MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giáo sư tại Harvard chỉ ra 4 thứ khiến bạn hạnh phúc và mãn nguyện hơn cả trúng số độc đắc!

04-06-2019 - 23:33 PM | Sống

Điều gì làm cho chúng ta hạnh phúc trong cuộc sống? Tưởng chừng như nó là một câu hỏi đơn giản, nhưng chính chúng ta vẫn luôn tự hỏi bản thân mình mỗi ngày để tìm ra câu trả lời thỏa đáng và hợp lý nhất.

Đã có một số câu trả lời về việc hạnh phúc đến từ đâu. Và một trong số những câu nói được tranh luận nhiều nhất là hạnh phúc đến từ việc bạn sở hữu rất nhiều tiền bạc. Tuy nhiên, bác sĩ Sanjiv Chopra, giáo sư y khoa tại Đại học Y Harvard, lại phản đối với nhận định này.

"Trúng xổ số trị giá 20 triệu đô la sẽ không thể giúp bạn hạnh phúc hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau một năm, những người trúng xổ số quay trở lại cuộc sống bình thường của họ. Một số thậm chí còn có chỉ số hạnh phúc ít hơn so với lúc ban đầu" - vị bác sĩ chia sẻ tại TED Talk hồi đầu năm nay. TED là một tổ chức truyền thông đại chúng chuyên đăng tải những phần nói chuyện, cho phép xem trực tuyến miễn phí, với khẩu hiệu "ideas worth spreading".

"Một vài người sẽ chi tiền của họ cho một biệt thự lớn, một chiếc xe hơi lạ mắt hoặc có những người đổ tất cả vào cờ bạc. Nhưng dù vậy, chúng vẫn chỉ là một ngôi nhà và một chiếc xe đẹp sau khi bạn đã trở nên quá quen thuộc với những đồ vật đấy rồi", Chopra - tác giả sở hữu nhiều cuốn sách viết về hạnh phúc, nói. Ông gọi hiện tượng này là sự thích nghi khoái lạc. Đó là một khái niệm đề cập đến con người, họ sẽ phải theo xu hướng chung là quay trở lại với một mức độ hạnh phúc ban đầu dù cho cuộc sống có thăng trầm. 

Trong buổi nói chuyện, Chopra đưa ra bốn điều được khoa học chứng minh sẽ khiến bạn trở nên hạnh phúc hơn:

1. Bạn bè và gia đình

Giáo sư tại Harvard chỉ ra 4 thứ khiến bạn hạnh phúc và mãn nguyện hơn cả trúng số độc đắc! - Ảnh 1.

Quan tâm gia đình và bạn bè nhiều hơn

"Phát triển một mối liên kết chặt chẽ với những người mà chúng ta tin tưởng và tâm sự với họ là điều cần thiết đối với mối quan hệ của chúng ta. Hãy chọn bạn một cách khôn ngoan và chia sẻ những điều nhỏ nhặt và tốt đẹp nhất với họ", Chopra nói.

Nhiều người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có những mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa. Thế giới đang phải hứng chịu "dịch cô đơn", cựu bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ Vivek Murthy đã viết trong một bài báo vào năm 2017 của báo Harvard Business Review: "Nếu chúng ta không thể xây dựng lại các kết nối xã hội đích thực và mạnh mẽ. Chúng ta sẽ tiếp tục bị tách ra và cô lập tại chính nơi làm việc và trong cả xã hội này".

Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng sự cô đơn và cách ly xã hội có thể gây hại cho sức khỏe giống như việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Trong khi tình bạn có thể làm giảm nguy cơ tử vong, phát triển một số bệnh và có thể tăng tốc độ phục hồi ở người mắc bệnh.

2. Lòng vị tha

Giáo sư tại Harvard chỉ ra 4 thứ khiến bạn hạnh phúc và mãn nguyện hơn cả trúng số độc đắc! - Ảnh 2.

Học cách tha thứ

"Lòng vị tha giải phóng bạn khỏi gánh nặng của sự ghét bỏ và những cảm xúc không lành mạnh khác có thể tác động tiêu cực đến chỉ số hạnh phúc của bạn", Chopra nói.

Ông đề cập đến Nelson Mandela - tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu, như một anh hùng thực thụ, người đã làm chủ "nghệ thuật vị tha". Năm 1990, khi chiến binh huyền thoại này xuất hiện sau 27 năm ở trong tù, ông đã được hỏi liệu ông có oán giận người đã bắt giữ mình không. Nelson Mandela đã trả lời rằng: "Tôi không hề cảm thấy thù hằn hay oán giận ai cả. Sự oán hận giống như uống thuốc độc và nó sẽ giết chết kẻ thù của bạn".

Bất cứ ai từng bị ngược đãi đều biết rằng sự tha thứ có thể là thử thách đối với họ. Nhưng Karen Swartz, giám đốc phòng khám tư vấn cho người trưởng thành về rối loạn tâm lí tại Bệnh viện Johns Hopkins, nói rằng đưa ra quyết định có ý thức để từ bỏ cảm giác tiêu cực đối với người khác, cho dù họ có xứng đáng hay không, có thể mang đến hạnh phúc.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tha thứ cho người khác cũng có thể làm giảm nguy cơ đau tim, cải thiện mức cholesterol và giảm huyết áp, lo lắng, trầm cảm và căng thẳng.

3. Cho đi

Giáo sư tại Harvard chỉ ra 4 thứ khiến bạn hạnh phúc và mãn nguyện hơn cả trúng số độc đắc! - Ảnh 3.

Học cách cho đi

Chopra nói rằng tham gia vào các tổ chức từ thiện và quyên góp tiền để giúp đỡ người khác là một trong những cách hoàn hảo nhất để dành thời gian và tiền bạc của bạn. Các nhà nghiên cứu thậm chí còn cho rằng những người đi tình nguyện được trải nghiệm hạnh phúc lớn hơn và có tỷ lệ tử vong thấp hơn.

Một nghiên cứu từ Đại học Chicago và Đại học Tây Bắc cho thấy rằng việc cho đi, thay vì nhận lại, dẫn đến hạnh phúc lâu dài. Trong một thử nghiệm 5 ngày, 96 người tham gia đã được tặng 5 đô la mỗi ngày, với tùy chọn chi tiêu cho bản thân hoặc cho người khác.

"Mọi người đều có chỉ số hạnh phúc ban đầu là như nhau. Những người tiêu tiền cho bản thân đã cho thấy sự suy giảm hạnh phúc đều đặn trong khoảng thời gian năm ngày. Nhưng hạnh phúc không có vẻ gì là giảm đối với những người đã đưa tiền của mình cho người khác", các nhà nghiên cứu viết.

4. Lòng biết ơn

Giáo sư tại Harvard chỉ ra 4 thứ khiến bạn hạnh phúc và mãn nguyện hơn cả trúng số độc đắc! - Ảnh 4.

Luôn biết ơn người khác

Chopra chia sẻ một câu nói hay đến khán giả: "Nếu bạn không biết ngôn ngữ của lòng biết ơn, bạn sẽ không bao giờ nói được những điều đó với sự hạnh phúc".

Rèn luyện lòng biết ơn có thể đơn giản như nói câu "Tôi rất biết ơn" ít nhất một lần một ngày. Trên thực tế, một nghiên cứu từ Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng làm như vậy có thể giúp mọi người thưởng thức những trải nghiệm tích cực, đối phó với hoàn cảnh căng thẳng và củng cố các mối quan hệ.

"Dòng chảy của hạnh phúc không phải từ những điều kiện vật chất hay bên ngoài, chẳng hạn như thú vui của cơ thể hay sự giàu có và quyền lực, mà từ việc sống một cuộc sống đúng với tâm hồn bạn", Socrates, một triết gia Hy Lạp cổ đại, người được mệnh danh là bậc thầy về truy vấn nói.

"Dành thời gian để suy nghĩ về những gì bạn biết ơn vì đã giúp bạn nhận thức rõ hơn về những điều tích cực trong cuộc sống của bạn. Điều đó sẽ làm cho bạn bớt tiêu cực hơn", Chopra nói.

Nguyễn Nguyễn

CNBC

Trở lên trên