MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội đón dòng vốn tỷ đô

Theo số liệu thống kê được Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội công bố, trong 10 tháng đầu năm 2017, thành phố đã thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đạt 2,3 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó riêng lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 40% tổng vốn đầu tư và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững.

Doanh nghiệp Singapore, Nhật Bản chiếm ưu thế

Tính đến ngày 30/10, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Hà Nội đạt 2,3 tỷ USD. Trong đó, số lượng dự án cấp mới có số vốn 1,05 tỷ USD (454 dự án). Tăng giảm vốn ở 150 lượt dự án, giúp vốn đầu tư tăng thêm 651 triệu USD. Chấp thuận góp vốn mua cổ phần của 517 nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 579,44 triệu USD. Nổi bật trong nhóm doanh nghiệp đã đầu tư vào Hà Nội 10 tháng đầu năm là các doanh nghiệp đến từ Singapore và Nhật Bản như: Dự án Trung tâm thương mại Aeonmall Hà Đông (192,5 triệu USD), Dự án nhà máy nước Hanwha Aero Engines tại Việt Nam (200 triệu USD), Coca - Cola thực hiện tăng vốn thêm 319,8 triệu USD, 3 dự án đầu tư phát triển xây dựng mạng lưới phân phối nước sạch (327 triệu USD), cùng một số dự án bất động sản khác…

So với những năm trước đây, dòng vốn ngoại đầu tư và Hà Nội năm 2017 bắt đầu có sự chuyển dịch, hướng đến ngành công nghiệp phát triển bền vững. Cụ thể, vốn đầu tư ở lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo đứng đầu với 40%, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 23,5%, dịch vụ mua bán hàng hoá chiếm 13%, phần còn lại là các loại hình khác. Trong số này, nguồn vốn các doanh nghiệp Singapore là 40%, Nhật Bản đứng thứ hai với 31%, Hàn Quốc chiếm 10,6%.

Để tiếp cận nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, năm 2017, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc kêu gọi đầu tư, đưa ra cam kết tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài phát triển bền vững như: Tọa đàm “Gặp gỡ Canada”; “Gặp gỡ Hoa Kỳ”; Tham gia “Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2017” trong tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017; Tọa đàm “Trao đổi, hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản”;... Cùng với đó, thành phố tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư Hà Nội 2017. Tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản cùng đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ, đã ký biên bản ghi nhớ với đối tác Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội với số vốn 5,2 tỷ USD. Trong đó, Tập đoàn BRG ký hợp đồng 4,138 tỷ USD với Tập đoàn Sumitomo xây dựng thành phố thông minh hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, dự kiến khởi công quý I/2018.

Cải cách hành chính mở ra nhiều cơ hội

Để hiện thực hoá các chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ ngoài nước, đầu năm 2017, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiều nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.

Từ tháng 9/2017, Sở KH&ĐT tham mưu thành phố thành lập Tổ công tác liên ngành thành phố làm việc tập trung tại trụ sở UBND thành phố để giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án, quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt đề xuất dự án, giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, việc tổ công tác làm việc thường trực tại UBND thành phố giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho chủ đầu tư, góp phần tạo chuyển biến đáng kể trong cải cách quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, bảo đảm sự công khai, minh bạch.

Ngoài ra, trong năm 2017, công tác cải cách thủ tục hành chính của thành phố tiếp tục được thực hiện quyết liệt và mang lại một số kết quả tích cực. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%. Triển khai đăng ký qua mạng trực tuyến mức độ 3, 4 đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đất đai theo hướng cải cách quy trình, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn 12 ngày, thời gian cấp Giấy chứng nhận QSDĐ từ 30 ngày xuống còn 14 ngày. Triển khai các nhiệm vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án. Ở lĩnh vực thuế, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng đạt 98,2%, trong đó tỷ lệ nộp thuế điện tử duy trì ở mức trên 95%

Theo Hà Thành

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên