MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạn mức vay tiêu dùng 10 triệu đồng là xa rời nhu cầu thực tế

07-11-2016 - 15:19 PM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù có nhiều sửa đổi được cho là thể hiện quan điểm “cấp tiến”, song theo các chuyên gia, Dự thảo lần 2 Thông tư hướng dẫn hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính quy định hạn mức cho vay tiền mặt chỉ tối đa 10 triệu đồng đang gây khó cả người đi vay lẫn bên cho vay…

Bước ngoặt lớn về tự do hóa lãi suất

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện đang lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo lần 2 Thông tư quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. Một trong những nội dung nổi bật được giới chuyên gia đánh giá cao, đó là Dự thảo Thông tư không quy định về mức trần lãi suất.

Cụ thể, tại Điều 16 Dự thảo Thông tư nêu rõ: “Mức lãi suất cho vay tiêu dùng do công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng”.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá đây thực sự là “bước ngoặt lớn” thể hiện quan điểm cấp tiến từ phía NHNN. Bởi nếu áp trần lãi suất 20% theo quy định tại Bộ luật Dân sự sẽ gây khó cho tổ chức tín dụng, và đối với các công ty tài chính càng không hợp lý bởi đó là mức rất thấp so với mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay.

Điều này cũng được cho là phù hợp với tinh thần tại Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng 2010 trước đó đã có quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng được quyền thỏa thuận về lãi suất”.

“Ngay cả lãi vay qua thẻ tín dụng của các ngân hàng cũng đã 28%-30% mà buộc tổ chức phi tín dụng áp trần 20% là không thực tế vì khoản cho vay của các tổ chức này thường rủi ro cao hơn so với hoạt động ngân hàng. Cho nên, Dự thảo không quy định trần lãi suất đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính là thể hiện tính đúng đắn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong tương lai”, TS. Nguyễn Trí Hiếu bình luận.

Hạn mức cho vay tiền mặt nên đẩy lên 50 triệu đồng

Mặc dù vậy, qua phân tích, mổ xẻ, các chuyên gia cho rằng vẫn còn một số điểm chưa hợp lý trong Dự thảo Thông tư lần này.

Tại Điều 17 quy định về Sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay nêu rõ: "Công ty tài chính được xem xét quyết định việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng cho khách hàng để khách hàng thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ... tổng số tiền không vượt quá 10 triệu đồng, hoặc một mức khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ”. Theo TS. Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đây là một quy định hoàn toàn không hợp lý.

“Người dân có nhu cầu vay tiêu dùng để mua sắm tài sản có giá trị lâu bền như tivi, máy điều hòa hay ô tô mà 10 triệu đồng thì quá thấp trong bối cảnh mặt bằng giá cả hiện nay. Mức đó chỉ tiêu dùng hàng mau hỏng, không đáp ứng được nhu cầu mua sắm hàng hóa theo đúng nghĩa của vay tiêu dùng là dành cho những mục đích cấp thiết như mua sắm vật dụng gia đình, sửa chữa nhà cửa... mà chủ yếu chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn của bà con nông dân mua sắm nông cụ lao động. Nếu chỉ vì cái tivi mà làm hồ sơ vay vốn thì không hợp lý. Để ngăn ngừa rủi ro, cần xác định đúng mục đích cho vay, cơ sở hoàn trả và một số vấn đề khác thay vì quy định bằng hạn mức thấp, không phù hợp. Theo tôi, hạn mức trung bình của một món vay khoảng 50 triệu đồng thì hợp lý hơn”, ông Đặng Ngọc Đức nêu quan điểm.

Về vấn đề này, đại diện một công ty tài chính cũng cho rằng, hạn mức 10 triệu đồng là chưa hợp lý và chưa thống nhất với quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-NHNN ngày 10/4/2012 quy định việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay, các khoản giải ngân dưới 100 triệu đồng thì không bắt buộc phải sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Như vậy, hạn mức quy định 10 triệu đồng mâu thuẫn với quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-NHNN và mâu thuẫn ngay với chính quy định tại Khoản 2 Điều 17 Dự thảo Thông tư (Công ty tài chính được xem xét quyết định việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng cho khách hàng để khách hàng thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng).

Ngoài ra, theo vị đại diện này, số tiền vay tiêu dùng tuy nhỏ lẻ nhưng giới hạn mức 10 triệu đồng là quá thấp. Quy định này sẽ phù hợp với các công ty tài chính vi mô hơn là công ty tài chính tín dụng tiêu dùng.

Do vậy, đề xuất từ phía các công ty tài chính là quy định về giải ngân cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ hoặc giải ngân trực tiếp cho Khách hàng nên được quy định theo hướng mở, căn cứ vào thỏa thuận giữa Công ty tài chính và Khách hàng. Đây cũng là một trong những đề xuất nhận được nhiều sự đồng thuận từ phía các chuyên gia.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên