MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạn chế đầu tư vào các công ty Trung Quốc, Mỹ sẽ “gậy ông đập lưng ông”?

30-09-2019 - 20:20 PM | Tài chính quốc tế

Nhà Trắng đang xem xét kiềm chế đầu tư vào Trung Quốc, chẳng hạn như hủy niêm yết chứng khoán Trung Quốc tại Mỹ và hạn chế các quỹ trợ cấp của chính phủ đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, những hạn chế này không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc, mà còn gây tổn hại cho chính nước Mỹ.

"Mỹ không còn cởi mở như trước. Điều này sẽ gây ra tác động sâu rộng", giáo sư tài chính Ning Zhu tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn vào Chủ nhật tuần trước.

Chứng khoán Mỹ chốt phiên giảm vào thứ Sáu tuần trước, sau khi Bloomberg lần đầu tiên đưa tin về vấn đề này. KraneShares CSI China Internet ETF (KWEB), đầu tư vào các công ty lớn liên quan đến internet của Trung Quốc được niêm yết ở New York hoặc Hồng Kông, đã giảm 3,8%.

Các nhà phân tích cho rằng những hạn chế được công bố có thể là một nỗ lực của Nhà Trắng để đạt được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sắp tới.

Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về quan hệ công chúng Monica Crowley cho biết trong một tuyên bố cuối tuần qua rằng "chính quyền không dự tính ngăn chặn các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ vào thời điểm này. Chúng tôi hoan nghênh đầu tư vào Mỹ."

Lựa chọn bên ngoài Mỹ

Nếu Mỹ thực hiện các biện pháp kiềm chế đầu tư như vậy, sẽ khó thực hiện và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn của Mỹ, ông Zhu nói. Tài chính không giống như đơn đặt hàng quân sự, xuất khẩu hay thương mại. Tài chính khó theo dõi hơn nhiều.

Nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc đã chọn niêm yết ở Mỹ để đẩy mạnh thương hiệu và tiếp cận với đồng USD.

Theo một báo cáo tháng 8 của các nhà phân tích Andrew Batson và Lance Noble từ công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, hơn 200 công ty Trung Quốc, bao gồm cả những gã khổng lồ như Alibaba, đã huy động hàng chục tỷ USD trên thị trường vốn của Mỹ thông qua niêm yết hoặc chứng chỉ lưu ký Mỹ (ADR).

Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty lớn của Trung Quốc đã chọn niêm yết ở New York.

Tencent, cha đẻ của ứng dụng nhắn tin WeChat và là nhà phát triển trò chơi di động lớn, được niêm yết ở Hồng Kông. Nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi và công ty giao đồ ăn Meituan-Dianping cũng IPO tại Hồng Kông vào năm ngoái. London cũng là một lựa chọn, ông Zhu cho biết.

Chính phủ Trung Quốc cũng muốn giữ các công ty lớn nhất của mình "ở nhà", và ra mắt một sàn chứng khoán mới vào tháng 7 trong nỗ lực tạo ra một môi trường tốt hơn cho các công ty công nghệ IPO.

Bỏ lỡ những cơ hội

Mặt khác, đầu tư nước ngoài vào chứng khoán Trung Quốc niêm yết ở đại lục vẫn còn hạn chế, ngay cả khi Bắc Kinh cố gắng mở rộng thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vì thị trường chứng khoán trong nước bị chi phối bởi các nhà đầu tư bán lẻ, các nhà chức trách đang cố gắng thu hút dòng vốn ổn định hơn từ các nhà đầu tư tổ chức.

Nhà cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI đã dần dần bổ sung một số cổ phiếu A của Trung Quốc đại lục vào chỉ số thị trường mới nổi chủ chốt và hơn 1,9 nghìn tỷ USD tài sản đã được đưa vào chỉ số chuẩn cuối năm 2017.

Vào tháng Tư, Chỉ số Tổng hợp Toàn cầu của Bloomberg Barclays bắt đầu thêm các trái phiếu Trung Quốc. JPMorgan cũng tuyên bố chỉ số trái phiếu chuẩn sẽ có thêm nợ Trung Quốc vào đầu năm tới.

Việc đưa toàn bộ tài sản của Trung Quốc vào các chỉ số chứng khoán và trái phiếu này có nghĩa là nhiều người Mỹ sẽ là nhà đầu tư gián tiếp vào thị trường vốn Trung Quốc thông qua các quỹ tương hỗ và các sản phẩm đầu tư.

Nếu các khoản đầu tư như vậy của Mỹ bị cấm, các nhà đầu tư Mỹ sẽ bỏ lỡ - điều mà nhiều nhà phân tích dự đoán - sự tăng trưởng dài hạn.

"Trong khi có thể có những lý do chính trị khác để hạn chế dòng vốn của Mỹ vào Trung Quốc, Washington nên hiểu rằng những tác động của sự mất cân bằng thương mại là trái ngược với những gì họ muốn", theo giáo sư tài chính Michael Pettis tại Trường Quản lý Guanghua thuộc Đại học Bắc Kinh.

Nếu vốn đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc giờ "ở lại" Mỹ, chắc chắn rằng sản lượng nhập khẩu ròng của Mỹ sẽ tăng lên, và dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ - không phải với Trung Quốc, giáo sư Pettis giải thích.

Ngoài việc khuyến khích đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn của mình, Trung Quốc đang cố gắng tăng sự tham gia nước ngoài vào ngành dịch vụ tài chính, cho phép một ngân hàng nước ngoài nắm quyền sở hữu chính trong liên doanh chứng khoán địa phương.

Nếu xu hướng này tiếp tục, dù nhanh hay chậm, ngân hàng và các công ty quỹ tương hỗ của Mỹ sẽ gặp bất lợi so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu của họ, ông Zhu nói.

Gian lận, minh bạch

Một trong những lý do Nhà Trắng xem xét hạn chế đầu tư được cho là để bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ khỏi rủi ro vượt mức do các công ty Trung Quốc thiếu sự giám sát theo quy định.

Điều này là chính đáng, theo ông James Early, CEO của công ty nghiên cứu đầu tư Stansberry China. Ông chỉ ra rằng nhiều công ty Trung Quốc có thể tiếp cận thị trường công khai của Mỹ vào khoảng năm 2010 không phải trả giá cho hành vi gian lận.

Các thị trường vốn Trung Quốc Đại lục là một trong những thị trường lớn nhất trên thế giới, nhưng thường không đạt được mức độ quản trị và thanh khoản của những thị trường phát triển hơn.

Tuần trước, FTSE Russell đã quyết định không thêm Trung Quốc vào chỉ số trái phiếu chính phủ của họ do các vấn đề như thiếu hoạt động giao dịch và thời gian thanh toán dài, theo Reuters.

Phân tích của công ty nghiên cứu kinh tế Rhodium có trụ sở tại New York mùa thu năm 2018 cũng cho thấy 65% ​​các công ty Trung Quốc nằm trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI tại thời điểm đó cuối cùng đã bị nhà nước kiểm soát.

Sự hiện diện của các doanh nghiệp nhà nước phổ biến ở nhiều thị trường mới nổi. Tất cả các công ty, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, đều được đối xử bình đẳng miễn là đáp ứng các tiêu chuẩn chỉ số thích hợp.

Khánh An

CNBC

Trở lên trên