MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện sẽ bớt căng thẳng?

09-01-2009 - 07:06 AM | Thị trường

Dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là mùa khô năm 2009 khả năng sẽ không thiếu điện như năm 2008.

Nhưng liệu rằng, có khả năng thừa cung? Và thừa cung là dấu hiệu đáng mừng cho nền kinh tế?

Điều đáng nói nhất, thừa cung phải xuất phát từ nguyên nhân nguồn cung được đảm bảo đầy đủ, tức là các nhà máy điện đáp ứng được nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng, tính cả dự phòng. Nhưng tính toán của EVN thì không xuất phát từ nguyên nhân nói trên.

Nếu báo Đầu tư (7-1-2009) dẫn lời ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN là đúng, thì nhu cầu điện cả nước năm 2009 dự kiến là 86,6 tỉ KWh, trong đó riêng cao điểm mùa khô (6 tháng đầu năm) cần khoảng 41,7 tỉ. Tính luôn cả  phụ tải, EVN có thể đáp ứng được nhu cầu và dự phòng 3.000 KWh nữa.

So với tình trạng thiếu điện trầm trọng ở mùa khô vừa qua, dẫn đến những hệ lụy cho sản xuất và sinh hoạt, thì những con số đưa ra có thể mang đến những tín hiệu vui mừng cho nền kinh tế.

Song nguồn cung điện ở nước ta mới chỉ đưa thêm vào hai nhà máy điện Cà Mau và điện Nhơn Trạch thuộc Tập đoàn Dầu khí (khoảng 2.152 MW) vào vận hành, miền Bắc không bổ sung được nguồn mới nào và 13 dự án điện lớn cho những năm tới đang trong giai đoạn được Chính phủ đốc thúc xây dựng cũng như tìm kiếm nguồn than nhập khẩu, thì chuyện thừa cung là nằm ngoài những hy vọng về nguồn cung dồi dào.

Thậm chí, có thể đó là thừa cung “ảo”, do đình đốn về sản xuất, dẫn đến giảm sản lượng tiêu thụ điện hay việc tiết kiệm do giá điện dự kiến sẽ tăng cũng có thể tác động một phần.

Hơn nữa, nếu tính toán thừa cung lại được dựa trên những nguyên nhân tình trạng đình đốn sản xuất, lại càng không phải là tín hiệu đáng mừng. Trong tháng 1-2008, giá trị tăng sản xuất công nghiệp còn giữ ở mức tăng 18,2%, rồi 19,2% trong tháng 2-2008 (thời điểm bắt đầu thiếu điện) thì việc tốc độ tăng giảm dần các tháng sau đó trong năm 2008 đã “cứu” cho ngành điện bài toán thiếu nguồn cung mang tính thời điểm. Còn nếu mang những tính toán này áp dụng vào năm 2009, có thể là một dự báo lạc quan.

Nếu các hành động kích cầu, điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt khiến cho sản xuất phục hồi, ngành điện có thể trở tay không kịp.

Do vậy, vấn đề của EVN hiện nay là nên tính toán theo tốc độ phát triển cao về nhu cầu sử dụng điện, cân đối đầu vào và giá thành sản xuất, giá thành huy động điện của các nhà máy, công suất khả dụng và dự phòng, tiếp tục tìm nguồn vốn, nhà đầu tư, đẩy mạnh đầu tư 13 dự án điện lớn trong tổng sơ đồ VI, hơn là tính toán nguồn cung dôi dư với những lý do ngoài tầm kiểm soát.

 Theo Ngọc Lan
TBKTSG

thanhtu

Trở lên trên