MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS Khải: "Bộ trưởng Tiến là Giáo sư hay không cũng đâu quan trọng bằng đóng góp cho ngành"

01-03-2018 - 16:54 PM | Xã hội

Giáo sư Phạm Gia Khải cho rằng, ông tin chắc Bộ trưởng Tiến sẽ nổi tiếng, được đánh giá cao nếu làm tốt chức trách, công tác, đóng góp thiết thực cho sự phát triển ngành.

Bà Tiến vẫn sẽ nổi tiếng nếu làm tốt chức trách

Thông tin từ Hội đồng xét công nhận chức danh Giáo sư Nhà nước cho hay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ứng viên chức danh Giáo sư đã được đưa vào "danh sách 2", tức danh sách cần phải rà soát lại vì có đơn khiếu nại cho rằng bà không đạt một số yêu cầu.

Trao đổi với PV, GS Phạm Gia Khải (Chủ tịch Hội Tim mạch VN, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch VN, người nhiều năm có mặt trong Hội đồng xét chức danh Giáo sư ngành Y) cho rằng, trong việc công nhận đang có sự nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn giữa trình độ của các ứng cử viên với công tác người ta đang phải làm.

"Ví dụ như một người làm công tác giảng dạy có thể là thỉnh giảng, giảng viên chính thức nhưng có một số giờ có mặt và sinh viên, học viên thấy rút ra được ở mình điều gì thì việc xét công nhận là GS, PGS sẽ hợp lý.

Còn không giảng dạy gì cả hoặc giảng dạy rất ít nhưng vì công tác mà người ta nể nang, đưa mình lên GS, PGS thì có được gì đâu. Tôi có cảm giác như việc công nhận như vậy chẳng khác gì người ta "cho, ban" như "phẩm hàm" mà suốt đời phải mang theo.

Vì thế, theo tôi, khi mình về hưu hay ốm đau, không làm được thì nên thôi, đừng để gọi là Giáo sư, Phó Giáo sư nữa, như vậy sẽ tốt hơn", ông Khải nói.

Với trường hợp của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, GS Khải đánh giá, bà là người có năng lực, ngoại ngữ tốt, giải quyết việc quyết đoán.

"Theo thông tin từ Hội đồng, Bộ trưởng Tiến thừa tiêu chuẩn xét công nhận là Giáo sư của năm 2017 với việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hay thỉnh giảng... nhưng tôi thấy, hiện nay, bà Tiến chủ yếu làm công tác quản lý, giảng dạy chắc không nhiều.

Thêm vào đó, là người đứng đầu ngành Y tế nên tôi nghĩ, Bộ trưởng Tiến có là Giáo sư hay Phó Giáo sư hoặc được Hội đồng công nhận, không công nhận Giáo sư cũng không quan trọng bằng việc bà có những đóng góp tốt, thiết thực cho sự phát triển của ngành.

Tôi tin chắc chắn bà Tiến vẫn sẽ nổi tiếng, được đánh giá cao nếu làm tốt chức trách, công tác của mình", GS Phạm Gia Khải nêu.

 GS Khải: Bộ trưởng Tiến là Giáo sư hay không cũng đâu quan trọng bằng đóng góp cho ngành - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: P.H.

Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam nhấn mạnh, mọi người không nên thấy từ việc các ứng viên thừa tiêu chí rồi đặt vấn đề công bằng hay bất công khi bị Hội đồng xem xét lại việc công nhận Giáo sư như với Bộ trưởng Tiến hay bất cứ ai.

"Tôi đã nói nhiều lần, việc xem xét, công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư đang theo kiểu chúng ta tự tạo khó khăn ra cho chính chúng ta rồi sau đó lại kêu bất công hay không bất công.

Như tôi đã nói, với Bộ trưởng Tiến, việc bà là Giáo sư hay không không quan trọng bằng sự đóng góp cho ngành và mọi người sẽ nhìn vào đó để đánh giá", GS Khải chỉ rõ.

Ông chia sẻ lại câu chuyện về cố Đại tá Vũ Văn Cẩn khi đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, ông đã ngăn cản, không cho các Thứ trưởng, Vụ trưởng mà ông biết làm Giáo sư, Phó Giáo sư.

"Tôi còn nhớ, ông nói rõ các anh làm quản lý thì không nên ham Giáo sư, Phó Giáo sư gì cả và ngày ấy, tất cả cấp dưới của cố Bộ trưởng làm chức năng quản lý Nhà nước không xét duyệt chức danh này.

Hai người có đơn khiếu nại về công nhận Giáo sư với Bộ trưởng Tiến

Trước đó, trao đổi với PV, GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y tế, nguyên Giám đốc Học viện Quân y cho hay, Bộ trưởng Tiến thừa các tiêu chí để công nhận Giáo sư trong năm 2017 như tham gia giảng dạy, hướng dẫn tiến sĩ, thạc sĩ....

Nhưng do có đơn khiếu nại nên Bộ trưởng Bộ Y tế thuộc diện rà soát hồ sơ công nhận chức danh Giáo sư đợt này.

Cụ thể, 2 người có đơn thư khiếu nại về trường hợp Bộ trưởng Y tế. Đơn khiếu nại đề cập một số việc liên quan quản lý của bà Tiến như cho cán bộ nghỉ hưu, thuốc có vấn đề và các vấn đề chung trong ngành.

Vì là liên quan đến công tác quản lý không phải giảng dạy, nghiên cứu khoa học nên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã gửi Bộ Y tế để giải quyết.

GS Phạm Gia Khánh nêu rõ, cá nhân ông thấy Bộ trưởng không cần làm Giáo sư nhưng nếu say mê nghiên cứu khoa học, giảng dạy thì làm Giáo sư là điều quý.

Thậm chí, theo ông, Bộ trưởng còn thừa sức làm Giáo sư vì những thành tích nghiên cứu khoa học đã có từ mấy chục năm trước.

"Bộ trưởng là người đứng đầu đương nhiên sẽ bận nhiều việc nhưng không phải việc nào cũng phải làm. Bộ trưởng có rất nhiều người hỗ trợ và tham mưu giải quyết công việc nên nếu sắp xếp thời gian được thì vẫn có thể nghiên cứu và giảng dạy.

Do đó, dù chức danh này không cần phải là GS và PGS, tuy nhiên nếu đạt được thì rất quý và đáng hoanh nghênh", GS Khánh bày tỏ.

Theo Hoàng Đan

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên