MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện chưa kể về lá dong xuất ngoại ở Tràng Cát

07-02-2016 - 07:39 AM | Thị trường

Từ rất lâu, Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã nổi tiếng với nghề trồng lá dong, một nguyên liệu không thể thiếu được để làm nên chiếc bánh chưng xanh ngày Tết cổ truyền.

 

Trời vừa hửng, bà cụ Minh, nguyên Chủ tịch hội Phụ nữ xã Kim An, Thanh Oai, Hà Nội thức dậy, quày quả ra vườn dong đã xanh ngút phía bên ngoài. Tháng Chạp rồi, mùa lá dong Tết Tràng Cát lại vào mùa. Bà Minh cũng bắt đầu công việc thu hoạch, chuẩn bị lá đem đi bán như 67 năm nay vẫn thường làm.

Tràng Cát là thôn lớn nhất của xã Kim An, cũng là vùng đất dễ được nhận diện nhất của khu vực này. Khách đường xa, chỉ cần đi theo con đường liên thôn đã có thể thấy bạt ngàn dong trải dài trước mắt. Dong ken nhau ngả nghiêng xanh dưới gió đông. Dong mọc rậm rì như rừng cao quá đầu người. Dong báo hiệu đất Tràng Cát là đây, đồng thời cũng đếm ngược cho Nguyên đán.

Những phiến dong xanh ngút ngàn được coi là niềm tự hào của người Tràng Cát (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những phiến dong xanh ngút ngàn được coi là niềm tự hào của người Tràng Cát (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dẫn chúng tôi len giữa những vạt dong, “rừng dong” ấy, bà Minh, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim An, người đã gắn bó với nghề 67 năm nay cho biết: Cả xã Kim An đến giờ cũng chỉ còn người dân thôn Tràng Cát duy trì nghề trồng lá dong đón Tết.

Những năm gần đây, mặc dù diện tích đất canh tác đã bị thu hẹp nhiều, nhưng người Tràng Cát vẫn cứ nặng lòng với nghề cha ông để lại này nên vẫn cố dành ra nhiều khoảng để trồng.

“Thậm chí, có những gia đình dành hẳn ra 5-6 sào để trồng dong, vừa để có thêm thu nhập, vừa là cách để cố giữ lấy nghề,” bà Minh tâm sự.

Cũng chính nhờ vậy, Tràng Cát, từ nhiều năm nay, mới trở thành một vườn dong lớn ngay giữa lòng Hà Nội, ngay giữa cái thời buổi xô bồ của hiện tại.

Bà Minh bảo, mỗi lần nhìn dong vươn lên, bà như thấy lại cả quá khứ, tuổi trẻ của mình.

Cũng không phải tự nhiên, dong Tràng Cát trở nên nổi danh khắp nơi. Nhiều người đã cố thử đưa giống ở đây sang nơi khác nhưng chẳng nơi đâu, dong lại lên tốt và to như xứ này. Người Tràng Cát trồng một lần để thu hoạch dong cả năm. Đất trồng thì không được ẩm quá dễ khiến lá bị úng; cũng không được khô quá để lá còi cọc.

Dong Tràng Cát bản rộng, dài từ 60-80cm, rộng 50cm. Giá bán buôn dao động từ 50.000-60.000 đồng/100 chiếc. Cá biệt, những lá khổ lớn 1m có giá lên tới gần 100.000 đồng/100 lá. Càng sát Tết, giá lá càng được đẩy lên cao.

Điểm đặc biệt là dong Tràng Cát khi dùng để gói bánh chưng sẽ cho màu xanh đậm, đồng thời để lại mùi hương thoang thoảng rất đặc trưng.

Chị Phạm Thị Lợi - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Tràng Cát cho hay: Mặc dù trồng dong là nghề cổ truyền nhưng lời lãi thực tế chẳng được bao nhiêu. Nhưng, với lòng yêu nghề, người Tràng Cát không mấy ai nghĩ tới việc trồng cây khác.

“Nó như một cái duyên nặng nợ mà Tràng Cát đã bén từ ngày xưa. Bỏ thì sẽ không còn là người Tràng Cát nữa,” chị Lợi hóm hỉnh bảo.

Nhiều năm nay, lá dong Tràng Cát còn tìm đường xuất ngoại, mang lại không khí Tết cho Kiều bào (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều năm nay, lá dong Tràng Cát còn tìm đường xuất ngoại, mang lại không khí Tết cho Kiều bào (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những ngày này, thôn Tràng Cát cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Từ sáng sớm, từng đoàn xe nối nhau vào thôn để mua lá dong. Các nhà cũng tấp nập thu hái lá, lau rửa, xếp thành đống để đợi thương lái vào mua.

Vừa mải miết lau lá bằng vải mềm, chị Hoa, một người dân trong thôn rổn rảng cười nói. Năm nay, lá to, giá cũng “đượm” nên tâm trạng của chị hết sức vui vẻ. Chị bảo: Cả năm cũng chỉ chờ đến những ngày này, cả thôn nhộn nhịp như có hội. Những xấp lá dong dày được bó cẩn thận rồi cho vào các thùng riêng biệt rồi được chuyển lên các xe.

Chị Hoa còn cho biết thêm: Từ vài năm trở lại đây, do đảm bảo được chất lượng, nên lá dong Tràng Cát ngày càng thu hút được nhiều thương lái tới hỏi mua. Thậm chí, nhiều thương lái còn xuất lá Tràng Cát sang Lào và Campuchia.

“Đặc biệt, nhiều người Tràng Cát còn tự mang sản phẩm quê hương mình đi phục vụ kiều bào nhiều nơi trên thế giới từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ…,” chị Hoa không giấu nổi niềm tự hào./.

 

Theo Sơn Bách

Vietnam+

Trở lên trên