MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương: Phải có giải pháp tiêu thụ hết nông sản cho nông dân

04-05-2015 - 21:19 PM | Thị trường

​Ngoài mục tiêu đảm bảo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2015 theo kế hoạch mà Quốc hội đặt ra, thì riêng nhóm nông lâm sản, ngành Công-Thương phải có giải pháp để tiêu thụ hết cho người nông dân.

Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh tại Hội nghị "Họp bàn các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu," do Bộ Công Thương tổ chức chiều 4/5, tại Hà Nội.

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, qua 4 tháng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, các mặt hàng có kim ngạch lớn như thủy sản, gạo, càphê đều giảm mạnh so với cùng kỳ.

Về nguyên nhân sụt giảm, theo bà Dương Phương Thảo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu là do nguồn cung các mặt hàng cùng loại trên thế giới khá dồi dào, điển hình là mặt hàng gạo đang phải chịu cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan trong khi mặt hàng tôm cũng chịu sức ép cạnh tranh từ Ấn Độ và Thái Lan.

Nguy cơ mất thị trường lớn

Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ của các nước nhập khẩu gia tăng, cụ thể là các rào cản thương mại và kỹ thuật, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng nông lâm, thủy sản diễn biến ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng mạnh đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, những hạn chế của ngành sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản từ nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết như công tác quy hoạch vùng sản xuất, nuôi trồng chưa nhất quán và đồng bộ; tỷ lệ sản phẩm nông sản, thủy sản chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao để phục vụ xuất khẩu còn thấp; năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu kém, v.v...

"Thời gian qua, một số lô hàng thủy sản của Việt Nam đã bị cảnh báo từ các nước nhập khẩu do chất lượng chưa đảm bảo, nhất là về lượng thuốc tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thủy sản. Điều này đang đặt Việt Nam trước nguy cơ bị mất đi nhiều thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và EU," lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cảnh báo.

Tại cuộc họp, đại diện các hiệp hội, ngành hàng cũng nêu ra các khó khăn dẫn đến giảm giá trị của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản như nhu cầu tiêu dùng của một số thị trường nhập khẩu giảm; các rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu, nhất là vấn đề vệ sinh An toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, thêm vào đó chi phí đầu vào như nguyên liệu, phương tiện vận chuyển cao...

Nhiều cơ quan, bộ ngành đã chung tay giúp người nông dân tiêu thụ nông sản (Ảnh minh họa: Nguồn: PV/Vietnam+)

Nhiều ngành phải chung tay

Trước thực tế trên, để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu đề ra từ đầu năm, tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Bộ Công Thương sẽ đưa các nội dung về giảm thuế, tháo gỡ các rào cản về thương mại, kỹ thuật không phù hợp với nhóm hàng này của Việt Nam nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thêm vào đó, Bộ sẽ giới thiệu danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam đến các đối tác nước ngoài để kết nối thông tin giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường và có thêm nhiều kênh phân phối.

Về phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức triển khai các giải pháp điều chỉnh cơ cấu, mùa vụ cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương, đồng thời thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giái trị gia tăng và phát triển bền vững, đồng thời tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, thực hiện sản xuất có chứng chỉ...

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét các chính sách về tín dụng, bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cũng như có chính sách tỷ giá hợp lý, góp phần hỗ trợ xuất khẩu.

Năm 2015, ngành Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 165 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014; Nhập siêu dưới 5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó nhóm hàng nông, lâm, thủy sản phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 32 tỷ USD./.

Theo Đức Duy

PV

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên