MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ vướng mắc tại các dự án BOT giao thông

Nhiều dự án BOT sau khi hoàn thành vẫn chưa được thu phí hoặc không thể thu phí do những tác động từ cơ chế, chính sách, quy hoạch

Trong những năm qua, Bộ GTVT đã triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đường sá theo hình thức BOT, tức nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư dự án rồi được quyền khai thác dự án. Sau khi kết thúc hợp đồng sẽ chuyển giao lại công trình cho nhà nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án BOT sau khi hoàn thành vẫn chưa được thu phí hoặc không thể thu phí, do những tác động từ cơ chế, chính sách, quy hoạch. Khi đó làm thế nào để cân bằng lợi ích cho các bên và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư?

Tại dự án BOT đầu tư cải tạo nâng cấp quốc lộ 38 đoạn nối quốc lộ 1 với quốc lộ 5, dự án đi qua địa phận Hải Dương và Bắc Ninh với chiều dài 33km, mặc dù có những biển báo cấm nhưng vẫn có nhiều xe vi phạm. Trong số phương tiện vi phạm lưu thông vào đường cấm để tránh trạm có nhiều xe vượt quá tải trọng. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nay

Ông Phạm Công Hay - Trạm phó trạm thu phí BOT quốc lộ 38 cho biết: "Điều này tạo ra sự không công bằng vì nhà đầu tư đã bỏ vốn ra để làm đường đẹp hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên, nhiều phương tiện vẫn tiếp tục lưu thông rất dài trên tuyến nhưng lại cố tình đi vào đê để tránh trạm".

Gỡ vướng mắc tại các dự án BOT giao thông - Ảnh 1.

Theo nhiều chủ đầu tư nằm trong nhóm các dự án BOT cần phải xử lý, nguyên nhân chính vẫn nằm ở nhóm cơ chế, chính sách, quy hoạch khiến nhiều dự án bị phá vỡ phương án tài chính.

"Vì phần vốn của nhà nước chưa tham gia đầy đủ, vì giá vé chưa được tăng theo hợp đồng dẫn đến nguồn thu thấp. Chính vì thế đánh giá của ngân hàng đối với dự án là rủi ro", ông Ngọ Trường Nam - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết.

Hiện tại Bộ GTVT đề xuất lựa chọn 8 dự án BOT có bất cập để đề xuất xử lý.

"Chúng ta giảm bớt thiệt hại cho các bên, nhà nước cũng có phần lợi đó là tăng nguồn thu và ngân hàng cũng giảm bớt nợ xấu", ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính- tiền tệ Quốc gia đánh giá.

Theo Bộ GTVT, nhu cầu vốn triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 400.000 tỷ đồng, trong đó sẽ huy động khoảng150.000 tỷ đồng ngoài ngân sách cho các dự án này. Vì vậy, kết quả từ việc xử lý các dự án BOT giai đoạn trước sẽ góp phần tạo niềm cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án tương lai theo hình thức PPP.

Theo Ban Thời sự

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên