MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn: UPCoM hậu MTM, vứt sâu nhưng đừng đập nồi canh

Ảnh hưởng lớn hơn của tâm lý tẩy chay thị trường đang tác động đến tất cả các doanh nghiệp đăng ký giao dịch...

Những thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc Công ty cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (mã chứng khoán MTM) đã xác nhận tính chất lừa đảo: Chủ tịch Hội đồng Quản trị bị tạm giam, nguyên Trưởng ban Kiểm soát bị truy nã.

Phạm tội thì sẽ bị trừng phạt và trả giá, nhưng còn một thứ khó lòng trả được, đó là niềm tin của nhà đầu tư. MTM chỉ là một vụ việc có yếu tố lừa đảo ngay từ đầu, nhưng ảnh hưởng rộng lớn đến cả trăm công ty khác đang hoạt động bình thường và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Tâm lý tẩy chay

Ngay sau khi tạm ngừng giao dịch cổ phiếu MTM ngày 20/6/2016, giới đầu tư bắt đầu thận trọng với tất cả các cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn này.

Trước đó, sàn UPCoM đã có một đợt tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí được ví như một kênh đầu tư mới hấp dẫn hơn cả hai sàn niêm yết nhờ biên độ giá rất rộng rãi và cách thức giao dịch thuận tiện không khác gì sàn niêm yết. Khi mối lo ngại lên cao, nhà đầu tư lập tức phản ứng ngược với mức độ mạnh không kém.

Cụ thể, từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 3/2016, UPCoM-Index đã tăng trưởng 38,84% trong khi VN-Index chỉ tăng trưởng hơn 8%. Sau khi MTM dừng giao dịch ngày 20/6, chỉ số này giảm khoảng 8% cho tới đầu tháng 8.

Đáng ngại hơn là trong thời kỳ này, chỉ số UPCoM Premium Index lại giảm trên 10%, trong khi bảng UPCoM Premium được xem là nơi tập hợp các doanh nghiệp chất lượng hơn ở sàn này và có một mức độ giám sát cao hơn.

Quy mô thanh khoản của UPCoM cũng có sự thay đổi lớn: Từ đầu tháng 4/2016 đến thời điểm có thông báo MTM bị dừng giao dịch (ngày 17/6), khối lượng giao dịch trung bình mỗi ngày khoảng 9,71 triệu cổ phiếu.

Từ ngày 20/6 (MTM chính thức bị dừng giao dịch) đến 19/9, khối lượng giảm xuống chỉ còn trung bình 5,98 triệu cổ phiếu. Như vậy khối lượng giao dịch giảm tới trêm 38%. Giá trị giao dịch tương ứng cũng sụt giảm khoảng 19%.

Trong cùng thời gian nói trên, thị trường niêm yết vẫn vận động bình thường, thậm chí là tăng trưởng tốt. Các thị trường có tính liên thông và có thể hút tiền qua lại lẫn nhau, hoặc “gu” đầu tư của thị trường thay đổi.

Tuy nhiên không thể phủ nhận được rằng hiện tượng tẩy chay sàn UPCoM sau vụ MTM là rất cao, thậm chí bất kỳ doanh nghiệp nào ở sàn này cũng có thể bị soi xét với con mắt khắt khe, điều mà 5 tháng trước không ai nghĩ tới và ai cũng hài lòng với mức tăng trưởng gấp gần 5 lần sàn niêm yết.

Những thiệt hại đối với MTM là không nhỏ, nhưng ít nhất cũng chỉ bó hẹp ở một doanh nghiệp với các cổ đông của nó. Ảnh hưởng lớn hơn của tâm lý tẩy chay thị trường đang tác động đến tất cả các doanh nghiệp đăng ký giao dịch, bất kể là doanh nghiệp đó thực sự bình thường, làm ăn đàng hoàng.

Lấy lại niềm tin

Từ vụ việc MTM và sự suy yếu của thị trường UPCoM cho thấy khi tâm lý tẩy chay đã hình thành, một con sâu trong nồi canh thì có thể cả nồi canh đó cũng chẳng ra gì. Đó là một sự suy diễn cảm tính thông thường.

Để lấy lại niềm tin, không chỉ đơn giản là chờ đợi sự nguôi ngoai của nhà đầu tư. Đó phải là công việc cả từ sở giao dịch lẫn từ doanh nghiệp.

Làm thế nào để không tái diễn những MTM nữa là câu hỏi được giới đầu tư quan tâm nhất. Việc thắt chặt hơn các tiêu chuẩn đăng ký giao dịch dường như không phải là giải pháp.

Đơn giản vì điều này đi ngược lại tiêu chí thiết kế sàn UPCoM từ ban đầu, khi cố gắng tạo ra một nơi để những nhà đầu tư cần giao dịch có chỗ giao dịch đảm bảo hơn về tính minh bạch nhằm thay thế thị trường OTC nơi các giao dịch chỉ diễn ra tù mù, không có giá tham chiếu, không có thông tin về khối lượng cũng như không tiếp cận được các báo cáo cần thiết từ doanh nghiệp.

Nâng cao hơn tiêu chuẩn nghĩa là tiến gần tới thị trường niêm yết và nghĩa là loại ra hàng ngàn doanh nghiệp đại chúng nhỏ hơn cũng làm ăn đàng hoàng, cũng cần có nhu cầu giao dịch cổ phiếu.

Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc HNX, cơ chế tốt hơn là nâng cao các tiêu chí giám sát hậu đăng ký giao dịch. Sau vụ MTM, HNX đã áp dụng cơ chế giám sát của sàn niêm yết đối với sàn UPCoM, liên quan đến giao dịch, rà soát báo cáo tài chính, xử lý tin đồn, công bố thông tin bất thường cũng như yêu cầu phải có người công bố thông tin chính thức.

Mặt khác, việc kiểm tra thông tin doanh nghiệp cũng cần làm chặt chẽ hơn như phối hợp kiểm tra chéo với dữ liệu thuế, thậm chí là theo kênh thông tin của Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng nhà nước.

Bảng UPCoM Premium cũng là một giải pháp sàng lọc tốt. Các tiêu chí phân loại của bảng này tương đối cao so với mặt bằng chung của sàn UPCoM. Chẳng hạn tiêu chuẩn định lượng là doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên, hoạt động kinh doanh năm liền trước có lãi, không có lỗ lũy kế.

Hoặc doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước tối thiểu là 5%, không có lỗ lũy kế. Các tiêu chí này được xem xét dựa trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm tài chính gần nhất.

Việc áp dụng các yếu tố định lượng nói trên chưa phải là chặt chẽ và có tiêu chuẩn cao, nhưng ít nhất là phải trải qua một quá trình rà soát và đánh giá. Độ an toàn đối với các doanh nghiệp lọt vào bảng UPCoM Premium là cao hơn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp đã lọt vào UPCoM mặc nhiên được “định mức tín nhiệm” cao. Xây dựng sự tín nhiệm là cả một quá trình và cần được duy trì lâu dài.

Các tin đồn cũng như sự suy diễn trên thị trường luôn tồn tại, bất kể là ở sàn đăng ký giao dịch hay niêm yết. Không có cách nào khác hơn để tự bảo vệ niềm tin của cổ đông và nhà đầu tư là bản thân doanh nghiệp phải chủ động.

Mới đây, Top One, một doanh nghiệp có tên trong danh sách UPCoM Premium cũng dính phải những tin đồn bất lợi. Đích thân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Top One phải viết thư ngỏ và cập nhật công khai các kế hoạch, kết quả kinh doanh trên website cũng như công bố số điện thoại của người chịu trách nhiệm công bố thông tin.

Đó là sự phản ứng mang tính cấp kỳ và phản ứng theo sự kiện, nhưng sẽ không tốn kém bao nhiêu để biến thành một kênh giao lưu trực tiếp với cổ đông và nhà đầu tư. Mặt khác, việc có công ty chứng khoán đứng ra bảo trợ thông tin cho doanh nghiệp là điều có thể tính tới, mặc dù các tiêu chí của sàn UPCoM không yêu cầu.

Đối với nhà đầu tư, việc xác định rõ ràng thang bậc rủi ro giữa các sàn giao dịch là điều quan trọng nhất. Khả năng chấp nhận mạo hiểm của nhà đầu tư lâu nay thường không sẵn sàng đi đôi với chấp nhận rủi ro. Hoạt động đầu cơ thường chỉ tính đến chiều lợi nhuận, mà không chú ý tới chiều thua lỗ. UPCoM có thang bậc rủi ro cao hơn nhiều so với sàn niêm yết cũng như không có sự đảm bảo tương tự sàn niêm yết.

Chính vì thế, việc có trách nhiệm với đồng tiền của mình đôi khi rất đơn giản. Thật đáng ngờ nếu một doanh nghiệp có trụ sở tù mù; luôn chậm chạp trong công bố thông tin hay thậm chí số điện thoại của người công bố thông tin lúc nào cũng trong tình trạng “tò te tí”!

Theo Khánh Hà

VNEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên