MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ vướng để thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển cơ sở hạ tầng

24-02-2017 - 08:17 AM | Bất động sản

Khi vốn ngân sách Nhà nước hạn hẹp, để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công thì PPP là xu thế tất yếu.

Sáng 23/2, tại Hà Nội, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 về quy định chi tiết một số Điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Hội thảo nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai dự án PPP cũng như xử lý những nội dung còn chưa thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan…; hoàn thiện các quy định của PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hướng tiếp thu các bài học từ thực tiễn triển khai; đồng thời, đảm bảo sự phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Cục phó Cục Quản lý Đấu thầu cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị định 15 và Nghị định 30, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị định. Các dự án PPP 2 năm qua chủ yếu trong giai đoạn chuyển tiếp giữa 2 khung pháp lý (trước đây là Nghị định 108/2009/NĐ-CP).

Những dự án thực hiện theo khung pháp lý mới hầu hết đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án – lập đề xuất, báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư. Các dự án đầu tư có sử dụng đất cũng đang dần được triển khai rộng rãi.

Tuy nhiên, khi vốn ngân sách Nhà nước hạn hẹp, để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công thì PPP là xu thế tất yếu. Giai đoạn năm 2016 - 2020 có 598 dự án PPP được đăng ký trong kế hoạch đầu tư công trung hạn với tổng vốn đầu tư khoảng 250.000 tỷ đồng.

Quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất cũng góp phần tăng nguồn thu ngân sách khi giao cho nhà đầu tư thực hiện tại những khu đất có giá trị thương mại cao.

Theo ông Trịnh Việt Dũng, Chánh Văn phòng Cục Quản lý đấu thầu, trong quá trình triển khai, các Bộ, ngành, địa phương đã phản ánh một số vướng mắc liên quan đến quy định của Nghị định 15 và 30. Những bất cập, khó khăn là bị điều chỉnh bởi nhiều luật trong quá trình thực hiện; một số quy định chưa phù hợp; chồng lấn với xã hội hóa.

Bên cạnh đó, năng lực cán bộ thực hiện còn yếu kém, vốn ngân sách hạn hẹp, nguồn tín dụng thương mại có thời hạn ngắn hoặc đòi hỏi các cơ chế bảo lãnh.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng nêu lên những vướng mắc như trường hợp Nhà nước vẫn giao các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp công ích thực hiện cung cấp dịch vụ công mà Nhà nước phải đảm bảo (thông qua các cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ) thì các đơn vị này có được coi là một bên ký kết hợp đồng với đối tác tư nhân được lựa chọn hay không.

Quỹ đất giá trị thương mại cao ngày càng hạn chế nên một số địa phương đề nghị bổ sung phương thức thanh toán khác như: nhượng quyền khai thác quảng caó, tạo điều kiện kinh doanh các công năng bổ sung của công trình, cho phép khai thác thương mại các công trình/dự án khác. Trên thực tế, nhiều dự án do Nhà đầu tư đề xuất vẫn cần vốn đầu tư của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi.

Trong khi Nghị định 15 chưa có quy định về chế tài xử lý vi phạm trong quá trình triển khai dự án PPP nên chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp như nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu không đúng tiến độ, nhà đầu tư chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án quá sớm... dẫn tới việc triển khai dự án không hiệu quả... - một số đại biểu nêu ý kiến.

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ đối tác công tư, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, vay vốn huy động trong nước của các nhà thầu hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý cho các nhà thầu được vay tín dụng dài hạn nước ngoài; trong quá trình duyệt báo cáo tiền khả thi, các cơ quan xét duyệt chỉ cần xem xét đánh giá sơ bộ về tác động đánh giá môi trường của dự án - ông Tuấn Anh kiến nghị.

Các đại biểu còn tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan đến quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất; quy trình, thủ tục thực hiện; lĩnh vực, loại hợp đồng; nguồn vốn hỗ trợ thực hiện dự án; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; tiêu chí và hình thức lựa chọn nhà đầu tư; sự tương thích giữa các quy trình chấp thuận chủ trương, đấu thầu hay đấu giá...

Theo Thúy Hiền

Bnews/ TTXVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên