MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai thương vụ đình đám chỉ cách nhau 1 tháng của em gái ông Hạnh Nguyễn: Bán Maximark và mua Emigo từ Vingroup

29-09-2016 - 15:41 PM | Doanh nghiệp

Gần 1 năm trước, Vingroup bán đi phần lớn cổ phần mảng thời trang Emigo, nhưng thương vụ khá kín tiếng và không tiết lộ chủ mới.

Tuy nhiên mới đây, thông tin đã dần được hé lộ, người mua Emigo và đổi tên thành MYM chính là bà Nguyễn Ánh Hồng, chính là nữ doanh nhân chỉ mới trước đó 1 tháng đã bán Maximark cho Vingroup.

Hết duyên với mối tình "siêu thị" kéo dài 20 năm

Sống trong gia đình có truyền thống kinh doanh, bà Nguyễn Ánh Hồng đã có quá nhiều kinh nghiệm trên thị trường bán lẻ.

Thừa hưởng “máu” kinh doanh của người cha – ông Nguyễn Hùng, chủ nhiệm hợp tác xã gỗ Điện Biên ở Nha Trang, một thương gia có tiếng trước và sau năm 1975, từ khi còn rất trẻ, bà Ánh Hồng đã mở Yvonne Shop kinh doanh đồ trẻ em cao cấp ở đường Lê Lợi – quận 1. Sau đó, năm 20 tuổi (1992), bà Nguyễn Ánh Hồng bắt đầu gây dựng sự nghiệp kinh doanh với những công ty quy mô nhỏ.

Đến những năm 1994- 1995, khi thị trường kinh doanh có những bước phát triển mạnh, nhận thấy trong nước, các doanh nghiệp chưa bắt tay vào mở các siêu thị, trung tâm thương mại kinh doanh, bà Nguyễn Ánh Hồng cùng chị ruột - bà Nguyễn Ánh Hoa bắt tay mở siêu thị đầu tiên tại Sài Gòn, siêu thị Citimart.

Đến đầu năm 1996, bà Nguyễn Ánh Hồng mở siêu thị Maximark ở đường 3/2, quận 10, với diện tích rộng hơn siêu thị Nguyễn Văn Cừ. Và bây giờ, Maximark đã trở thành một trung tâm thương mại bề thế ở quận 10.

Nhờ nằm ở vị trí thuận lợi lại biết cách kinh doanh, nên chỉ sau một thời gian Maximark 3 tháng 2 đã trở thành một trung tâm thương mại bề thế ở quận 10 với diện tích kinh doanh hơn 25.000 m2.

Ngoài Maximark 3 tháng 2, bà Hồng còn đầu tư trung tâm thương mại Maximark Cộng Hòa ở quận Tân Bình với mặt bằng kinh doanh trên 20.000 m2. Một điểm nổi bật của Maximark Cộng Hòa là có cả nhà thi đấu đa năng với sức chứa 3.000 chỗ ngồi mà đến nay rất ít trung tâm thương mại lớn khác đầu tư.

Thời gian 20 năm hoạt động của một thương hiệu bán lẻ không phải là ngắn nhưng do đi theo chiến lược tìm mặt bằng ở những vị trí đắc địa và có diện tích lớn tại TP HCM nên tốc độ mở rộng của hệ thống Maximark khá chậm, nhưng đảm bảo được uy tín của thương hiệu. Ở các thành phố như Tuy Hòa, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang, Biên Hòa, Maximark cũng chỉ có một điểm bán trên tuyến đường trung tâm.

Sau 20 năm gắn bó với Maximark, đến tháng 11/2015, giới doanh nhân có phần ngỡ ngàng khi Vingroup thông báo mua lại 100% chuỗi kinh doanh Maximark thuộc Công ty cổ phần Đầu tư An Phong.

Ngỡ ngàng là bởi người khai sinh ra thương hiệu Maximark chưa hề có ý định bán hệ thống kinh doanh của mình trước đó, vậy mà đã bất ngờ đồng ý chuyển cơ nghiệp cho Vingroup chỉ trong vòng hai tuần. Đây được xem là một khoảng thời gian khá ngắn cho một thương vụ mua bán lớn.

“Bên kia thì cố tình mua, tôi thì không muốn bán lắm, nhưng rốt cuộc tôi phải đổi ý. Phải thừa nhận họ quá giỏi, quá quyết đoán và chuyên nghiệp”, bà Hồng nói về quyết định bán chuỗi kinh doanh bán lẻ của mình cho Vingroup.

Số tiền mà Vingroup chi ra để mua Maximark gấp hơn 3 lần so với con số 560 tỷ đồng đã chi ra để mua lại Ocean Mart – thương vụ đưa Vingroup chính thức gia nhập ngành bán lẻ với các thương hiệu VinMart và VinMart+. Nguyên nhân chính khiến Maximark được mua với giá cao hơn rất nhiều là do hệ thống này không chỉ vận hành siêu thị mà còn sở hữu luôn cả các mặt bằng bán lẻ.

Theo số liệu trên báo cáo tài chính của Vingroup, tổng giá trị tài sản của An Phong được xác định tạm thời tại ngày mua là gần 2.400 tỷ đồng. Trong đó giá trị hợp lý của các Trung tâm thương mại đã được định giá bởi một đơn vị định giá độc lập là 1.658 tỷ đồng.

Theo báo cáo kiểm toán công bố hồi tháng 4/2016 của Vingroup, phía Vingroup đưa ra mức giá mua Maximark tạm tính là 1.835 tỷ đồng. Số tiền mà Vingroup đã thanh toán trong năm 2015 cho các cổ đông của An Phong là 1.002 tỷ đồng.

Với câu hỏi có phải bên mua đã đưa ra giá quá “hời” nên bà chủ Maximark mới có quyết định nhanh chóng, bà Hồng nói rằng giá bán không phải là vấn đề quan trọng.

Bà Ánh Hồng cho rằng, việc kinh doanh của Maximark vẫn hoàn toàn thuận lợi. Bà Hồng cũng khẳng định bà không lo ngại bị các tập đoàn bán lẻ nước ngoài chèn ép, yếu tố thời gian thuê các mặt bằng cũng không phải đã hết hạn.

Tuy nhiên, công việc quản lý con người trong hệ thống quá khó khăn và chuyện kiểm tra từ các cơ quan ban ngành quá mệt mỏi đã khiến bà quyết định từ bỏ Maximark.

Theo bà Hồng, dù siêu thị không có bất cứ sai sót hay vi phạm nào nhưng thường xuyên phải tiếp các đoàn kiểm tra, thậm chí có ngày phải tiếp 3 đoàn kiểm tra cùng với một nội dung.

Trong khi đó, tập đoàn Vingroup cho biết sau khi hoàn tất các thủ tục, toàn bộ các trung tâm thương mại và siêu thị Maximark sẽ được chuyển đổi thành các siêu thị VinMart/VinMart+ thuộc hệ thống Vinmart, hoặc sẽ trở thành thành viên của hệ thống Vincom Retail với thương hiệu Vincom.

Bà Hồng cũng cho biết thêm sau khi bán toàn bộ chuỗi kinh doanh Maximark bà không có ý định tiếp tục theo đuổi kinh doanh lĩnh vực bán lẻ.

Không theo đuổi bán lẻ nữa, nhưng sẽ hậu thuẫn để con gái tiếp bước

Sau những chia sẻ về việc bán Maximark, những tưởng bà Ánh Hồng cũng sẽ rời bỏ thị trường bán lẻ, nhưng chỉ 1 tháng sau, đến tháng 12/2015, bà đã cùng con gái mua lại Emigo từ Vingroup và đổi tên thành thời trang MYM.

Thương vụ này chỉ mới được tiết lộ cách đây không lâu, tức sau thời điểm xảy ra thương vụ kia đến 9 tháng, chủ nhân mới của MYM mới lên báo chính thức nói về công việc mới.

MYM là tên mới sử dụng của thương hiệu Emigo Việt Nam. Trước đó khi mới thành lập, Emigo mang tên Vinfashion vào tháng 6/2014 và chính thức ra mắt thị trường thời trang từ cuối tháng 10/2014, trong đó Vingroup góp 70% vốn.

Khi Vinfashion đổi tên thành Thời trang Emigo Việt Nam, chuỗi này đã mở rộng theo cấp số nhân, lên đến 25 shop/showroom khắp trong Nam ngoài Bắc, như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương...

Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, Vingroup dường như muốn rút chân khỏi lĩnh vực thời trang, và bán 31% vốn tại Emigo, giảm sở hữu xuống còn 39%. Emigo về tay chủ mới được đổi tên thành thời trang MYM và đến đầu tháng 8 vừa qua, Vingroup tiếp tục thoái thêm 20% vốn, đưa sở hữu xuống còn 19% tại MYM.

Qua 2 lần đổi tên nhưng đối tác đồng sở hữu MYM với Vingroup đều không được tiết lộ. Tuy nhiên, theo một cuộc phỏng vấn mới đây trên báo Doanh nhân Sài Gòn, chuỗi thời trang MYM đang thuộc về 2 mẹ con bà Nguyễn Ánh Hồng và cô con gái Võ Ngọc Ý Vân.

Bà Ánh Hồng và con gái Ý Vân - Ảnh DNSG.
Bà Ánh Hồng và con gái Ý Vân - Ảnh DNSG.

Ban đầu, bà Ánh Hồng chỉ định mở một công ty nhỏ cho cô con gái làm, nhưng khi mua lại thương hiệu thời trang Emigo của Vingroup với số vốn quá lớn (300 tỷ đồng) nên không thể để con "bơi" một mình.

Trước thông tin bà Ánh Hồng hậu thuẫn cô con gái bắt tay kinh doanh thời trang, người viết chợt nghĩ đến mối quan hệ anh trai - em gái của bà Ánh Hồng với ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn. Chắc hẳn khi bỏ ra 300 trăm tỷ mua lại cổ phần chuỗi Amigo (nay là MYM) từ Vingroup và quyết định dấn thân vào kinh doanh thời trang, bà Hồng hẳn đã có những tính toán nhất định, bởi thời trang là một lĩnh vực có thể xem là mới với bà Hồng, nhưng lại quá quen thuộc với gia đình nhà ông anh trai - vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn & bà Thủy Tiên.

Tất nhiên, việc đặt chân vào lĩnh vực thời trang vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong bối cảnh có quá nhiều thương hiệu lớn cạnh tranh trên thị trường.

Trong bài phỏng vấn với báo chí, bà Ánh Hồng chia sẻ, "Khi mua lại Emigo, chúng tôi đồng thời tiếp nhận một kho hàng tồn đến vài trăm ngàn sản phẩm cùng kho vải nguyên liệu khổng lồ. Thời gian qua là thời gian chúng tôi giải quyết lượng hàng tồn chứ chưa làm được cái riêng của mình. Bây giờ mới là chặng đường mới của MYM".

Theo bà Ánh Hồng chia sẻ, bà sẽ giúp đỡ con gái trong vòng 2 năm và sau đó sẽ rút lui. Hiện tại, 2 vợ chồng bà đang "làm tường để con dựa lưng".

Theo Minh Quân

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên