MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cây mắc-ca: Huyền thoại hay ngộ nhận?

09-03-2015 - 09:32 AM | Thị trường

Trong những chủ trương phát triển trồng trọt từ trước đến nay, ít có cây nào gây nên một sự bàn thảo sôi nổi như mắc-ca - một cây trồng mới được Chính phủ chủ trương mở rộng mạnh mẽ, triển khai một cách cấp tập và cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Người chủ trương và ủng hộ mệnh danh mắc-ca là “nữ hoàng” của các hạt, “cây tỉ đô”, “cây vàng”, người do dự cũng không ít lý do để mà cảnh báo. Chúng tôi cho rằng sự phát triển thành công mắc-ca quyết định ở tính bền vững của nó trong hệ thống cây trồng và tính cạnh tranh của nông sản này trên thị trường. Do vậy, đánh giá đúng tiềm năng cũng như lường hết sự rủi ro chính là đóng góp tốt nhất cho việc thực hiện chủ trương này của Chính phủ.

Bài 1: Tại sao nơi xuất xứ mắc-ca không mở rộng diện tích?

Theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ có 200.000ha trồng mắc-ca tại Tây Nguyên và 30.000ha tại Tây Bắc. Mục tiêu này là quá cao nếu lưu ý rằng sau mấy chục năm phát triển, đến nay cả thế giới mới có 80.000ha. Mặt khác cũng chưa lý giải được thỏa đáng tại sao nơi xuất xứ và thuận lợi cho mắc-ca như Australia, Nam Phi, Mỹ, Guatemala mà họ không mở rộng diện tích nhanh chóng.

Người trồng chịu rủi ro

Năng suất của mắc-ca chỉ bằng khoảng 1/3 so với năng suất các loại cây trồng cho quả hạch khác; tỉ lệ nhân trong hạt cũng thấp hơn nhiều (4kg hạt tốt được 1kg nhân), tỉ lệ hao hụt, sấy khô, khấu hao, nhân công làm cho giá thành nhân khá cao. Vỏ hạt rất cứng cần đầu tư thiết bị chế biến đặc biệt. Cũng do năng suất nhân thấp, đầu tư ban đầu cao, công nghệ cao và tiêu chuẩn chất lượng rất cao nên lợi nhuận phụ thuộc rất lớn vào giá thị trường đầu - cuối chuỗi giá trị, và giá cả thì rất khó dự báo. Người quyết định sẽ là các Cty đa quốc gia về thực phẩm cao cấp, mỹ phẩm và các tác nhân nắm công nghệ cao về chế biến; người làm ra sản phẩm sơ cấp chịu nhiều rủi ro hơn.

Về giá trị của hạt mắc-ca, khi lấy hàm lượng dinh dưỡng mà so sánh thì nó có những ưu điểm, nhưng không có cơ sở để kết luận không có loại hạt nào thay thế được. Với hàm lượng dầu cao vượt trội (chất béo 78,2%) hạt mắc-ca rất khó bảo quản. Còn về hiệu quả kinh tế thì không thể lấy giá trong siêu thị của các nước phát triển mà nhân với năng suất tối đa; vì để đạt được giá bán đó còn bao nhiêu điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm phải thỏa mãn. Giá hạt mắc-ca trên thị trường thế giới vào khoảng 2-3USD/kg hạt; giá có thể cao hơn thế chỉ là trong trường hợp nhất thời, không nên coi là giá trung bình. Có người nêu giá hạt 30 USD/kg là sự thổi phồng.

Tỉ lệ hoa đậu thấp

Về thổ nhưỡng, một trong những yêu cầu sinh thái thiết yếu nhất đối với cây mắc-ca là biên độ nhiệt, đặc biệt là nhiệt độ thích hợp cho cây ra hoa. nhiệt độ tối ưu để cây ra nhiều hoa là từ 120C đến 210C. Cây mắc-ca rất nhiều hoa, mỗi chùm bông hình đuôi sóc có từ 100-300 hoa, nhưng tỉ lệ đậu quả lại rất thấp, chỉ đạt 0,1 - 0,3%; khí hậu không thuận lợi có thể hoàn toàn không đậu quả. Ra hoa đậu quả đòi hỏi một nhiệt độ ổn định và thấp (khoảng 18-25 độ C), phải kéo dài trong vài tháng.

Là cây tự thụ phấn và thụ phấn chéo, nếu trồng đơn lẻ, trồng xen năng suất sẽ không cao. Bộ rễ ăn nông, cây dễ đổ khi gió lớn. Những trở ngại này rất dễ gặp ở Tây Bắc và Tây Nguyên và ngay trong 1 tỉnh không phải vùng nào cũng trồng được. Điều kiện đất đai-khí hậu phức tạp của ta đòi hỏi phải đánh giá tính thích hợp của mắc-ca cho mỗi vùng trồng hẹp. Đây là điều kiện tiên quyết nhưng chúng ta chưa làm.

Trong những chủ trương phát triển trồng trọt từ trước đến nay, ít có cây nào gây nên một sự bàn thảo sôi nổi như mắc-ca - một cây trồng mới được Chính phủ chủ trương mở rộng mạnh mẽ, triển khai một cách cấp tập và cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Người chủ trương và ủng hộ mệnh danh mắc-ca là “nữ hoàng” của các hạt, “cây tỉ đô”, “cây vàng”, người do dự cũng không ít lý do để mà cảnh báo.

Chúng tôi cho rằng sự phát triển thành công mắc-ca quyết định ở tính bền vững của nó trong hệ thống cây trồng và tính cạnh tranh của nông sản này trên thị trường. Do vậy, đánh giá đúng tiềm năng cũng như lường hết sự rủi ro chính là đóng góp tốt nhất cho việc thực hiện chủ trương này của Chính phủ.

>>> Rau sạch Đà Lạt sẽ vào thị trường Nhật Bản

GS-TS Nguyễn Tử Siêm

(Cố vấn trưởng Kỹ thuật Quốc tế, Bộ Ngoại giao & Phát triển Canada

nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông & Khuyến lâm)

PV

Theo Lao động

Trở lên trên