MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai giáo sư Harvard và MIT chia nhau giải Nobel Kinh tế 2016

10-10-2016 - 22:25 PM | Tài chính quốc tế

Hai giáo sư kinh tế Oliver Hart (đến từ ĐH Harvard) và Bengt Holmstrom (đến từ Viện công nghệ Massachusets) vừa trở thành chủ nhân của giải Nobel Kinh tế 2016 vì đã đặt nền móng cho lý thuyết về hợp đồng – thứ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế ngày nay.

Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển hôm nay (10/10) thông báo công trình nghiên cứu của hai ông Holmstrom (67 tuổi) và Hart (68 tuổi) từ những năm 1970 đã giúp lý thuyết hợp đồng trở thành “mảnh đất màu mỡ cho nghiên cứu cơ bản”. Hai người chia nhau giải thưởng trị giá 8 triệu krona (tương đương 926.000 USD).

Công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao

Lý thuyết hợp đồng mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống, ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực, từ công việc quản trị doanh nghiệp cho đến cả quá trình hoạch định chính sách. Hart và Holmstrom có những công cụ không chỉ để phân tích những khía cạnh về tài chính của các hợp đồng mà còn phân tích về quyền kiểm soát, quyền sở hữu và quyền quyết định của các bên.

Có từ những năm 1970, lý thuyết này giúp các công ty thiết kế các hợp đồng bồi thường cho người lao động. “Quy tắc tin tức” của Holmstrom cho rằng nên quyết định tiền lương dựa vào những yếu tố bên ngoài, như liên hệ tiền lương của người quản lý với giá cổ phiếu của công ty so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này giúp phòng tránh trường hợp tiền thưởng rơi vào tay người may mắn hay người kém may mắn lại bị phạt.

Trong khi đó Hart tập trung nghiên cứu sự phân chia quyền lực trong các mối quan hệ kinh tế, trong đó có các hợp đồng. Trong những năm 1980, ông đạt được một bước tiến lớn trong việc phân tích phạm vi của”những hợp đồng chưa hoàn thiện”. Ông cho rằng vì tương lai là không thể đoán trước, một hợp đồng cơ bản phải chỉ ra được ai có quyền quyết định phải làm gì khi các bên không thể đi đến đồng thuận.

Ngẫu nhiên đi theo con đường nghiên cứu

Hôm nay, phát biểu sau khi nhận giải, Holmstrom chia sẻ ông đi theo con đường nghiên cứu hàn lâm một cách rất tình cờ và ngẫu nhiên. Thời kỳ những năm 1970, công ty mà ông đang làm việc đã thử sử dụng máy tính để đưa ra quyết định và lập chiến lược.

“Đó chính là lúc tôi nhận ra rằng vấn đề không nằm ở những khó khăn mà bạn phải đối mặt. Vấn đề lớn hơn là phải tạo ra những sự khích lệ để mọi người đưa ra những thông tin đúng, cần thiết cho kế hoạch”.

Hiện là một công dân Mỹ sinh ra ở Anh, Hart nhận được bằng cử nhân toán từ ĐH Cambridge vào năm 1969, bằng thạc sĩ kinh tế của ĐH Warwick năm 1972 và hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ tại ĐH Princeton năm 1974. Năm 1993, ông gia nhập đội ngũ giáo sư của Harvard và là trưởng khoa kinh tế từ năm 2000 đến 2003.

Trong khi đó Holmstrom sinh ra ở Phần Lan. Ông cũng là người có công phát triển lý thuyết về rủi ro đạo đức – điều mà các ngân hàng thường xuyên bị chỉ trích. Holmstrom từng có thời gian dài ngồi trong Hội đồng quản trị của Nokia, từ năm 1999 đến 2012. Gần đây, các nghiên cứu của ông tập trung vào vấn đề thanh khoản trên thị trường tài chính.

Holmstrom tốt nghiệp ngành toán lý tại ĐH Helsinki năm 1972, lấy bằng thạc sĩ nghiên cứu vận hành tại ĐH Stanford năm 1975 và 3 năm sau trở thành tiến sĩ quản trị kinh doanh cũng tại Stanford. Năm 1994, ông về công tác tại MIT và là trưởng khoa kinh tế từ năm 2003 đến 2006.

Năm ngoái, giải Nobel Kinh tế được trao cho Angus Deaton, giáo sư ĐH Princeton với công trình nghiên cứu về tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi xã hội. Uy tín của giải Nobel đã giúp những chủ nhân có thể mang các lý thuyết kinh tế của họ tới gần hơn với các nhà hoạch định chính sách.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên