MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gượng ép lên sàn

Niêm yết tại HOSE, HNX hay giao dịch CP tại UPCoM có thể là nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp (DN), bất chấp sự kỳ vọng, quan tâm từ phía cổ đông, NĐT cũng như sự khuyến khích của cơ quan quản lý TTCK.

Người mừng, kẻ lo

Thông tư 180/2015/TT-BTC (TT180) có hiệu lực từ đầu năm 2016 quy định rất chi tiết về việc đưa CP giao dịch tại UPCoM với khoảng thời gian tối đa trong vòng 1 năm. Mới giữa năm nay, số mã CK (MCK) có mặt trên UPCoM chỉ hơn 300, nhưng đến thời điểm hiện tại, con số đã xấp xỉ 370. Nghĩa là hơn 5 tháng qua đã có gần 70 MCK thêm vào UPCoM, tính trung bình 2 ngày/MCK.

Việc nâng cao chuẩn giao dịch tại UPCoM là điều tất yếu cơ quan quản lý phải thực hiện nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông. Mặt khác, các tiêu chuẩn gia tăng sẽ giúp chất lượng hàng hóa gia tăng, tạo ra sức hút cho thị trường chung. Giao dịch CP tại UPCoM các DN được hưởng lợi và cũng phải có trách nhiệm với lợi ích chung.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico

Gần đây, cơ chế tự động giao dịch CP ngay sau khi IPO từ 10-20 ngày cũng được nhắc đến. Nghĩa là cùng với chính sách thúc ở tầm vĩ mô là thúc đẩy cổ phần hóa (CPH) DNNN, các cơ quan quản lý trực tiếp TTCK cũng đưa ra những giải pháp cụ thể, chặt chẽ buộc các DN phải thực hiện nhằm tăng cường sự hiện diện trên thị trường, cũng như đảm bảo lợi ích của cổ đông.

Mặc dù số lượng DN hưởng ứng là không ít, điển hình như Habeco (BHN) đã có mặt trên UPCoM và Sabeco sắp niêm yết, nhưng vẫn còn đó những sự trì trệ. Tính từ đầu năm đến nay, vẫn chưa thấy có một ngân hàng (NH) nào đưa CP của mình niêm yết hay giao dịch tại UPCoM, mặc dù có những NH đã đủ chuẩn để thực thi. Điều này không đúng như kỳ vọng, bởi như đã biết, việc BHN hay Sabeco niêm yết cách đây chưa lâu vẫn còn là câu chuyện “dài hạn” trong suy nghĩ của nhiều NĐT, nên việc lập tức lên sàn đã tạo ra không ít sự hào hứng.

Trở lại với những động thái quyết liệt từ phía cơ quan quản lý. Ở góc độ tích cực, nếu DN có ý thức và tuân thủ, rõ ràng việc tiếp cận với TTCK của DN sẽ nhanh và thuận lợi hơn. Kém hơn một chút, có thể DN sẽ không thích lắm việc lên sàn, nhưng vì phải tuân thủ nên thực hiện, ít nhất cổ đông, NĐT cũng có thể được lợi. Nhưng ở chiều hướng tiêu cực, có thể DN sẽ trở nên thu mình, thận trọng bất chấp việc sớm hay muộn cũng phải thực thi các quy định. Nói đơn cử, với quy định CP tự động lên UPCoM sau 10-20 ngày, có thể NĐT hào hứng nhưng DN sẽ e ngại, không loại trừ khả năng tìm cách để trì hoãn việc IPO. Lúc đó, NĐT có thấy CP hấp dẫn và muốn tham gia IPO sẽ phải chờ. Mấu chốt ở đây là DN có muốn trì hoãn mãi cũng không được, rồi cũng phải thực hiện. Và nếu không may, IPO ngay thời điểm TTCK không còn sôi động, giá bán không tốt chỉ có bất lợi. Nói đến đây sẽ lộ ra một vấn đề mà theo quan sát của dân CK có thể gọi đó là “gượng ép lên sàn”.

Thiệt thòi lâu dài

Trong một số trường hợp, có lẽ để thuận miệng nên việc giao dịch CP tại UPCoM thường được nói ngắn gọn thành lên sàn UPCoM, nhưng từ đây cũng có khả năng bị biến thành… niêm yết tại UPCoM, mà như vậy coi như sai cơ bản. Bởi lẽ đối với UPCoM, CP chỉ nằm ở trạng thái giao dịch và các quy định về công bố thông (CBTT) cũng như hiệu quả hoạt động thấp hơn rất nhiều so với việc niêm yết tại HOSE hay HNX. Mặc dù có sự nhầm lẫn, vô tình nhưng cũng không loại trừ suy nghĩ một cách cố tình rằng lên UPCoM cũng là… niêm yết, nghĩa là đã làm xong việc “lên sàn” với chuẩn thấp nhất.

Ảnh: LONG THANH
Ảnh: LONG THANH

Hệ quả là có những DN chỉ đưa CP lên UPCoM rồi xong, không khác gì trước kia. Nói đơn cử trường hợp của một công ty đầu ngành trên UPCoM, thương hiệu có tính lan tỏa rất lớn, CP được nhiều người quan tâm nhưng từ khi giao dịch tại UPCoM lại rất kiệm lời. Thậm chí, có những NĐT, tổ chức nắm giữ lượng lớn CP của DN này muốn gặp gỡ DN để trao đổi cũng bị từ chối. Một NĐT có thâm niêm đã đưa ra nhận định rằng DN này đã ở vào thế miễn cưỡng phải lên UPCoM và việc kiệm lợi cũng không có gì là ngạc nhiên, chừng nào còn “né” và “núp” được cứ làm, miễn không vi phạm các quy định.

Có thể nói, việc CP từ chỗ không niêm yết, không giao dịch tại UPCoM và khó mua bán trên OTC, cho đến việc có mặt ở UPCoM có thể là bước tiến dài, thậm chí hỗ trợ nhiều cổ đông có thể thoát hàng, thu hồi vốn. Nhưng theo đà phát triển của thị trường nói chung, các tiêu chuẩn sẽ dần phải được nâng lên thay vì ấn định tại một mức độ nào đó trong thời gian dài. Từ chỗ cứ lên UPCoM là được, sớm hay muộn các quy chuẩn về sự hiện diện tại UPCoM sẽ được nâng lên, có thể thấy trước mắt HNX đã tiến hành phân bảng UPCoM Premium. Và chính các DN xem việc lên sàn là gượng ép và chỉ chọn cửa dễ nhất là UPCoM, có thể sẽ phải thay đổi suy nghĩ về lâu dài.

Chẳng hạn, hiện nay DN có thể cho rằng với vị thế, thương hiệu của mình khỏi cần mở rộng quan hệ với NĐT cũng đang làm ăn có lãi, có vốn vay NH để phát triển. Nhưng sau này, trước sức ép cạnh tranh, DN sẽ phải huy động vốn, hoặc tiến hành bán cổ phần cho đối tác… liệu có chảnh được nữa hay không? Lúc này, có thể suy nghĩ của DN thay đổi, nhưng việc im ắng quá lâu sẽ khiến DN không có được kỹ năng giao tiếp, quan hệ với các NĐT một cách thuần thục, chẳng hạn suy nghĩ, chiến lược mở, nhưng hành động, thực thi lại đóng, thận trọng. Nói tóm lại, đã đến lúc việc giao dịch CP tại UPCoM không đơn thuần chỉ để cho có, lợi ích không chỉ dành cho cổ đông. Dù chỉ giao dịch tại UPCoM theo ý định của mình, các DN cũng nên xem đây là cơ hội tập dượt, phát triển mối quan hệ với cổ đông cũng như sự vận hành của công ty đại chúng.

Theo Minh Trang

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Trở lên trên