MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gửi tiền tỷ vào ngân hàng rồi bị mất, khách "được" đối xử thế nào?

05-07-2018 - 14:17 PM | Tài chính - ngân hàng

Hàng loạt các vụ mất tiền tiết kiệm khi gửi ngân hàng xảy ra thời gian qua khiến cho người tiêu dùng có tâm lý e ngại về rủi ro trong quản lý ở các nhà băng.

Từ tỷ phú thành trắng tay

Hồi tháng 9/2017, sự việc hơn 20 khách hàng gửi tổng cộng trên 400 tỷ đồng ở Ngân hàng OceanBank chi nhánh Hải Phòng rồi bị lãnh đạo chi nhánh này, gồm cựu giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên câu kết với nhau chiếm đoạt. Trong số các khách hàng có người gửi đến 120 tỷ đồng, bao gồm cả những doanh nghiệp "có tiếng" trên địa bàn. Sự việc sau đó được trình báo lên công an, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phải phát lệnh truy nã và sau đó cả 3 cựu cán bộ Oceanbank Hải Phòng bị bắt giam.

Tiếp theo là sự việc xảy ra ở Eximbank chi nhánh Vinh (Nghệ An). Từ năm 2012 đến 2016, Nguyễn Thị Lam - cán bộ kiểm ngân Eximbank Đô Lương thuộc chi nhánh Vinh – đã mời gọi người gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất cao ngất ngưởng, rồi sau đó lợi dụng lòng tin của khách hàng để làm hồ sơ khống, lừa dối để khách hàng ký vào lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi …qua đó chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng của khách hàng. Đáng lưu ý, trong số những khách hàng gửi tiền có cả người có quan hệ thân thiết với Lam.

Một sự việc nữa liên quan đến gửi tiền tiết kiệm ngân hàng bị mất là khách hàng gửi tại Agribank Chi nhánh Móng Cái – tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, Lê Thị Thúy Hằng là kế toán kiêm thủ quỹ Phòng giao dịch Trà Cổ thuộc Chi nhánh Móng Cái, đã lấy thông tin tài khoản tiền gửi tiết kiệm của 07 khách hàng không đăng ký số dư trên điện thoại, sau đó lấy phôi sổ tiết kiệm trắng để in, phát hành lại các sổ tiết kiệm giả mạo, giả chữ ký của số khách hàng trên và giám đốc Phòng giao dịch để làm thủ tục tất toán và đóng tài khoản tiết kiệm… rồi chiếm đoạt 8,4 tỷ đồng của khách hàng.

Gần đây nhất là sự việc xảy ra tại Eximbank Chi nhánh TPHCM. Ông Lê Nguyễn Hưng, phó giám đốc chi nhánh ngân hàng đã chiếm đoạt hơn 245 tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình rồi bỏ trốn ra nước ngoài. Cơ quan công an đã phát lệnh truy nã nhưng chưa bắt được ông Hưng, trong khi 5 cán bộ của chi nhánh này cũng đã bị khởi tố do tin tưởng chứng từ rút tiền có sẵn chữ ký của khách hàng, mà đã có sai sót trong việc thực hiện các trình tự thủ tục trong việc hoàn tất việc rút tiền cho khách hàng.

Ngoài ra còn có nhiều vụ mất tiền khác do khách hàng tin tưởng các đối tượng trả lãi suất cao để gửi tiền vào ngân hàng, qua đó bị các đối tượng đó lợi dụng và chiếm đoạt tài sản, ví dụ sự việc từng xảy ra tại Agribank Lào Cai, VIB chi nhánh Quảng Ninh... Và không chỉ là sổ tiết kiệm, nhiều trường hợp khách hàng còn bị mất tiền vì kẻ gian rút trộm với số lượng từ vài triệu đồng, vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng trong tài khoản, như trường hợp vừa xảy ra tại Agribank, Sacombank, Vietcombank hay Dong A Bank…

Các ngân hàng xử lý thế nào?

Theo quy định hiện hành, khi có vấn đề xảy ra liên quan đến việc mất tiền của khách hàng thì ngân hàng sẽ có một thời gian nhất định để tiến hành tra soát và giải quyết các tranh chấp. Với những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm thì phải thông báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước, đồng thời thông báo với khách hàng về sự việc.

Đồng thời, do ngân hàng hàng là một định chế tài chính, nên việc chi trả tiền cho khách hàng đòi hỏi phải tuân thủ theo một số quy định về pháp lý. Vì vậy, thời gian giải quyết việc trả tiền cho khách hàng bị kéo dài, chưa đáp ứng yêu cầu của khách hàng, phần nào tạo nên hiệu ứng tâm lý hoang mang cho thị trường bấy lâu nay.

Tuy nhiên gần đây, một số ngân hàng đã "vì khách hàng" hơn khi tiến hành tra soát nhanh để tạm ứng cho khách hàng trước khi sự việc được làm rõ bởi các cơ quan chức năng, ví dụ vụ Sacombank hoàn tiền hơn 90 triệu đồng cho khách hồi năm ngoái, hay vừa tháng 5 vừa qua Agribank đã hoàn tiền cho 12 chủ thẻ bị mất tiền trong vòng hơn 1 tuần làm việc.

Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm lớn thì các ngân hàng phần lớn đều chờ phán quyết của tòa, chẳng hạn vụ việc ở Oceanbank Hải Phòng đến nay vẫn chưa được giải quyết, vụ việc ở Agribank Quảng Ninh cũng phải chờ tòa án xét xử.

Mới đây Eximbank đã tỏ ra rất thiện chí khi đứng ra tạm ứng tiền cho khách hàng trong thời gian chờ cơ quan chức năng giải quyết vụ việc. Chẳng hạn như các khách hàng tại Phòng giao dịch Đô Lương – Chi nhánh Vinh đã nhận được tạm ứng 32 tỷ đồng; còn vụ khách hàng Chu Thị Bình thì cũng đã nhận tạm ứng đợt 1 số tiền 93 tỷ và đợt 2 sẽ tạm ứng nốt phần còn lại 152 tỷ sau khi có Kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra.

Thiện chí của Eximbank đã được khách hàng rất ủng hộ, trong đó khách hàng vụ Eximbank Nghệ An đã gửi lại hơn một nửa số tiền được tạm ứng vào chi nhánh Eximbank Vinh; còn khách hàng Chu Thị Bình cũng đã gửi toàn bộ số tiền 93 tỷ được tạm ứng đợt 1 và cho biết cũng sẽ gửi toàn bộ số tiền nhận tạm ứng Đợt 2 tại Chi nhánh Eximbank TPHCM. Ông Phan Trung Hoài – một Luật sư đại diện cho khách hàng Chu Thị Bình cũng cho rằng, khách hàng Chu Thị Bình đã đánh giá rất cao thiện chí của Eximbank trong quá trình giải quyết vụ việc. Ông cho biết thêm, đây chỉ là thỏa thuận tạm ứng và hai bên đã cam kết sẽ thực hiện đúng theo quyết định của Tòa án sau này.

Riêng đối với cán bộ ngân hàng có liên quan, Eximbank đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá mức độ sai phạm của các nhân viên này. Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng cho biết chưa có tài liệu chứng minh nhân viên ngân hàng có động cơ vụ lợi. Từ cơ sở nêu trên, Eximbank đã có văn bản gửi các cơ quan tiến hành xác minh, điều tra vụ án một cách thấu tình, đạt lý, phù hợp với quy định của pháp luật và việc này cũng đã nhận được sự ủng hộ của khách hàng. Hiện tại, một trong hai nhân viên của Eximbank Chi nhánh TPHCM bị tạm giam đã được tại ngoại, còn lại một nhân viên đang được các cơ quan tố tụng xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn theo đề nghị của gia đình và ngân hàng.

Trở lại vấn đề liên quan đến sự cố mất tiền ở ngân hàng, vừa qua, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn bản chấn chỉnh liên quan đến công tác quản lý tiền gửi tiết kiệm của các tổ chức tín dụng. Hệ thống các ngân hàng thương mại cũng đã cải tiến các quy định liên quan đến việc gửi, rút tiền tiết kiệm như có hệ thống cảnh báo tự động khi tài khoản tiền gửi có biến động, khuyến cáo khách hàng không ký khống sẵn các chứng từ rút tiền để giao cho nhân viên ngân hàng... qua đó đã củng cố thêm niềm tin của khách hàng vào hệ thống ngân hàng.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên