MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàn Quốc – con đường không rải hoa hồng và hành trình kiến tạo kỳ tích

05-05-2019 - 16:48 PM | Tài chính quốc tế

Năm 1988, pháo hoa thắp sáng sông Hàn mở đầu cho ngày hội thể thao toàn thế giới - Olympic Seoul. Đó cũng là cột mốc mà người Hàn và Quốc tế nhắc đến như là điểm khởi đầu cho một quốc gia cường thịnh, vượt qua khắc nghiệt, khó khăn kinh tế và tàn phá chiến tranh.

Tổng sản phẩm quốc nội Hàn Quốc ở mức 1,720.9 nghìn tỷ USD theo thống kê 2018, và GDP bình quân đầu người đã đạt 33,346 USD với cơ cấu GDP gồm công nghiệp đóng góp 29,3%.

Một phép màu kinh tế từ đổ nát của chiến tranh và khắc nghiệt về tài nguyên thiên nhiên

Cuộc chiến tranh hai miền Nam – Bắc Triều Tiên kéo dài ba năm, kết thúc vào năm 1953 đã tàn phá Hàn Quốc dữ dội, nhiều thành thị chỉ còn là đống tro tàn. Vào thời điểm ấy, thu nhập bình quân đầu người chỉ vào khoảng 67 đô la Mỹ và là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Bị mắc kẹt giữa hai nước láng giềng hùng mạnh ở Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc đòi hỏi sự quyết tâm và linh hoạt từ phía người dân và các nhà lãnh đạo.

Hàn Quốc không phải quốc gia giàu có về nguyên liệu thô hoặc tài nguyên năng lượng. Nó được xếp hạng một trong 10 nước tiêu dùng năng lượng lớn nhất thế giới. 98% nhiên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu. Đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng từ nước ngoài là một thách thức lớn đối với quốc gia. Và mặc dù không có tài nguyên dầu khí, Hàn Quốc lại sở hữu một số nhà máy lọc dầu lớn và hiện đại bậc nhất thế giới. Thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên chắc chắn là một nhược điểm nhưng một mặt nào đó có thể thúc đẩy sự đổi mới và các cải thiện hiệu quả.

Người Hàn tận dụng những khoản viện trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó chỉ riêng viện trợ của Mỹ đã chiếm đến hơn 30% ngân sách chính phủ để giải quyết khâu giao thông lưu chuyển hàng hóa. Hàng loạt tuyến đường sắt, nhà máy, đường cao tốc được xây dựng.

Chính phủ Hàn thi hành chính sách tiên quyết tập trung phát triển công nghệ và kích thích tiêu dùng hàng nội địa. Hàn Quốc nhanh chóng công nghiệp hóa, phát triển với tốc độ nhanh nhất thế giới. Người sáng lập Tập đoàn Hyundai Chung Ju-yung là một trong những người Hàn Quốc đầu tiên được thế giới công nhận và vinh danh. Thương hiệu Hyundai nức tiếng toàn cầu về chất lượng sản phẩm và thời gian sản xuất.

Với nỗ lực không ngừng nghỉ của chính phủ Hàn và người dân, xuất khẩu tăng mạnh, từ con số 100 triệu USD vào năm 1964 đã tăng lên tới 1 tỷ USD vào năm 1971 và 10 tỷ USD vào năm 1977. Cơ cấu công nghiệp cũng chuyển đổi từ công nghiệp nhẹ sang công nghiệp chế tạo và công nghiệp nặng.

Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc

1) Mạch tích hợp

2) Ô tô

3) Dầu mỏ tinh chế

4) Tàu và thuyền

5) Phụ tùng xe

Nguồn: The Observatory of Economic Complexity, 2015

Năm 2018 là năm đầu tiên xuất khẩu vượt qua ngưỡng 600 tỷ USD, đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 6 trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường lớn nhất của Hàn Quốc - đạt 162,2 tỷ USD (tăng 14,2% so với cùng năm 2017), nhờ nhu cầu mạnh về chip nhớ, sản phẩm hóa dầu và máy móc. Xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng 6% lên 72,7 tỷ USD, chủ yếu là máy móc và chip nhớ. 15 công ty Hàn Quốc góp mặt trong bảng xếp hạng Fortune Global 500. Một số chaebol (tập đoàn công nghiệp) của Hàn Quốc đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh đến từ Nhật Bản.

Quyền lực kiểu mềm hay tư duy xuất khẩu văn hóa như một mặt hàng

Hàn Quốc trở thành nhà xuất khẩu văn hóa hàng đầu châu Á - sản xuất nhạc (K-pop), phim truyền hình (K-Drama). Chính phủ Hàn Quốc đã làm mọi cách để biến văn hóa Hàn trở thành một thứ hàng hóa xuất khẩu được và mang lại kinh tế hiệu quả với logic thế giới chú ý đến nền âm nhạc và phim ảnh bản địa, họ sẽ phát triển niềm yêu thích với sản phẩm nội địa và mua chúng. Thực tế chứng minh điều này hoàn toàn có cơ sở!

Bằng nhiều hình thức khác nhau, chính phủ Hàn Quốc đã tăng sức hút của nền văn hóa Hàn đối với thế giới. Một hệ sinh thái hỗ trợ phát triển nghệ thuật đã được thiết lập bao gồm các chiến lược truyền thông và sự ra đời của các công ty giải trí ươm mầm tài năng nghệ sĩ có thời gian đào tạo lên đến 10 năm. Bộ môn múa và sân khấu được đưa vào chương trình giáo dục. Cùng với đó, phúc lợi cho nghệ sĩ và các hoạt động bổ trợ về kiến thức văn hóa Hàn cũng được triển khai.

Thuật ngữ Hallyu - hay Làn sóng Hàn Quốc với 02 trục chính là K-Pop và K- Drama - ra đời vào những năm 1990, lan rộng nhanh chóng đến Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Hồng Kông.

Năm 1996, để hỗ trợ cho Hallyu, chính phủ thay đổi chính sách kiểm duyệt văn hóa. Những gì là cấm kỵ trước đó như mặc áo quần khêu gợi, chuyện giới tính, sex… được nới lỏng.

Hàn Quốc và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Cột mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao đồng thời mở đường cho văn hóa Hàn Quốc "tấn công" thị trường tỷ dân lớn nhất thế giới và là khởi đầu thành công của định hướng "văn hóa cũng có thể là món hàng xuất khẩu được". Trong vòng 5 năm, hơn 150 triệu người Trung Quốc đã xem phim truyền hình Hàn Quốc và nghe nhạc pop Hàn Quốc thông qua một chương trình radio dành riêng có tên là Phòng âm nhạc Seoul. K-Drama và K-Pop trở thành hiện tượng quốc gia ở Trung Quốc giúp cho người Hàn có nhận thức mạnh mẽ về tiềm năng của cái gọi là "hiện tượng văn hóa có tác động toàn cầu".

Làn sóng Hàn Quốc thứ hai được phát triển vào năm 2012 tạo tầm ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu hơn bao gồm Trung Đông, Châu Âu và Bắc Mỹ. K-Pop lọt vào Top 100 Bảng xếp hạng đĩa đơn hàng đầu của Mỹ và Bảng xếp hạng 40 đĩa đơn chính thức của Vương quốc Anh năm 2012. Thành công đó gắn với vũ điệu trứ danh - hiện tượng âm nhạc của thế giới Gangnam Style. Vũ điệu này đã nâng tầm quốc gia Hàn Quốc ở tất cả các lĩnh vực văn hóa, du lịch, kinh tế…

Sự cuồng nhiệt của thế giới đối với Hàn Quốc dần mở rộng sang lĩnh vực ẩm thực, ngôn ngữ, văn học và văn hóa truyền thống. Năm 2013, 987 tổ chức liên quan đến Hallyu đã hoạt động, với số thành viên lên đến 9 triệu người trên toàn thế giới.

Sự thành công của Hallyu như một công cụ để mở rộng quyền lực mềm của Hàn Quốc và hội nhập văn hóa với thế giới.

Trang Trang (Tổng hợp)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên