MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàn Quốc cảnh báo tôm Việt Nam có chất cấm

12-05-2018 - 20:52 PM | Thị trường

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa thông báo, vào tháng 6 tới, Hàn Quốc sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam đánh giá hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong chế biến, xuất khẩu tôm vào Hàn Quốc.

Theo Nafiqad, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc gửi 2 công thư trong tháng 4 thông báo đã phát hiện liên tiếp dư lượng Nitrofurans (một loại kháng sinh cấm dùng trong thủy sản) trong các lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam dù đã áp dụng chế độ kiểm tra 100% từ năm 2017. Nafiqad yêu cầu 4 doanh nghiệp (DN) có lô hàng bị Hàn Quốc cảnh báo khẩn trương điều tra nguyên nhân và thực hiện biện pháp khắp phục phù hợp.

Để chuẩn bị làm việc với phía Hàn Quốc, Nafiqad đề nghị các DN xuất khẩu, các chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng tăng cường các biện pháp kiểm soát hóa chất, kháng sinh, đặc biệt là chỉ tiêu Nitrofurans.

Hàn Quốc cảnh báo tôm Việt Nam có chất cấm - Ảnh 1.

Thu hoạch tôm ở Sóc Trăng Ảnh: NGỌC TRINH

Cũng liên quan đến nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm, tại hội thảo "Tích hợp hệ thống nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo, động lực cho phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam" do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) tổ chức ngày 11-5 ở TP HCM, ông Như Văn Cẩn, đại diện Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết năm 2017, xuất khẩu tôm đạt gần 3,86 tỉ USD, chiếm gần 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản.

Theo ông Cẩn, chi phí về điện trong nuôi tôm thâm canh chiếm khoảng 10% giá thành và hiện có khoảng 10%-30% diện tích nuôi đang thiếu điện. Do đó, ngành thủy sản và ngành điện cần phối hợp trong đầu tư hạ tầng và cung ứng điện cho các vùng nuôi trong quy hoạch, cũng như phối hợp trong việc phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) bằng cách tận dụng không gian của vùng nuôi trồng thủy sản, thực hiện giải pháp tiết kiệm điện.

Theo Công ty CP Tư vấn và Xây dựng điện 2 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam), đơn vị thực hiện dự án "Hệ thống điện mặt trời cấp điện cho trại nuôi tôm", khu vực ĐBSCL có bức xạ mặt trời khá tốt, phù hợp phát triển các dự án điện mặt trời nhằm cung cấp điện cho ngành nuôi tôm hiện thiếu hụt, giúp giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, để cấp điện nuôi tôm hiệu quả, chính quyền địa phương cần có quy hoạch vùng nuôi và vận động người dân phát triển nuôi tôm đúng quy hoạch. Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư phát triển ở các khu vực còn khó khăn do nhu cầu vốn đầu tư cấp điện cho nuôi tôm rất lớn.


Theo Ngọc Ánh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên