọng quốc gia. Chính phủ quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Kết quả 206/423 đại biểu tán thành, bằng 42,56%, 204 vị không đồng ý, 13 vị không tham gia ý kiến.

Trước tình thế "giằng co" này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, sẽ tiếp tục tiếp thu giải trình nội dung này trước khi Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo luật.

Nội dung thứ ba về thời gian trình, thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn (điều 59).

Phương án 1: Chính phủ trình Quốc hội dự thảo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới tại kỳ họp cuối năm của năm thứ năm của nhiệm kỳ để Quốc hội cho ý kiến; Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới.

Phương án 2: giữ như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành, Quốc hội khóa trước quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn kế tiếp tại kỳ họp cuối năm của năm thứ năm của nhiệm kỳ.

Kết quả 65,7% tổng số đại biểu đồng ý chọn phương án 1.

Theo chương trình, ngày 13/6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Theo Nguyễn Lê

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên