MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bát nháo thị trường bột soda... 'hầm xương nhanh'

07-03-2016 - 14:58 PM | Thị trường

Loại bột trắng mịn gọi là “soda bột” được dùng làm nhừ các loại xương, đậu, có nguồn gốc, hướng dẫn rõ ràng thì giá bán thấp nhất là 200 ngàn đồng/kg trở lên, nhưng trên thị trường hầu hết lại có giá bán cực rẻ, chỉ vào khoảng 30 - 40 ngàn đồng/kg.

Trong vai người tiêu dùng, chúng tôi đến chợ hóa chất Kim Biên (quận 5, TP.HCM) để hỏi mua loại “bột nhừ hầm xương” bán phở. Bà chủ cửa hàng D2 tại đây nghe vậy vội lắc đầu trả lời không có...

Đây còn gọi là bột diêm muối, đang tung hoành bày bán tràn lan ngoài chợ, giá nào cũng có, mua số lượng bao nhiêu cũng được, nhưng nguồn gốc thì... không ai biết!

Hỏi đúng tên, không ai dám bán

Trong vai người tiêu dùng, chúng tôi đến chợ hóa chất Kim Biên (quận 5, TP.HCM) để hỏi mua loại “bột nhừ hầm xương” bán phở. Bà chủ cửa hàng D2 tại đây nghe vậy vội lắc đầu trả lời không có.

Nhưng đến khi dừng chân tại cửa hàng C1, nằm cuối góc chợ, cũng khi nghe tôi đặt vấn đề mua bột làm nhừ xương với số lượng lớn đem bỏ sỉ cho các huyện ở tỉnh Bình Phước, ông Chi - chủ cửa hàng lập tức giải thích: “Đến đây đừng nói mua bột nhừ, bột ninh nhừ vì không ai dám bán, bởi người ta dị ứng tên đó lắm, mà phải nói là mua bột diêm muối hay bột soda”.

Nói xong, ông Chi đưa cho tôi xem một túi ni lông bên trong chứa 1kg bột màu trắng và một nhãn rời ghi “bột soda” in hình con gà trống màu đỏ “hiệu con gà”, kèm theo đó là chữ Tàu rồi nói chậm rãi: “Đây là bột soda do một cơ sở trong TP.HCM nhập khẩu về đóng gói lại. Ở mình gọi là bột diêm muối bán 30 ngàn đồng/kg, bỏ khoảng một muỗng lớn nấu chừng 15 phút là đậu chín nhừ, hạt đậu nở to. Còn hầm xương phải mất 30 phút, ai nói mất 5 - 10 phút là xạo đó. Tui vừa bán mà cũng xài qua rồi thấy tốt nên giới thiệu hàng “nội địa” cho khách hàng mua về dùng”.

Thấy tôi lưỡng lự, ông Chi giới thiệu sang 1 hộp giấy qui cách bao bì 1kg nhập khẩu của Úc có giá 45 ngàn đồng/kg, trên bao bì ghi thương hiệu “BIC” và dòng chữ Bicardbonate of soda. Ngoài ra không có bất cứ thông tin hướng dẫn tiếng Việt, không nêu rõ công dụng, số ĐT, địa chỉ, NSX.

Còn tại chợ Thủ Đức, chị Sương - chủ cửa hàng kinh doanh đậu, đường, gạo nếp khi nghe chúng tôi hỏi mua bột nhừ xương, thay vì trả lời thì bà chủ lẳng lặng vào trong lấy ra 2 túi ni lông bên trong có bột màu trắng mịn, không mùi, trọng lượng 1 kg/túi, bên ngoài chỉ ghi chú thích bằng chữ bút lông là “Baking soda", rồi nói: “Đây là loại bột soda nhập của Trung Quốc dùng trong làm nhừ xương, đậu, nếu lấy nhiều dạng xá 50 kg/bao thì tui để giá sỉ cho 23 ngàn đồng/kg. Còn nếu lấy lẻ vài kg thì giá 27 ngàn thôi”.

- Sao bên ngoài ghi chữ Baking soda mà không ghi chữ bột nhừ cho người ta dễ mua? - Tôi hỏi.

- Bây giờ người ta không ai gọi bột nhừ cả. Loại bột này giá rẻ lại công dụng nên bán được nhiều lắm, tuy nhiên người ta không cho bán nên cũng phải cẩn thận chút xíu nghe. Vậy nên khách hàng cứ hỏi mua diêm muối hoặc bột soda là được. Hiện rất có nhiều quán phở, hàng chè đều dùng nó. Bởi không có bột diêm muối này mà chỉ ninh nhừ bằng lửa gas mất mấy tiếng đồng hồ thì còn đâu lời lãi nữa”, bà Sương nói.

Chưa thể kiểm soát

Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại bột soda chủ yếu nhập khẩu từ Úc, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... trong các hộp giấy với trọng lượng phổ biến từ 0,5 - 1 kg/hộp, giá thấp nhất 40 ngàn đồng/kg trở lên. Nếu nấu cho gia đình thì chỉ cần lấy một muỗng bột pha với nước rồi cho xương, đậu vô ngâm khoảng 15 - 20 phút, sau đó đổ bỏ nước đi, đổ nước khác vào nấu thêm chừng 40 - 45 phút là xương nhừ, đậu nở.

Riêng bột soda nhập của Trung Quốc thường đựng trong bao xá loại 50kg, chú thích chữ Tàu loằng ngoằng nhưng nhìn trên bao bì rõ nhất vẫn là chữ “Baking soda”, sau đó được các cửa hàng phân ra thành các bịch nhỏ loại 100gr bán 5.000 đồng. Loại của Trung Quốc theo đánh giá có chất lượng vượt trội hơn.

Nếu 2kg xương thì chỉ cần một thìa canh soda, nhưng khi nước sôi vớt bọt bỏ đi là nước trong veo ngay. Còn nấu thêm 30 phút nữa là nhừ y như hầm trong 4 - 5 tiếng. Nếu hầm đậu thì chỉ cần nửa thìa canh, đậu sôi thì gạt bọt, hầm thêm 10 phút nữa là có nồi đậu nở bung.

Theo TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, bột soda được phép dùng trong chế biến thực phẩm. Trong làm nồi nước sủi nhiều bọt trắng, đen là do quá trình tạo CO2 và tẩy ra các chất bẩn từ xương.

Tuy nhiên, phải là loại soda tinh khiết (tức soda xịn), màu trắng, không màu, không mùi và dùng với liều lượng nhất định và phải được bán ở những nơi có đăng ký, có tem, nhãn mác, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng rõ ràng nằm trong danh mục với giá từ 200 - 300 ngàn đồng/kg.

“Trong khi trên thị trường đang có quá nhiều sản phẩm giá cực rẻ nên có nguy cơ chứa tạp chất. Nhưng khi chưa xác định được tạp chất gì trong đó thì cũng chưa thể xác định được mức độ tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng như thế nào?”.

Vẫn theo GS Đồng, việc nhận biết thực phẩm được nấu nhừ theo cách thông thường hay có sử dụng bột soda (diêm muối) cũng rất đơn giản.

Ví dụ, khi ăn thịt bò, nếu xé thịt thấy mềm mà bên trong vẫn còn màu hồng thì khả năng rất lớn là người nấu đã sử dụng chất làm mềm thịt. Còn khi ăn chè, thấy đậu vẫn tròn hạt, không có hiện tượng nở mà vẫn rất mềm thì cũng nên cảnh giác vì có khả năng là người nấu đã sử dụng bột ninh nhừ.

Nên nhớ những loại bán tràn lan ở chợ đều là hàng của Trung Quốc, ăn vào dễ bị chướng bụng, khó tiêu. Với 1kg bột nếu dùng hầm xương thì dùng được trong khoảng 1 năm, còn nấu chè các loại thì dùng được khoảng 8 - 9 tháng mà chỉ tốn 40 - 50 ngàn, rõ ràng là rất hiệu quả kinh tế trong lúc giá gas, điện, than cứ tăng nhanh. Nên để có lợi nhuận cao, nhiều người bán hàng ăn uống đã sử dụng cách này để làm cho thực phẩm mau chín, nhừ.

Hiện nay, mặc dù ngành chức năng và dư luận đã cảnh báo về loại bột này, nhưng người tiêu dùng lại rất dễ dàng mua bán với cái tên gọi “bột soda”, “bột diêm muối”, mà giá của nó khá rẻ tại các chợ.

Trái lại, nếu muốn mua loại sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tem, nhãn mác, hạn sử dụng cụ thể như GS Đồng khuyến cáo thì lại khó như “mò kim đáy bể”. Và đúng như ý kiến của một một đại diện Chi cục An toàn VSTP TP.HCM, khi trao đổi với PV NNVN là “bột ninh nhừ hiện đang là vấn nạn chưa thể kiểm soát nổi”.

Theo Nhật Vy

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên